📞

Nguyên Đại sứ Mỹ: Không thể có thỏa thuận Mỹ - Trung trong năm nay

Đan Lê 19:55 | 05/08/2019
TGVN. “Căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã hạn chế cơ hội mà hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trong năm nay.”, Frankin Lavin, Đại sứ Mỹ tại Singapore nhiệm kỳ 2001 – 2005 đã nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với CNBC.    
Frankin Lavin, Đại sứ Mỹ tại Singapore nhiệm kỳ 2001 – 2005 trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC. (Nguồn: CNBC)

Theo Đại sứ Frankin Lavin, đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh đã tiến triển khá thuận lợi cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra cú shock trên thị trường hồi tháng 5, khi tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán sau đó đều liên tiếp không thành công và dù mới được nối lại hồi tuần trước, thì một lần nữa lại bị đẩy tới bên bờ bế tắc, khi Tổng thống Trump tiếp tục quyết định áp thêm 10% thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Singapore cho rằng, những hành động gần đây của ông Trump là để có “một bước tiến gần hơn đến giải pháp”. Nhưng ông nói thêm rằng, sẽ rất khó để cả hai bên có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay.

“Cuộc chiến về thuế quan này đã diễn ra trong khoảng hơn một năm nay, vì vậy bạn có thể thấy môi trường thương mại đang bị hủy hoại, niềm tin và các cuộc đàm phán đang dần mất đi giá trị”, Đại sứ Lavin, hiện là Tổng Giám đốc tư vấn kinh doanh của Export Now đã nói với CNBC như vậy về hệ quả của cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Export Now là công ty do ông Lavin sáng lập nhằm giúp cho các nhãn hàng có thể mở rộng thị trường ở Trung Quốc.

Trên thực tế, kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu từ năm ngoái, Washington đã áp 25% thuế lến 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách các lệnh áp thuế cao đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, vài tháng gần đây, căng thẳng giữa hai “gã khủng lồ” kinh tế đã vượt xa các vấn đề về thương mại và nhanh chóng tiến vào các vấn đề khác như công nghệ và an ninh. Đặc biệt, việc Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen”, đã khiến cho “gã khổng lồ” về công nghệ của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, không chỉ khi kinh doanh với các công ty Mỹ.

Mặc dù, Tổng thống Trump đã đưa ra những lời đe dọa về thuế quan, một số nhà phân tích dự đoán rằng, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vẫn muốn có một thỏa thuận với Trung Quốc, vì điều này có thể giúp ông ấy tiến gần hơn tới một nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, một phần lớn cơ hội cho sự tái đắc cử của ông Trump sẽ xoay quanh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Theo Shane Oliver - Giám đốc chiến lược đầu tư và Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Công ty Quản lý tài sản AMP Capital Investors, sự leo thang trong tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm trật bánh nền kinh tế Mỹ.

Ông này đã viết trong bản báo cáo công bố vào ngày thứ Sáu (2/8) rằng :“Nhìn vào lịch sử nước Mỹ, sự suy thoái và tình trạng thất nghiệp gia tăng đã làm mất đi cơ hội tái đắc cử của một số vị tổng thống đang tại vị (như Hoover, Ford, Carter và Bush con) và vì lý do này, chúng tôi giữ nguyên quan điểm rằng, cuối cùng hai bên sẽ đưa ra được một thỏa thuận”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, căng thẳng thương mại “vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi có được sự khởi sắc, cũng như có sự gia tăng các rủi ro, bởi phía Trung Quốc có thể sẽ cố ý chờ đợi tới khi cuộc bầu cử kết thúc”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore Lavin nhận định rằng, những “lời hoa mỹ” của Tổng thống Trump đã thật sự gây khó khăn cho Trung Quốc, để Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận mà không bị coi như một kẻ thua cuộc, bởi khó có thể đồng ý với một thỏa thuận, mà không khiến bản thân trông như đang yếu thế. “Khi ông ta công khai chiến thắng, khi ông ta công khai trừng phạt, ông ta chỉ thẳng đích danh, đó là lúc ông ta không cho họ một không gian nào nữa”.

(theo CNBC)