Sau khi mua lại Time Warner, AT&T sẽ sở hữu các kênh truyền hình hàng đầu thế giới như HBO, CNN cũng như hãng phim nổi tiếng Warner Bros. Nhà mạng này cũng giành quyền sở hữu thương hiệu DC Comics và Batman của Warner Bros.
Tuyên bố từ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AT&T Randall Stephenson nhận định thương vụ là sự "kết hợp hoàn hảo" của 2 doanh nghiệp có những thế mạnh bổ trợ cho nhau và sẽ mang tới hướng tiếp cận mới mẻ cho ngành công nghiệp truyền thông và viễn thông, hướng tới người tiêu dùng, giới sáng tạo nội dung, các nhà phân phối và quảng cáo.
Thương vụ nà được coi là sự "kết hợp hoàn hảo" của hai doanh nghiệp có những thế mạnh bổ trợ cho nhau. (Nguồn: AT&T) |
Thương vụ này cũng đồng nghĩa AT&T tiếp nhận toàn bộ khoản nợ của Time Warner, khiến tổng giá trị của hợp đồng lên tới 108,7 tỷ USD. Năm ngoái, AT&T đã thâu tóm DirecTV, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất nước Mỹ với giá 48,5 tỷ USD.
Đầu tuần này, AT&T đã công bố một dự án cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet. Với việc thâu tóm Warner Bros, AT&T có thể tạo dựng nên một đế chế truyền thông internet siêu khổng lồ, trở thành đối thủ "đáng gờm" của Comcast, đơn vị sở hữu NBCUniversal, cũng như đối trọng với các tên tuổi đình đám trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình số đang phát triển như Netflix hay Amazon. Tuy nhiên, bước đi này của AT&T nhiều khả năng sẽ đối mặt với các nhóm bảo vệ quyền của người tiêu dùng và chống độc quyền.
AT&T là nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động lớn thứ 2 và dịch vụ truyền hình cáp lớn thứ 3 của Mỹ, trong khi Time Warner sở hữu nhiều thương hiệu truyền thông giải trí của Mỹ bao gồm hãng phim Warner Bros, các kênh truyền hình HBO và CNN cùng kênh truyền hình cáp TNT và TBS.
Trong năm 2015, doanh thu của AT&T đạt 147 tỷ USD và Time Warner thu về 28 tỷ USD. Trước khi đến với AT&T, Time Warner từng từ chối lời đề nghị từ hãng 21st Century Fox vào năm 2014. Tại thời điểm nó, giá trị của hãng là 75 tỷ USD.