TIN LIÊN QUAN | |
Dancesport cùng nàng Kiều, tại sao không? | |
Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt |
Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo cao cả, là kết tinh nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. |
Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm bất hủ được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được xem là di sản vĩ đại, kiệt tác của nền văn học dân tộc. Năm 1965 tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Năm 2013, UNESCO đã chính thức ban hành quyết định vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.
Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo cao cả, là kết tinh nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Sức sống của Truyện Kiều trong tâm thức người Việt nói chung, trong dòng chảy văn hóa văn học dân tộc nói riêng vô cùng mãnh liệt. Đầu thế kỷ XX, nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng có phát biểu nổi tiếng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Trải qua bao biến động lịch sử, Truyện Kiều in sâu vào tâm thức người Việt như một áng văn chương giàu tính nhân bản, nuôi dưỡng những nỗi niềm nhân thế. Không thể thống kê một cách chính xác đã có bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu bài viết nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chỉ biết rằng, người Việt không bao giờ hết ngâm Kiều, vịnh Kiều, viết về Truyện Kiều, kiếm tìm những vỉa tầng ý nghĩa đằng sau kiệt tác bất hủ ấy.
Từ những sự đồng cảm vượt thời gian
Truyện Kiều của Nguyễn Du kể về cuộc đời và thân phận nàng Kiều ở thời vua Minh Thế Tông (1521-1567) ở Trung Quốc dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Bắt đầu với cuộc du xuân của ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan, nàng Kiều đã nhỏ lệ đồng cảm với cuộc đời của người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh Đạm Tiên. Qua Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân đã rơi những giọt lệ đồng cảm cho nàng Kiều về số phận nghiệt ngã của người phụ nữ tài hoa nhưng bất hạnh ngày xưa.
Rồi 200 năm sau, Nguyễn Du đã chuyển thể Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành kiệt tác Truyện Kiều mà chúng ta có ngày hôm nay. Theo đó, một cái vòng hệ lụy, một sự liên tình ấy là một sự đồng cảm vượt thời gian của Nguyễn Du mà không phải ai cũng có được.
Nguyễn Du không chỉ thể hiện sự đồng cảm này trong Truyện Kiều, mà còn ở những tác phẩm khác của ông. Trong bài Độc Tiểu Thanh ký (Được rút từ Thanh Hiên thi tập), ông cũng đã nhỏ lệ đồng cảm với nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn nhưng có số phận nhiều cay đắng.
Và rồi, Nguyễn Du cũng đã khóc than cho chính mình:
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Phải chăng, Nguyễn Du quá đa sầu, đa cảm, quá sâu sắc khi sợ rằng, sau ba trăm năm nữa, thiên hạ không có ai hiểu được tiếng lòng Nguyễn Du như ông đã hiểu được nàng Tiểu Thanh, một sự thần giao kì lạ của trái tim.
Năm 1965, trong một chuyến công tác qua huyện Nghi Xuân (quê hương Nguyễn Du), nhà thơ Tố Hữu cũng đã có những chia sẻ, đồng cảm với cụ Nguyễn qua bài Kính gửi cụ Nguyễn Du:
Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người
Trải bao gió dập sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha…
Đến văn hóa ngoại giao Truyện Kiều
Truyện Kiều hiện nay đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới với khoảng 50 bản dịch khác nhau. Đã có nhiều đề tài luận văn, luận án nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du ở các trường đại học trên thế giới.
Theo bà Katherine Muller Marin, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du có 5 giá trị phổ quát được UNESCO vinh danh, đó là giá trị khát vọng hòa bình, giá trị nhân văn cao cả, giá trị về truyền thống gia đình, giá trị về truyền thống văn hóa và giá trị về bình đẳng giới.
Trong 20 năm qua, các tổng thống, phó tổng thống Mỹ khi thăm và làm việc với Việt Nam đều viện dẫn Truyện Kiều trong các bài phát biểu:
Tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò Tổng thống Mỹ, tại bữa tiệc chiêu đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Tháng 7/2015, khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Washington D.C, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc hai câu Kiều rất rất ý nghĩa: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngỏ, vén mây giữa trời”.
Tháng 5/2016, khi kết thúc bài phát biểu của mình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã trích dẫn hai câu Kiều khi nhấn mạnh về niềm tin chiến lược hai nước dành cho nhau: “Rằng: trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”
Hai thế kỷ sau khi cụ Nguyễn ra đi, Truyện Kiều của người không những còn vang mãi mà còn được nâng lên tầm cao mới, phong cách văn hóa mới: Phong cách ngoại giao Kiều của các nguyên thủ quốc gia. Với những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng như Nguyễn Du, thật đúng là: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
| Nhạc kịch Kim Vân Kiều: Tấm lòng của những nghệ sĩ Pháp TGVN. Đạo diễn Christophe Thiry - Giám đốc Nghệ thuật của Nhà hát L’Attrape (Paris - Pháp) cho biết ông đã không nhầm khi đặt ... |
| Vị Tổng thống giỏi làm ngoại giao văn hóa Là một ngôi sao sáng trong nền chính trị nước Mỹ, Tổng thống Bill Clinton đã có nhiều đóng góp để củng cố hoà khí ... |
| Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tiếp nhận tư liệu quý Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du vừa tiếp nhận cuốn Truyện Kiều bằng tiếng ... |
| Rằng trăm năm cũng từ đây… “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” |