📞

Nhà ngoại giao không nói dối

12:32 | 18/01/2016
Robert White nổi tiếng là một trong số ít quan chức lựa chọn thà mất sự nghiệp chứ quyết không mất đi sự chính trực.

Hơn 400 năm trước, nhà thơ và nhà ngoại giao người Anh Henry Wooten (1568-1639) đã đưa ra định nghĩa: “Đại sứ là một quý ông được cử đi để lừa dối cả thế giới hòng làm lợi cho quốc gia mình”. Tự cổ chí kim, không ít nhà ngoại giao đã ứng nghiệm với câu châm ngôn nổi tiếng này nhưng tuyệt nhiên không phải là Robert White. 

Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu từng làm việc cho bảy đời Tổng thống Mỹ và có nhiều đóng góp lớn với nước Mỹ, cho đến khi từ chối nói dối về thực tế tàn khốc của cuộc chiến tại El Salvador ngay dưới áp lực của chính quyền Tổng thống Reagan. Chính sự chân thật này đã chấm dứt sự nghiệp ngoại giao của ông.

 

Trọng trách nặng nề

Năm 1980, Chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter đã cử Robert White - nhà ngoại giao với 25 năm kinh nghiệm tới El Salvador đảm nhiệm vai trò Đại sứ.

Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Politico (Mỹ), ông White đã thẳng thừng tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội giúp đẩy lùi sự độc tài cũng như thiết lập nền dân chủ thay thế”. Và sự nghiệp ngoại giao của ông cũng gian truân từ đây.

Lúc bấy giờ, quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé El Salvador nằm ở vị trí “nóng” trong chính sách đối ngoại Mỹ tương tự như Syria hay Iraq hiện nay. Washington lo lắng El Salvador sẽ là quân cờ domino tiếp theo rơi vào trục Moscow-Havana-Managua (Nicaragua).

Từ cuối thế kỷ XIX, El Salvador với vị trí địa chiến lược quan trọng đã chìm trong bạo lực và xung đột nội bộ. Dưới sự cai trị của liên minh giữa quân đội và các phe phái chính trị, người dân đã thành lập một lực lượng du kích cánh tả để đấu tranh, với sự dẫn dắt của đội ngũ trí thức trẻ. Chính vì tầm quan trọng của El Salvador, Tổng thống Jimmy Carter giao nhiệm vụ cho ông White phải ngăn chặn cuộc nội chiến ở El Salvador bằng cách lập ra một chính thể có thể cân bằng giữa phe cực đoan và phe cách mạng.

Nhưng thay vì thế, ông White ngày càng khiến Washington bực bội do thường xuyên chỉ trích các chính sách cũng như các hành động giết người của chế độ quân phiệt hữu khuynh do Mỹ hậu thuẫn.

Không lâu sau khi đến El Salvador, Đại sứ Robert White gửi về Washington bản “Đánh giá sơ bộ về tình hình” dài 27 trang và được phân loại “NoDis” (chỉ một số ít người được gửi đích danh mới đủ thẩm quyền đọc). Tờ Politico cho rằng, tầm quan trọng của bản báo cáo này có thể sánh với “Bức điện tín dài” của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô George Kennan gửi về Washington để phân tích bối cảnh chính trị ở Liên Xô vào năm 1946 và giúp nước Mỹ thiết lập các chính sách cần thiết để chiếm ưu thế trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, bản báo cáo chứa đựng những lời tiên tri và những phân tích chính xác đến thần kỳ của ông White lại bị Washington bỏ qua và chỉ được giải mật vào năm 1994. Mở đầu bản báo cáo, ông viết: “Không gì có thể ngăn chặn cuộc cách mạng này”. Trong đó, ông chỉ ra rằng chính sự đàn áp hàng thập kỷ cũng như sự thiếu lắng nghe người dân của tầng lớp lãnh đạo đã khiến cho tình hình tại El Salvador luôn đắm chìm trong bạo lực và thực tế đó không ai có thể phủ nhận.

Chín tháng cho lời nói thật

Trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi nắm giữ vai trò Đại sứ Mỹ tại El Salvador, Robert White luôn tỏ ra là một người chính trực. Ông sẵn sàng công khai những suy nghĩ của mình, thậm chí cho người đối diện ghi âm lại lời ông. Ông luôn nói: “Tôi không có gì phải che đậy”. Một lần, khi được cán bộ của Đại sứ quán Mỹ chỉ dẫn một số luật “ngầm” để tránh bị ghi âm, ông gạt phắt đi và nói: “Không! Những điều tôi nói phải được ghi âm lại”.

