Nhỏ Bình thường Lớn

Người vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã sinh ra những người con anh hùng được nhân dân suy tôn, Nhà nước công nhận và lịch sử dân tộc Việt Nam mãi ghi danh. Thiếu tướng Ngô Văn Tảo - Tổng Lãnh sự đầu tiên của Việt Nam tại Sihanoukville (Campuchia) là một anh hùng như vậy.
TIN LIÊN QUAN
nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia Cùng vun đắp cho quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam - Campuchia
nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chúc mừng Quốc khánh Campuchia

Anh hùng Ngô Văn Tảo sinh ngày 20/10/1932 tại ấp Thạnh Hưng II, xã Vĩnh Hưng, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng (nay là huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Quá trình hơn 85 năm sống, chiến đấu, học tập, rèn luyện và cống hiến của ông đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Chú Năm Nhẫn (tên thân mật của ông khi tham gia cách mạng) xứng đáng là một tấm gương sáng chói mà đồng đội, đồng chí và nhiều người dân Sóc Trăng luôn tự hào, khâm phục và học hỏi.

nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia
Thiếu tướng Ngô Văn Tảo (phải) tặng cuốn Hồi ký “Trên những chặng đường Cách mạng" cho tác giả.

Từ người con anh hùng quê Sóc Trăng...

Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu thiếu niên Ngô Văn Tảo mới 13 tuổi đã theo các anh chị trong gia đình, tham gia cách mạng ngay tại quê nhà (xã Long Điền, huyện Giá Rai). Năm vừa tròn 16 tuổi, người thiếu niên đó đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và khi bước vào tuổi 17 (01/01/1949), ông  được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản Việt Nam.

Chín năm kháng chiến chống Pháp là khoảng thời gian mà người đảng viên trẻ tuổi Ngô Văn Tảo thể hiện bản lĩnh kiên cường của người lính trong lực lượng vũ trang cách mạng. Ông được tham gia Chiến dịch Sóc Trăng I (1950) của Bộ Tư lệnh Nam Bộ, rồi tham gia trinh sát cho các lực lượng vũ trang Quân khu 9, trong đó có Tiểu đoàn 307 anh hùng và được bổ nhiệm Trung đội Trưởng trinh sát của tỉnh (1954).

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là người chiến sỹ  dũng cảm của Xứ ủy Nam Kỳ cùng đồng đội gan dạ chiến đấu trong vòng vây của địch. Do những đóng góp quan trọng cho địa phương, năm 1960, ông được cấp trên cử làm Bí thư Chi bộ bí mật xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi; tiếp đó  là Huyện uỷ viên, Trưởng Công an huyện Phước Long. Năm 1972, ông được giữ chức vụ Tỉnh uỷ viên, tỉnh Sóc Trăng rồi Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Hậu Giang (tỉnh được thành lập từ sát nhập tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ).

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả giúp Cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot là thời gian quý giá của cuộc đời anh bộ đội Cụ Hồ Ngô Văn Tảo. Trong thời gian này, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, sau đó làm Phó Đoàn và Trưởng Đoàn chuyên gia 9902 giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau những đêm dài của chế độ diệt chủng. Với thành tích to lớn trong sự nghiệp phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (8/1988).

… đến Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Campuchia

Sau hơn 10 năm sát cánh cùng lực lượng vũ trang Cách mạng Campuchia chiến đấu với biết bao kỷ niệm vui, buồn, Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế của mình trên đất nước Bạn và được lệnh rút toàn bộ lực lượng về nước (tháng 9/1989). Trong số những người lính này, có nhiều người con yêu dấu của Sóc Trăng. Họ trở về nước trong niềm vinh dự, yêu thương của Tổ quốc, song trong lòng họ không khỏi day dứt, thương tiếc hàng chục nghìn đồng đội của mình đã ngã xuống cho đất nước Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng và hồi sinh. 

nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia
Cán bộ Tổng Lãnh sự quán tại Sihanoukville và cán bộ Ngoại vụ của tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh chung với đ/c Ngô Văn Tảo tại nhà riêng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Sóc Trăng.

Trong Đoàn quân chiến thắng trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, trước sự lưu luyến tiễn         đưa của người dân Campuchia,  Thiếu tướng Ngô Văn Tảo thầm nghĩ mình khó có cơ hội trở lại làm việc ở nước Bạn. Song điều bất ngờ đã đến khi Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã biệt phái ông sang Bộ Ngoại giao với chức vụ Tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Kompong Som (nay là Sihanoukville ) vào tháng 9/1989.

