Tổ chức phi chính phủ KidsRights cho rằng, việc phục hồi hoạt động giảng dạy là chìa khóa để tránh 'một thảm họa thế hệ' có thể xảy ra do Covid-19. (Nguồn: OECD Edu today) |
Đây là cảnh báo được đưa ra một cuộc khảo sát hằng năm do tổ chức phi chính phủ KidsRights (Hà Lan) thực hiện và công bố ngày 3/6.
Theo khảo sát trên, KidsRights nêu rõ, hàng triệu trẻ em trên thế giới đã mất cơ hội được học tập do các biện pháp hạn chế được áp dụng để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời sức khỏe tâm thần và thể chất của các em bị ảnh hưởng về lâu dài.
Trong bảng xếp hạng gồm 182 quốc gia về đảm bảo quyền trẻ em thời dịch Covid-19, KidsRights chỉ rõ, quyền trẻ em tại các nước như Iceland, Thụy Sỹ và Phần Lan được đảm bảo tốt nhất, trong khi đó các nước như CH Chad, Afghanistan, Sierra Leone chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nhà sáng lập và đứng đầu tổ chức KidsRights Marc Dulleart nhận định, đại dịch đã gây ra những tác động vượt xa dự báo được đưa ra khi dịch Covid-19 mới bùng phát năm ngoái.
Theo ông Dulleart, trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không phải trực tiếp do dịch bệnh, mà chủ yếu do việc chính phủ nhiều nước không có hành động hỗ trợ kịp thời. Do vậy, ông Dulleart khẳng định, việc phục hồi hoạt động giảng dạy là chìa khóa để tránh "một thảm họa thế hệ".
KidsRights nêu rõ, trường học của hơn 168 triệu trẻ em trên thế giới đã phải đóng cửa trong gần 1 năm, đáng chú ý là cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ không có điều kiện tiếp cận phương pháp học từ xa trong thời gian trường học đóng cửa do dịch bệnh.
Thống kê còn cho thấy, có thêm 142 triệu trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói vì kinh tế toàn cầu giảm sút do đại dịch. Ngoài ra, khoảng 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi có thể không được tiêm chủng phòng các dịch bệnh thông thường do hệ thống y tế bị gián đoạn.
KidsRights cũng cảnh báo sự gia tăng tình trạng bạo hành gia đình trong thời gian phong tỏa, trong đó nạn nhân thường là trẻ em.