📞

Nhà trẻ của các “ngôi sao”

23:22 | 17/06/2008
Đó là một nhà trẻ rất đặc biệt vì cả học trò lẫn cô bảo mẫu đều nhiễm HIV. Các cô sám hối một thời lầm lỡ của mình bằng cách trải lòng cho những sinh linh bé bỏng.

Nhà trẻ nằm lọt thỏm giữa trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Tây), nơi đang quản lý, giáo dục nhân cách cho hơn 1.300 người nghiện và các cô gái lầm lỡ, trong đó rất nhiều người nhiễm HIV.

Vào thế giới “ngôi sao”

Khác với khu vực dành cho người lớn, nhà trẻ có rất nhiều cây xanh, hoa cỏ, đồ chơi, còn tường nhà sặc sỡ sắc màu. Đến giờ ăn, năm bé ngồi vào một bàn, miệng ríu ra ríu rít như những chú chim non. Gặp khách, các bé đồng thanh mời ăn cơm. “Mỗi bữa cháu xơi hai bát”, bé Đức 5 tuổi, nhe răng sún cười toe.

Gian thứ hai của “nhà trẻ” là nơi chăm sóc mười mấy bé sơ sinh. Sáu cô bảo mẫu chạy liên tục vẫn không kịp phục vụ. Ở đây, hầu hết các bé gái được đặt tên theo các "ngôi sao" như: Mỹ Tâm, Mai Hoa, Hồng Nhung... Lúc cho “Mỹ Tâm” (8 tháng tuổi) uống thuốc đặc trị bị sặc, cô bảo mẫu dỗ dành: “Mẹ hư quá! Mẹ xin lỗi!” Bú sữa, uống thuốc xong các bé lăn ra ngủ ngon lành, còn các cô bảo mẫu lo thu dọn, mồ hôi đẫm lưng áo.

Mỗi đứa trẻ tại đây mang một thân phận khác nhau. “Chị cả” Thuỷ năm nay lên 10, bố chết vì HIV/AIDS, mẹ nghiện ngập. “Chị út” Tý bị bỏ rơi, nặng chỉ hơn 1,1kg, nhỏ bằng cùm tay, nên lúc đầu các bé lớn cứ theo hỏi “con gì?”. “Chị tư” Huyền có bố lẫn mẹ đều nghiện ngập, nhiễm HIV và chết trẻ, ông bà ngoại Huyền già yếu không nuôi nổi nên đem gửi trung tâm. Nhờ được chăm sóc và uống thuốc đặc trị, Huyền hồng hào trở lại nhưng chỉ được một thời gian rồi vĩnh viễn ra đi.

Lớp tình thương có chín bé 5 – 11 tuổi cùng học chương trình lớp 1 do một cô giáo tình nguyện đến dạy. Theo ông Lê Tiến Thắng, phó giám đốc trung tâm, đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giúp các bé biết chữ, làm toán. Trước đây, trung tâm có đưa một vài bé ra học ngoài cộng đồng, nhưng phụ huynh học sinh phản ứng dữ quá, họ nói: “Lỡ bọn trẻ đùa giỡn, cào cấu lây nhiễm thì sao?”. Đại diện nhà trường, trung tâm giải thích thế nào họ vẫn không chịu nghe. Ông Thắng bức xúc: “Nhiều bé đến tuổi đi học vẫn chưa được đến trường”.

Thay cho lời sám hối

Hồi đầu trung tâm không có chức năng nuôi trẻ HIV. Theo lời kể của ông Thắng, vào năm 2001, một đơn vị bạn (cũng thuộc sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội) nhờ trung tâm nuôi giúp một bé nhiễm HIV bởi vì nơi đây có kinh nghiệm quản lý người nhiễm HIV. Một số nữ học viên trước đây từng nghiện ngập, lầm lỡ bị nhiễm HIV đã tình nguyện làm công việc này. Ông Thắng nói: “Chúng tôi tin rằng các cô sẽ chăm sóc tốt nhất cho các bé cũng nhiễm HIV như mình”. Về sau này, nhiều bé sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi nhiễm HIV khác cũng được đưa đến đây.

Hiện trung tâm có 11 cô bảo mẫu chăm sóc cho 33 bé. Các cô chia làm hai ca, cứ 24 giờ thay ca. Tuy bị đưa lên trung tâm từ địa bàn Hà Nội nhưng quê các cô ở Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hoá... So với các bé, quá khứ của các cô phức tạp hơn nhiều. Toàn, 31 tuổi, người Hải Phòng, sau khi sinh con, bị chồng bỏ nên tìm đến ma tuý. Hiền (Hà Nội) thấy người yêu cai nghiện hoài nhưng không bỏ được, tức quá chơi thử hàng trắng chẳng dè dính luôn. Hiển (Phú Thọ) đi làm nhà hàng, do đua đòi nên chơi ma tuý cho biết. Nghiện nặng, đến lúc thiếu tiền chơi ma tuý, các cô ra đứng đường. Trong quãng đời tối tăm đó, các cô đã bị nhiễm HIV lúc nào không hay.

Hiển tâm sự: “Lo nhất là khi chăm sóc các bé bị bệnh nhiễm trùng cơ hội”. Mấy tháng trước, cô bị lây nhiễm lao phổi từ bé Huy. Hiển chăm sóc bé Huy từ khi cu cậu còn đỏ hỏn. Hiển bảo, chính bé Huy đã giúp cô cảm nhận rõ nhất tình mẫu tử thiêng liêng. Nhờ được Hiển chăm sóc, bé Huy ngày càng bụ bẫm, nhưng đến tháng thứ bảy bị viêm não qua đời. Không riêng gì Huy, các bé nhiễm HIV ở đây rất hay bị sốt, tiêu chảy, dị ứng da... và dù được các cô bảo mẫu yêu thương chăm sóc như con đẻ, nhưng một số bé chỉ sống được vài tháng. Chị Toàn xúc động: “Buồn nhất là khi chứng kiến các bé bệnh nặng phải chuyển đi, vì gần như chắc chắn sẽ không còn gặp lại”. Nhưng có khi ngược lại: chính các bé phải vĩnh biệt mẹ nuôi.

Ông Thắng bộc bạch: “Các cô chăm sóc các bé như là một cách sám hối về những lầm lỡ trước đây, còn các bé sưởi ấm cuộc đời của các mẹ nuôi. Mẹ con nương tựa nhau giành giật sự sống”.Theo SGTT