Trong hai thế kỷ qua đã có 4 lần Sao Kim "quá cảnh" qua Mặt Trời. (Nguồn: Internet) |
Theo ông Phường, nguyệt thực là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng tối của Trái Đất. Thời điểm bắt đầu nguyệt thực là lúc 16 giờ 59 phút giờ Việt Nam và đạt cực đại vào lúc 18 giờ 3 phút ngày 4/6, theo đó 37% bề mặt Mặt Trăng sẽ bị che phủ.
Hiện tượng này sẽ kết thúc lúc 19 giờ 6 cùng ngày.
Sự kiện thiên văn đặc biệt tiếp theo là Sao Kim đi qua đĩa Mặt Trời vào ngày 6/6 tới. Đây được coi là sự kiện thiên văn nổi bật nhất trong năm 2012.
"Chúng ta quan sát được hiện tượng này lúc Sao Kim bay ngang qua đĩa của Mặt Trời khi nó trên đường đi theo quỹ đạo xung quanh Mặt Trời. Hầu hết các nơi trên thế giới đều có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này. Đây là sự kiện rất đặc biệt vì lần xảy ra tiếp theo phải là 105 năm nữa," ông Phường nhấn mạnh.
Sao Kim là hành tinh vòng trong của Mặt Trời, có tốc độ quay xung quanh Mặt Trời lớn hơn Trái Đất (Sao Kim quay một vòng xung quanh Mặt Trời trên quỹ đạo này mất khoảng 225 ngày).
Khi bắt kịp Trái Đất và bắt đầu vượt qua Trái Đất thì Sao Kim xuất hiện như một chấm nhỏ nổi bật trên đĩa bề mặt của Mặt Trời. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong vòng 6 tiếng 40 phút.
Tại Việt Nam, hiện tượng này bắt đầu xảy ra vào lúc Mặt Trời vừa xuất hiện ở chân trời phía Đông và kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa ngày 6/6.
Ông Nguyễn Đức Phường cũng khuyến cáo, người yêu thích thiên văn tuyệt đối không được quan sát hiện tượng này bằng mắt thường hoặc bằng các dụng cụ quan sát không có tấm lọc Mặt Trời; không nên dùng đồ tự chế vì ánh sáng Mặt Trời có thể gây tổn hại đến giác mạc thậm chí gây mù lòa nếu nhìn trực tiếp vào Mặt Trời.
Một số câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư và nhiều nhóm bạn trẻ yêu thích thiên văn học tại các tỉnh, thành trên cả nước đã có kế hoạch tổ chức quan sát hiện tượng này.
Theo TTXVN