Chính sự bộc trực và thẳng thắn đó của Robert White thường gây bực tức cho nhiều nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh, từ Tổng thống Paraguay Alfredo Stroessner tới “gia đình trị” Somoza ở Nicaragua và ngay cả ở Washington. Có lần, khi ông lên tiếng chỉ trích những hành động vi phạm nhân quyền của Tướng Augusto Pinochet ở Chile, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã gửi bức thư khiển trách và đe dọa sẽ cách chức ông.

Trong giai đoạn đảm nhận vai trò Đại sứ Mỹ tại El Salvador, ông White luôn phản ánh trung thực tình trạng vi phạm nhân quyền ở đây về Washington cùng những chỉ trích thẳng thắn đối với chính quyền El Salvador như gọi lãnh đạo quân đội Roberto D'Aubuisson là kẻ “giết người bệnh hoạn” và cáo buộc Jose Napoleon Duarte - người sau này là Tổng thống El Salvador - là tay trong của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Ông vẫn theo đuổi một giải pháp chính trị cho đất nước này như chỉ thị của Tổng thống Carter. Nhưng mọi chuyện chỉ duy trì được chín tháng cho đến khi Tổng thống Ronald Regan trúng cử vào tháng 10/1980.

Đại sứ Robert White được “gọi về” sau chưa đầy một năm nhiệm kỳ. Người thay thế, Đại sứ Dean Hinton bị người tiền nhiệm White chỉ trích thậm tệ vì quay ra dung dưỡng cho phe chính phủ, điều này đã gián tiếp gây ra hàng loạt cuộc bắt bớ và giết chóc diễn ra trên khắp đất nước này.

Đỉnh điểm là sự việc quân đội Chính phủ El Salvador giết hại các nữ tu. Chính Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig đã trực tiếp chỉ thị ông White  gửi công hàm yêu cầu mở cuộc điều tra về vấn đề này. Nhưng ông White thẳng thắn đáp lại rằng đó chỉ là “ảo tưởng” khi để những kẻ thủ ác điều tra chính tội ác của mình. Và sự kiện này đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông.  Ông rời khỏi  nhiệm sở chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Reagan nhậm chức nhưng vẫn tự hào tuyên bố: “Tôi coi việc trở thành một trong số ít những cán bộ phải nghỉ việc do từ chối phản bội các nguyên tắc của bản thân là một niềm vinh dự”.

Sau khoảng thời gian ngắn ngủi làm Đại sứ Mỹ tại El Salvador, sự nghiệp ngoại giao của White đã chấm hết nhưng bản thân ông đã đi vào lịch sử ngành ngoại giao nước Mỹ. Ông được rất nhiều người El Salvador yêu mến, được các tổ chức nhân quyền ca ngợi.

Di sản của nhà ngoại giao sẵn sàng nói sự thật Robert White đã được đảm bảo hơn khi mà chính quyền Tổng thống Obama trục xuất Tướng Garcia và Tướng Casanova, những kẻ nhúng tay trực tiếp vào làn sóng bạo lực ở El Salvador, ra khỏi nước Mỹ. Ông White đã tham gia phiên tòa xử trục xuất những người này cũng như cung cấp thông tin về các tội ác tra tấn, giết người và vi phạm nhân quyền của họ.

Đây có thể coi là nỗ lực cuối cùng để bảo vệ những giá trị tư tưởng của Robert White - một điểm sáng trong lịch sử ngoại giao nước Mỹ.

Nhà ngoại giao mỹ Robert E. White Robert E. White sinh năm 1926 tại Melrose, bang Massachusetts và qua đời vào tháng 1/2015. Trong Thế chiến II, ông nhập ngũ và phục vụ trong Hải quân Mỹ với nhiệm vụ truyền tin ở mặt trận Thái Bình Dương. Sau chiến tranh, ông theo học trường Cao đẳng Saint Michael và tốt nghiệp năm 1952, sau đó lấy bằng thạc sĩ vào năm 1954 tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts ở Medford, bang Massachusetts.

Ông White bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao từ năm 1955, được phân công ở nhiều vị trí liên quan đến Mỹ Latinh. Ông từng là Đại sứ Mỹ tại Colombia, Ecuador, Honduras, Nicaragua, Paraguay và El Salvador, làm Giám đốc khu vực Mỹ Latinh trong tổ chức Peace Corps và là đại diện Mỹ tại Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ.

Sau khi rút khỏi ngành ngoại giao, ông White giảng dạy đại học và làm công tác nghiên cứu ở Washington. Ông dành phần lớn thời gian trong 30 năm cuối đời để tiếp tục nói thẳng quan điểm của mình về chính sách đối ngoại của nước Mỹ và phê phán mạnh mẽ các chính sách của Washington tại Mỹ Latinh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, như chính sách thù địch chống Cuba, chính sách hậu thuẫn các nhà độc tài quân phiệt như Augusto Pinochet ở Chile, Alfredo Stroessner ở Paraguay.

(Nguồn: Wikipedia)