Xin lỗi là chưa đủ
Choi Soon-sil, người tuy không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ song rất thân thiết với bà Park, đã trở về Hàn Quốc trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc cho biết bà đã được xem trước nhiều bài phát biểu của Tổng thống, việc bổ nhiệm trong chính phủ và thậm chí còn được biết nhiều thông tin mật. Truyền thông còn đưa tin bà Choi hiện đang điều hành hai tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ chống lưng và nắm giữ hàng chục triệu USD.
Bà Choi Soon-sil bị báo chí Hàn Quốc bủa vây khi vừa trở về từ Đức, ngày 31/10. (Nguồn: Yonhap) |
Ngày 25/10, Tổng thống Park Geun-hye, 61 tuổi, đã đưa ra lời xin lỗi công khai về vụ bê bối. Ngày 28/10, bà Park yêu cầu các Bộ trưởng từ chức để bắt đầu cải tổ nội các vào cuối tuần. Tuy nhiên, động thái này cũng không đủ để trấn an dư luận, nhất là những người biểu tình đòi bà từ chức.Trong khi đó, các nhà điều tra bắt đầu xét hỏi các cố vấn hàng đầu của bà Park, đồng thời khám xét một số văn phòng, nhà riêng của nhiều quan chức có liên quan tới các tổ chức phi lợi nhuận của bà Choi.
Theo trang mạng atimes.com, mối quan hệ của Tổng thống Park Geun-hye đối với gia đình bà Choi Soon-sil bắt đầu từ vài thập kỷ trước, từ khi cố Tổng thống Park Chung-hee - cha của Tổng thống Park Geun-hye, còn đương nhiệm. Một số nguồn cho biết bà Park Geun-hye đã gặp cha bà Choi, một thủ lĩnh tôn giáo, sau khi mẹ bà Choi bị một sát thủ Triều Tiên sát hại vào năm 1974. Cố Tổng thống Park Chung-hee, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1961, bị chính người đầu ngành tình báo ám sát vào năm 1979. Bà Choi sau đó được cho là đã bắt đầu có mối quan hệ thân thiết với bà Park Geun-hye sau khi cha mất vào năm 1994.
Khả năng bị luận tội thấp
Trong bối cảnh các đảng đối lập yêu cầu Chính phủ tiến hành cải cách tổng thể và đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức, tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này đã giảm xuống mức thấp chưa từng có là 17,5%. Điều này cho thấy ngay cả những lực lượng ủng hộ Tổng thống mạnh mẽ nhất cũng đang cảm thấy bất an và hoang mang.
Tuy nhiên, nhiều người dân và giới học giả hoài nghi về khả năng bà Park bị luận tội - theo đòi hỏi của phe đối lập - bởi điều này cần có sự thông qua của Tòa án Tối cao, cơ quan do bà trực tiếp bổ nhiệm. Giáo sư Choi Lyong tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk cho rằng, phần lớn các thẩm phán đều do đích thân Tổng thống Park chỉ định và điều này có nghĩa các cuộc tranh luận nhằm luận tội Tổng thống đều sẽ đi đến bế tắc.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống cũng được miễn mọi cuộc truy tố hình sự và luận tội trong nhiệm kỳ, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến các âm mưu xâm phạm lợi ích hoặc chủ quyền quốc gia có câu kết với nước ngoài. “Cơ cấu Hiến pháp Hàn Quốc về cơ bản đã củng cố đáng kể quyền lực cho Tổng thống, và tránh cho người ở vị trí lãnh đạo này khỏi nguy cơ bị luận tội”, ông Lyong nói.
Hiến pháp Hàn Quốc tạo điều kiện cho bà Park Geun-hye tránh nguy cơ bị luận tội. (Nguồn: Reuters) |
Năm 2004, Tổng thống khi đó là ông Roh Moo-hyun từng đứng trước nguy cơ bị luận tội, song Tòa án Tối cao đã bác bỏ vụ việc. Giáo sư Kim Jae-chun thuộc Đại học Sogang, cho rằng dư luận sẽ thay đổi theo thời gian, và khi mọi chuyện dần lắng xuống, “người dân sẽ dần cảm thông cho Tổng thống". Ông nói: “Vẫn còn nhiều người ủng hộ bà Park, và cho dù hiện nay tỷ lệ này chỉ là 17% song chắc chắn nó sẽ lại tăng trong thời gian tới. Người ta sẽ nói rằng bà Park đã phạm sai lầm song bà ấy không đáng bị luận tội”.
Trong khi đó, Giáo sư Lyong cho rằng, chỉ còn 1 năm nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo, phe đối lập có thể sẽ lợi dụng vụ bê bối này để làm giảm uy tín của chính phủ thay vì cố tìm cách theo đuổi nỗ lực bị xem là bất khả thi nhằm luận tội Tổng thống.
Chính sách đối ngoại bị chệch hướng?
Trong bối cảnh vụ bê bối nói trên đang tác động tiêu cực đến các vấn đề nội bộ Hàn Quốc, một số nhà phân tích cho rằng lập trường cứng rắn của Hàn Quốc đối với các vấn đề quốc tế, nhất là Triều Tiên, có thể đi chệch hướng trong giai đoạn còn lại cuối nhiệm kỳ của bà Park.
Người dân Seoul biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức, ngày 29/10. (Nguồn: Reuters) |
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng: “Các chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, như các biện pháp đối phó với chương trình hạt nhân, có thể phát huy hiệu quả khi chính phủ đảm bảo được sự ủng hộ của dư luận và sự phối hợp của quốc tế… Tuy nhiên, không có sự hậu thuẫn của dư luận trong nước đối với các vấn đề đối nội, sự ủng hộ của quốc tế có thể cũng sẽ không còn. Các chính sách cứng rắn của bà Park có thể sẽ rơi vào bế tắc”.
Một số nhà phân tích khác còn lo ngại bê bối này ảnh hưởng tới uy tín của bà Park trên trường quốc tế, nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi Hàn Quốc vừa quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình.
Giáo sư về Quan hệ quốc tế Park Won-gon thuộc Đại học Handong nói: “Giờ là lúc nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần thể hiện ảnh hưởng của mình trong đàm phán với các nước láng giềng. Tuy nhiên, với nguy cơ sụt giảm uy tín như hiện nay, các chính sách ngoại giao của bà có thể sẽ đi chệch hướng”.