📞

​Nguy cơ cực đoan hóa trực tuyến lan rộng tại châu Phi

15:40 | 11/11/2018
Trong bối cảnh mức độ phổ biến của mạng xã hội ngày càng tăng do sự phát triển của Internet và sự phổ cập của điện thoại thông minh, nguy cơ người sử dụng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của các nhóm cực đoan bạo lực cũng ngày càng hiện hữu, châu Phi cũng không ngoại lệ. 

Kết quả phân tích về vai trò của mạng xã hội đối với quá trình cực đoan hóa trực tuyến tại châu Phi, cho thấy các phần tử khủng bố có thể lợi dụng mạng xã hội như một công cụ để huấn luyện, giao tiếp với những người ủng hộ và những thành viên tiềm năng, tuy nhiên, chiến lược của các chính phủ tại đây nhằm giải quyết vấn đề này lại ít được chú ý.

Trong khuôn khổ dự án “Phòng ngừa và đối phó với bạo lực cực đoan ở châu Phi”, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ủy quyền cho tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Europe tìm hiểu mối liên hệ giữa mạng xã hội và quá trình cực đoan hóa trực tuyến ở 7 nước châu Phi (Cameroon, Chad, Kenya, Nigeria, Somalia, Sudan và Uganda).

RAND Europe đã tập trung nghiên cứu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Shabaab và Boko Haram - 3 trong số các nhóm Hồi giáo cực đoan gây thương vong lớn nhất trên thế giới thời gian qua.

Các phần tử khủng bố có thể lợi dụng mạng xã hội như một công cụ để huấn luyện, giao tiếp với những người ủng hộ và những thành viên tiềm năng. (Nguồn: Strategic culture)

Dựa trên phương pháp nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn và phân tích mạng Twitter, RAND Europe nhận thấy cả 3 tổ chức khủng bố này đều sử dụng mạng xã hội cho quá trình cực đoan hóa, song IS có chiến lược trực tuyến tiên tiến nhất và sử dụng ở phạm vi rộng nhất dựa trên các nền tảng mạng xã hội gồm Facebook, Twitter, YouTube, WhatsApp, KiK và JustPaste.it.

Cả 3 tổ chức này cũng đều sử dụng mạng xã hội để tuyên bố các cuộc tấn công hoặc bắt cóc cũng như để tuyển mộ "tân binh" khi tài khoản của chúng trên các trang mạng chính thức bị đánh sập. IS thiên về sử dụng mạng xã hội để điều phối thông điệp và các kế hoạch quân sự.

Dựa vào dữ liệu mạng Twitter với hơn 220.000 bình luận trong giai đoạn 2012-2017, nhóm nghiên cứu đã nêu bật tình trạng người dùng không chắc chắn về tính xác thực của tin tức trên mạng xã hội và chỉ ra rằng các cuộc thảo luận về những vụ khủng bố lớn do mạng xã hội dẫn dắt có thể lớn hơn chính thông điệp trực tuyến thường xuyên của các nhóm khủng bố.

Với kết quả này, UNDP khuyến nghị chính phủ 7 nước trên xây dựng chiến lược quốc gia riêng chống cực đoan hóa trực tuyến, hoặc bổ sung chiến lược này vào tổng thể chiến lược hiện có về phòng ngừa và đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Để triển khai chiến lược, mỗi chính phủ nên cân nhắc phát triển các chương trình thực hiện, điều chỉnh chính sách phù hợp với bối cảnh địa phương và để mọi người dân đều nắm bắt được chiến lược dựa trên nền tảng mạng xã hội đa ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước nên chia sẻ những bài học hiệu quả trong đối phó với cực đoan hóa trực tuyến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế thông qua tăng cường trao đổi thông tin liên chính phủ, tạo các cộng đồng trực tuyến mới và thảo luận các cơ hội hợp tác tại các hội nghị thường niên của khu vực.

(theo TTXVN)