Văn học Tây Âu (cụ thể là văn học Âu - Bắc Mỹ) bắt đầu bằng văn học cổ Hy Lạp - La Mã. Nền văn học này bị chi phối bởi ba yếu tố chủ yếu: Văn học cổ Hy Lạp - La Mã, Đạo Kito và tinh thần nhân văn tư bản chủ nghĩa xuất phát từ thời Phục Hưng (thế kỷ XIV-XVI) qua Chủ nghĩa duy lý (thế kỷ XVII), Triết học ánh sáng (thế kỷ XVIII), Chủ nghĩa thực chứng (thế kỷ XIX) và nhiều luồng tư tưởng ở thế kỷ XX.
Văn học cổ đại Hy Lạp - La Mã thể hiện chủ nghĩa nhân văn, nghĩa là thừa nhận giá trị con người, thiết tha với cuộc sống trần gian. Là nền văn học cổ nhất châu Âu, nó tạo ra nhiều hình thức và thể loại văn học là khuôn mẫu cho sau này. Ở Hy Lạp, hai bản anh hùng ca kiệt xuất là Ilias và Odyssia gắn liền với tên của Homeros.
Vào thời kỳ thịnh vượng của chế độ nô lệ (thế kỷ V TCN) đã hình thành bi kịch (Aischylos, Sophocles, Euripdes) và hài kịch (Aristophanês). Thời kỳ Hellen (thế kỷ IV – thế kỷ I TCN), thơ ca thôn dã, mục ca và văn thơ trào phúng phát triển. Khoảng 50 năm TCN, La Mã đã làm chủ miền Địa Trung Hải, bao gồm cả Hy Lạp. Nền văn học La Mã kế thừa văn học Hy Lạp và phát triển sắc thái của mình.
Ilias là thiên hùng ca cổ Hy Lạp, có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao, phản ánh đời sống cổ đại phương Tây và một chủ nghĩa nhân đạo đang thành hình. Ilias, cũng như Odysseia, được coi là tác phẩm của Homeros. Theo truyền thuyết, Homeros là nhà thơ cổ Hy Lạp đầu tiên còn lưu lại danh. Tên “Homeros” nghĩa là “người mù” hoặc “người bị bắt làm con tin”. Về già, Homeros bị mù và đi lang thang kể chuyện thơ, người đến nghe rất đông. Vấn đề Homeros là ai, có thực hay không được đặt ra từ cuối thế kỉ XVII nhưng đến nay vẫn chưa được giải đáp.
Nói chung, người ta bác bỏ giả thuyết cho các tác phẩm của Homeros là do nhân dân sáng tạo. Song, cũng có khuynh hướng chấp nhận là những tác phẩm ấy do nhiều tác giả cùng làm: chắc chắn là mới đầu chúng được truyền khẩu, sau được ghi lại từ thế kỷ VI. “Thiên tài nghệ thuật Homeros là lò nung quặng thô của những truyền thuyết dân gian, những bài ca, những đoạn văn ngắn rời rạc thành một thỏi vàng nguyên chất” . (Bielinski)
Ilias và Odysseia có ảnh hưởng sâu sắc đến văn nghệ của Hy Lạp - La Mã và cả đến nền văn minh phương Tây cho đến ngày nay. Ilias gồm 15.537 câu thơ, xếp xếp thành 24 khúc ca, kể chuyện liên quân Hy Lạp vây thành Ilion (hay thành Troia), nó ca ngợi chiến công, lý tưởng anh hùng của thời đại được kết tinh trong hình tượng Akhileus. Ilias kể một loạt giai thoại của cuộc chiến tranh thành Troia, bắt đầu bằng việc dũng tướng giỏi nhất Hy Lạp là Akhileus rút khỏi cuộc chiến, do đó ảnh hưởng tai hại đến chiến dịch.
Nguyên nhân xảy ra chiến tranh là việc hoàng tử Paris thành Troia bắt cóc vợ vua Hy Lạp Menelaos là Helene, mỹ nhân đẹp nhất trần gian. Các quốc gia Hy Lạp tổ chức một liên quân vây thành để cướp lại Helene, liên quân do vua Agamemnon chỉ huy. Agamemnon là anh của Menelaos. Agamemnon phải trả tự do cho một mỹ nhân thành Troia vì bố cô cầu thần làm bệnh dịch hoành hành giết hại quân Hy Lạp. Agamemnon bèn chiếm một nữ tù nhân đẹp của Akhileus.
Do đó Akhileus không chịu tham chiến nữa, quân Hy Lạp bị thua liểng xiểng. Để cứu vãn tình thế, chàng đành phải đưa khí giới của mình cho bạn là Patrokles mượn sử dụng. Patrokles thắng trận nhưng bị dũng tướng thành Troia là Hektor giết. Để trả thù cho bạn, Akhileus lại xung trận và giết chết Hektor, mặc dù hai bên đều có thần minh phù trợ. Akhileus cho buộc thây Hektor sau xe ngựa của mình và kéo lê. Vua Priam thành Troia đã già, xin chuộc lại thây Hektor là con vua, Akhileus động lòng, đồng ý. Kết thúc là lễ tang Hektor.
Xoay quanh cốt truyện chính có nhiều tình tiết hấp dẫn: cảnh các dũng sĩ đua tài, thần minh phù trợ hai phe, những cuộc hội họp sôi nổi giữa các dũng sĩ, cảnh nằm mộng hoặc bói toán, cảnh chia tay giữa Hektor và vợ, tang lễ người thành Troia, miêu tả các đồ vật rất kỳ thú.
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ cuối) TGVN. Đạo Kito khác đạo Do Thái ở chỗ nó đề cao tuyệt đối đức tin và nội tâm. Mặc cảm tội lỗi là một ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ I) TGVN. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp - La Mã, yếu tố Do Thái - Kito ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì? TGVN. Sau khi chứng kiến sự ngu xuẩn của chiến tranh, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, ... |