WHO ngày 16/11 đánh giá, Mali cần chuẩn bị đối phó với nguy cơ lây lan đại dịch Ebola, đồng thời cảnh báo lần bùng phát này sẽ rộng và nguy hiểm hơn đợt trước. Thông báo này được đưa ra sau khi Mali xác nhận 4 ca nhiễm Ebola mới và hàng trăm người bị nghi nhiễm bệnh.
Trước đó, một bệnh viện ở Thủ đô Bamako đã không phát hiện được triệu chứng Ebola đối với một giáo sĩ Hồi giáo bị nhiễm bệnh từ Guinea. Và khi ông này chết họ cũng không biết chính xác nguyên nhân tử vong. Chỉ đến khi, người y tá điều trị cho ông này đổ bệnh và chết sau đó vì Ebola thì giới chức y tế Mali mới công bố.
Điều mà WHO lo ngại thêm là, khi người giáo sĩ chết, thi thể dễ lây bệnh của ông này được thực hiện trong một nhà thờ Hồi giáo rồi chuyển về Guinea để hỏa táng mà không có các biện pháp phòng ngừa Ebola nào.
Hiện giới chức y tế Mali đã đóng cửa bệnh viện điều trị hai bệnh nhân Ebola vừa nêu đồng thời cách ly một số địa điểm khác trong đó có một nhà thời Hồi giáo ở Bamako và nơi cư trú của người bệnh. Hơn 400 người được cho từng tiếp xúc với bệnh nhân đang được theo dõi nghiêm ngặt.
Trưởng đại diện của WHO tại Mali - Ibrahim Fall cho biết: “Chúng ta phải chấp nhận thực tế. Trong khi theo dõi những người này, cần nhanh chóng xác định những trường hợp mắc mới. Và phải chuẩn bị những phương án đối phó. Hiện chúng tôi đang sẵn sàng cho điều đó. Các đội y tế thường xuyên giám sát người nghi nhiễm 2 lần một ngày. Chúng tôi hi vọng phát hiện sớm trường hợp mắc Ebola mới để nhanh chóng cách ly và khoanh vùng giới hạn”.
Trước đó, lần lượt trong hai ngày 13 và 15/11, Liberia và CHDC Congo đã đưa ra những thông tin đáng vui mừng trong chiến dịch tiêu diệt virus Ebola.
Liberia đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được ban bố hồi tháng tám đối với dịch Ebola. Số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm mạnh từ đỉnh điểm hơn 500 người/ngày xuống còn khoảng 50 người/ngày và từ ngày 9/11 tới nay tại Liberia không có báo cáo trường hợp nhiễm mới. Trong phát biểu ngày 13/11, Tổng thống Sirleaf nhấn mạnh cuộc chiến chống Ebola chưa kết thúc và một số hạn chế vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các khu chợ có thể mở cửa trở lại và thời gian giới nghiêm sẽ được lùi xuống giữa đêm ở những khu vực không bị ảnh hưởng. Trong số ba nước Tây Phi là tâm dịch Ebola (gồm Liberia, Guinea và Sierra Leon), Liberia là nước có dịch bệnh nghiêm trọng nhất với con số thiệt mạng lên tới 2.836 người.
Tiếp sau đó, ngày 15/11 CHDC Congo cũng tuyên bố chính thức xóa bỏ dịch bệnh Ebola kéo dài 3 tháng qua ở nước này sau khi trải qua 42 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới nào. Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Kinshasa ngày 15/11, Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Felix Kabange Numbi cho biết nước ông không phát hiện trường hợp nhiễm Ebola mới nào kể từ ngày 4/10 vừa qua. Ông nói: "Sau 42 ngày kiểm tra và tìm kiếm tích cực mà không phát hiện trường hợp mới nào, Chính phủ CHDC Congo tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch Ebola".
42 ngày là khoảng thời gian đã được quốc tế chấp nhận để một nước tuyên bố hết dịch Ebola khi không phát hiện trường hợp nhiễm mới do đây là số ngày tương đương 2 chu kỳ (mỗi chu kỳ 21 ngày tối đa) để người nhiễm virus Ebola phát bệnh.
Tuy nhiên Bộ trưởng Numbi cho biết, chủng virus gây dịch bệnh ở Cộng hoà Dân chủ Congo khác với chủng virus Ebola hoành hành tại Guinea, Sierra Leone và Liberia, do đó, dịch Ebola tại nước này chấm dứt không có nghĩa là người dân đã hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm.
Dịch bệnh Ebola bùng phát tại Cộng hoà Dân chủ Conggo hồi tháng 8, khiến 66 người nhiễm bệnh, trong đó 49 người đã tử vong và đợt bùng phát này không liên quan tới đợt bùng phát Ebola đang hoành hành ở 6 nước Tây Phi mà đến nay đã cướp đi sinh mạng của 5.177 người.
CHDC Congo đã mở chiến dịch đào tạo cho 1.000 tình nguyện viên nước này nhằm giúp các nước Tây Phi chống lại căn bệnh chết người này.
Ngọc Quỳnh (tổng hợp)