Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. |
Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - người thầy không cần đến phấn trắng và bảng đen - luôn in đậm trong ký ức của các thế hệ học trò vì tinh thần kiên nhẫn và sự quan tâm chu đáo.
Rạng sáng ngày 28/9, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký qua đời, hưởng thọ 76 tuổi, sau thời gian dài chiến đấu với bệnh suy thận.
Người thầy gắn với câu chuyện kiên trì tập viết bằng chân, trong những trang sách giáo khoa của nhiều thế hệ học sinh, đã ra đi. Nhưng ký ức đẹp đẽ về thầy vẫn vẹn nguyên trong những học trò .
Luôn coi học trò như con
Anh Vũ Lương, học trò cũ của thầy Nguyễn Ngọc Ký tại Trường Cấp II Năng khiếu Hải Hậu (Nam Định), hiện là Thư ký tòa soạn của Báo Tiền Phong chia sẻ may mắn được làm học trò của thầy từ năm 1985.
Trong ký ức anh vẫn còn đó người thầy luôn coi những học trò Cấp II Năng khiếu Hải Hậu như con, dù mọi người đã ra trường nhiều năm.
Anh Lương nhớ rằng vào đầu mỗi học kỳ, anh cũng như những người bạn của mình thường chờ đợi để được thầy viết tặng cho mỗi đứa một bảng thời khóa biểu mới. Bởi chữ thầy đẹp, chân phương và mềm mại.
“Cứ mỗi khi đợt ôn thi đội tuyển tạm kết thúc, chúng tôi lại kéo nhau lên nhà thầy. Nếp nhà nhỏ ở xóm Nguyễn Mi, xã Hải Thanh luôn nhộn nhịp, ồn ã mỗi khi chúng tôi đến.
Nhà thầy có một mảnh vườn nho nhỏ, trồng ổi, nhót và chanh, quất chỉ để phục vụ lũ học trò chúng tôi. Bao giờ đến nhà, cô Nhiễu - vợ thầy cũng chuẩn bị một nồi khoai luộc, còn thầy thì pha trà. Đứa nào cũng thích được đến đây để nghe thầy đọc thơ, kể chuyện và nghe những lời chỉ bảo tận tình.
Chúng tôi luôn yêu cầu thầy kể về cuộc đời của thầy, về những kỷ niệm mà trong đó luôn đầy ắp những kiến thức cuộc sống. Hình ảnh thầy ngồi trên sập gỗ giữa nhà còn chúng tôi vây xung quanh luôn hiện về trong ký ức. Thầy không ngâm thơ, chỉ đọc thôi nhưng thầy có một giọng đọc thơ rất đặc biệt, âm vực luyến láy trữ tình.
Khi chúng tôi học tập trung đội tuyển, thầy trò ở tập thể cùng nhau. Thầy hiểu tính nết từng đứa. Ngoài giờ học thầy luôn uốn nắn chỉ bảo cho chúng tôi cách xử thế”.
Với anh Lương và nhiều học trò khác, thầy Ký là một tấm gương về đạo đức và nghị lực.
“Với thầy, nghiêm túc với bản thân dường như là một nguyên tắc bất di bất dịch. Còn nhớ khi hai thầy trò ở cùng nhau trong khu tập thể của trường, mặc dù có rất nhiều việc tôi có thể giúp thầy nhưng không bao giờ thầy đồng ý. Chỉ duy nhất có một việc tôi được phép giúp đó là cài khuy áo cho thầy trước giờ lên lớp. Thầy bao giờ cũng dậy thật sớm, tập thể dục và vệ sinh cá nhân, đun một ấm nước sôi để khi trò dậy có nước ấm để rửa mặt.
Tôi chưa bao giờ thấy thầy nổi cáu mà lúc nào cũng nhẹ nhàng, kể cả những lúc đám học trò chúng tôi làm những điều khiến thầy bận lòng. Có lẽ những nỗ lực chiến thắng tật nguyền đã giúp thầy có được một tâm thái cân bằng đến vậy”, anh Lương kể.