Từ một người lính, một nhà chỉ huy quân sự vào sinh ra tử được Nhà nước và Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ biệt phái sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: Công tác Ngoại giao, Thiếu tướng Ngô Văn Tảo thấy thật vinh dự và bất ngờ, song ông cảm nhận một cách sâu sắc rằng không ít khó khăn đang chờ đợi ông trên mặt trận ngoại giao nhằm xây đắp tình hữu nghị vừng bền giữa hai nước láng giềng. Trong cuốn Hồi ký “Trên những chặng đường Cách mạng” của mình, ông chia sẻ: “Khó khăn lớn khi chuyển sang ngành ngoại giao là sự thay đổi về nghiệp vụ công tác”. Khó khăn lớn hơn là những cán bộ dưới quyền đều là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội mới chuyển sang và họ cũng  rất mới mẻ với nhiệm vụ ngoại giao. Trong thời gian đặc biệt này, tình hình an ninh - chính trị của Campuchia chưa ổn định, Chính quyền Cách mạng còn rất non trẻ. Lợi dụng tình hình đó và nhất là việc Quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết về nước, tàn quân Pol Pot trở lại hoạt động rất quyết liệt với âm mưu lật đổ Chính quyền cách mạng của Campuchia.

Trong hồi ký trên, ông đã kể lại những ngày tháng đầy khó khăn của cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán tại Kompong Som. Ngoài khó khăn về nghiệp vụ ngoại giao, anh em luôn luôn  phải đứng trước mũi tên, hòn đạn rình rập của tàn quân Pol Pot; nhất là những chuyến công tác lên Đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh (cách Sihanoukville 240 km) phải đi qua Đèo Pich Nil trên Quốc lộ 4.

Ông tâm tình: "Ngẫm nghĩ lại, nếu không có bản lĩnh của người chiến sỹ cách mạng, vào sinh ra tử và dũng cảm đứng trước những thử thách mới thì cũng cảm thấy lạnh lưng, hở sườn và rất dễ gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta cũng như sự ổn định của đất nước bạn". Nhận thức rõ công tác ngoại giao có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc là những gì mà  Tổng Lãnh sự Ngô Văn Tảo và các cán bộ, nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Kompong Som mang trong mình để vượt qua thách thức, khó khăn, nguy hiểm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Cùng với những năm chiến đấu, giúp đỡ bạn xây dựng lại đất nước với rất nhiều công lao và thành tích là quá trình gần hai năm xây dựng từ đầu và lãnh đạo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Kompong Som, ông Ngô Văn Tảo đã được Nhà nước Campuchia ghi nhận và trao tặng Huân chương bảo vệ Tổ Quốc hạng nhất (năm 1989). Điều vinh dự hơn đến với người con ưu tú của Sóc Trăng là sau 45 năm cầm súng đánh giặc cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang và ở tuổi Đảng 46, đồng chí Thiếu tướng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Kể từ ngày thành lập (tháng 4/1989) đến nay, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã trải qua hơn 28 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của 10 Tổng Lãnh sự. Tổng Lãnh sự đầu tiên là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Ngô Văn Tảo, tiếp đến là các Tổng Lãnh sự: Phùng Tất Đắc (1992-1993), Lý Quang Bích (1993-1996), Trần Hải Hậu (1996-1998), Võ Xuân Tường (1998-2003), Nguyễn Văn Viêm (2003-2007), Ngô Đình Kha (2007-2011), Đặng Hồ Phát (2011-2014), Đỗ Sỹ Kiều (2014-tháng 6/2017) và Đại sứ Nguyễn Thế Cường (từ ngày 5/7/2017 đến nay).

Với mong muốn xây dựng truyền thống Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville, nơi không phải ngẫu nhiên, Việt Nam có một cơ quan đại diện Ngoại giao duy nhất ở phía Tây Nam của Vương quốc Campuchia, Đại sứ Nguyễn Thế Cường đã quyết định tìm hiểu lịch sử cơ quan để xây dựng truyền thống và tiến hành chuyến thăm hỏi và tìm hiểu về vị Tổng Lãnh sự đầu tiên của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukvill. Mới đây, buổi gặp gỡ diễn ra thật bất ngờ và cảm động trong cái bắt tay giữa hai Tổng Lãnh sự. Trên nét mặt đầy sương gió của người con anh hùng của đất Sóc Trăng, ông Ngô Văn Tảo chậm rãi kể lại những câu chuyện và kỷ niệm khó quên thuở mới thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Kompong Som (nay là Sihanoukville, Campuchia).

Đại sứ Nguyễn Thế Cường

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville,

Vương quốc Campuchia

nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia Khánh thành Đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Koh Kong

Sáng 16/10, tại thành phố Khemara Phoumin, tỉnh Koh Kong, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 300km về phía Tây, Campuchia đã tổ chức lễ ...

nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia Khởi công tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Kep

Sáng 27/8, tại Vườn hoa Hun Sen (tỉnh Kep) đã diễn ra Lễ động thổ, khởi công xây dựng Đài Hữu nghị Việt Nam - ...

nguoi vun dap tinh huu nghi viet nam campuchia Biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Ngày 3/1, Campuchia đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Đài độc lập tại tỉnh Kompong Chhnang.