Người thầy luôn nỗ lực, ân cần, quan tâm học trò
Còn anh Trần Quang Tuấn - cũng là một học trò cũ của thầy Nguyễn Ngọc Ký, hiện là một doanh nhân đang công tác và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ luôn ấn tượng về người thầy không có thân thể hoàn hảo nhưng luôn nỗ lực, ân cần, quan tâm học trò.
“Nhớ hồi lớp 7, tôi vào học lớp năng khiếu muộn hơn so với các bạn trong lớp nên phải ngồi đầu bàn ngoài cùng gần cửa lớp, nhưng lại là may mắn khi được tiếp xúc nhiều hơn với thầy.
Hồi đó, thầy Ký dạy Văn cho lớp chuyên Toán của chúng tôi. Hằng ngày, khi vào tiết học, do 2 tay bị liệt nên thầy thường đeo túi xách bắt chéo qua cổ vắt xuống hông. Vì vậy, cứ mỗi lần thầy đến lớp, tôi được giao nhiệm vụ gỡ túi xách từ trên vai thầy đặt xuống bàn.
Thầy thường ngồi ở một cái bàn được đặt cạnh bàn tôi để giảng bài. Chữ của thầy rất đều và đẹp. Những bài giảng như ngấm vào máu, đọc thơ cũng rất hay và tình cảm. Tôi còn ấn tượng bài thơ Mẹ Suốt mà thầy đọc. Cứ hình dung thầy đọc thơ mà tôi thấy mọi thứ như hiện ra trước mắt, từ tỉnh Quảng Bình cồn cát trắng chạy dài, nắng trưa chói chang...”, anh Tuấn kể.
Theo anh Tuấn, những buổi trưa, vì nhà xa và di chuyển khó nên thầy thường phải ở lại ăn cơm trưa cùng với các giáo viên, học sinh ở ký túc xá của trường. Ngay trong bữa ăn, anh cảm nhận rõ thầy luôn quan tâm, hỏi han từng học trò chu đáo.
“Thầy cũng hay kể những kỉ niệm về sự nỗ lực, vượt khó của thầy. Như chuyện liệt tay, dùng thân cây chuối bám vào để tập bơi và rồi thầy bơi được. Những câu chuyện đời thường trong những giờ ăn cơm, giờ nghỉ giải lao đó khiến chúng tôi rất thích thú và có thêm động lực. Tấm gương của thầy trui rèn cho tôi tinh thần nỗ lực, vượt khó”, anh Tuấn chia sẻ.
Sau này, anh Tuấn có cơ hội gặp lại thầy Ký khi cùng sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và thỉnh thoáng ghé thăm thầy.
“Trí nhớ của thầy rất tốt, hầu như học trò nào thầy cũng nhớ. Những lần tôi đến nhà thấy thầy không chỉ viết mà còn dùng chân để gõ máy tính, soạn và cập nhật những chuyện hồi ký, tuyển tập thơ của mình. Thầy không chỉ viết nhanh mà còn gõ máy tính nhanh, thậm chí như những người bình thường”, anh Tuấn kể.
Thầy Ký cũng hay kể lại những kỷ niệm xưa, ngày còn đi học, hồi ức về bạn bè...
Những năm tháng cuối đời, mặc dù phải chống chọi với bệnh suy thận, mỗi tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo, song với nghị lực phi thường, thầy Ký vẫn đi đến nhiều trường giao lưu với học sinh, nói chuyện về hành trình của cuộc đời mình để hướng các bạn trẻ nỗ lực, vượt khó trong cuộc sống.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký qua đời ngày 28/9 ở tuổi 76, sau nhiều năm chiến đấu với bệnh suy thận. Ông được nhiều người biết đến là "nhà văn Việt Nam đầu tiên viết chữ bằng chân". Dù bị bại liệt cả hai tay, nhưng ông không đầu hàng số phận, cố gắng vượt qua và rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". |