Bước vào thế kỷ XX, R. Kipling, nhà văn Anh đề cao chủ nghĩa đế quốc - thực dân đã nhận định rằng: Phương Tây và phương Đông không bao giờ gặp nhau được. Lời nhận định đó dường như bị lịch sử thế giới hiện đại gạt bỏ với những diễn biến xã hội-khoa học-kinh tế chớp nhoáng, thúc đẩy quốc tế hóa và dường như tiến đến toàn cầu hóa. Trên thực tế, xung đột quốc gia và dân tộc cho thấy là hố xa cách văn hóa Đông-Tây vẫn còn rất sâu rộng.
Xưa kia, khái niệm “phương Tây” (Anh và Pháp: Occident) dùng để chỉ châu Âu (kể cả Nga) và Bắc Mỹ về phương diện địa lý, đối lập với phương Đông chỉ châu Á. Sau Thế chiến II đã hình thành khái niệm “phương Tây” với nội dung chính trị, địa lý, quân sự dùng để chỉ các nước ở Tây Âu và Bắc Mỹ là các nước tư bản chủ nghĩa, đối lập với các nước ở phương Đông (Đông Âu và Trung Quốc...) là các nước xã hội chủ nghĩa.
Công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại. |
Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp - La Mã, yếu tố Do Thái - Kito giáo và chủ nghĩa duy lý về khoa học.
Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp - La Mã
Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đầu tiên. Nhà thơ Anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này là có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả lý tưởng nhân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây” : tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, coi trọng cả cơ thể lẫn tinh thần, tôn trọng nhân phẩm và giá trị cá nhân, số phận cá nhân chỉ có thể do đa số định đoạt. Dĩ nhiên, những lý tưởng ấy đều bị hạn chế bởi lịch sử, giai cấp, nhưng vẫn là những ngọn đuốc sáng so với những chế độ Cận Đông đương thời mang đậm dấu ấn độc đoán, uy lực, mê tín, hướng về đời sống bên kia trần thế, coi thường cá nhân (…). Văn học, nghệ thuật cổ Hy Lạp cho đến nay vẫn còn là một nguồn cảm hứng dồi dào, nhất là triết học, với những tổ sư như Platon và Aristote.
Chủ nghĩa nhân văn cổ đại phát triển rực rỡ nhất ở Hy Lạp vào các thế kỷ thứ tư và năm TCN. Tiếp thu chủ nghĩa nhân văn Hy Lạp, La Mã đã có ảnh hưởng sâu đậm cho đến nay đối với phương Tây về nhiều mặt: kiến trúc, luật pháp, văn học (ảnh hưởng Hy Lạp nhiều hơn), tổ chức tôn giáo (giáo hội Thiên chúa giáo), tư tưởng về uy lực tuyệt đối của Nhà nước, quan niệm cá nhân không có quyền gì trừ quyền do Nhà nước ban cho, khái niệm đế chế do một dân tộc ngự trị. Trong lĩnh vực triết học, người La Mã hướng về hành động hơn là tư duy, không xuất sắc bằng Hy Lạp. Vào hậu kỳ cổ đại Hy Lạp (323-31 TCN), trong quá trình đế chế La Mã hình thành, triết học Hy Lạp đã làm nảy mầm ba trường phái, sẽ chi phối triết học La Mã (chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa hoài nghi). Ba khuynh hướng này sẽ trở đi trở lại trong tư tưởng phương Tây.
Yếu tố Do Thái - Kito giáo (Judéo - Christianisme)
Đây là một đặc trưng sâu sắc của văn hóa phương Tây. Vào hậu kỳ cổ đại Hy Lạp, trên lãnh thổ Hy Lạp–La Mã, nhất là Cận Đông, quần chúng hướng về những tôn giáo tín ngưỡng dựa vào xúc cảm, tình yêu Thượng Đế, nội tâm, thần bí, khác với những tôn giáo tín ngưỡng Hy Lạp–La Mã dựa vào tổ chức bên ngoài, quy tắc máy móc. Đạo Do Thái (Judáisme), một đạo nhất thần ra đời đã lâu, phát triển trong hoàn cảnh này song song với các tôn giáo khác của Cận Đông. Đạo Do Thái để lại cho phương Tây ít nhiều qua đạo Kito, một số tư tưởng chính trị và luật pháp, nhân phẩm và giá trị cá nhân, những yếu tố sau này dẫn đến khái niệm hiện đại về dân chủ.
Đạo Kito (hay Cơ đốc) tiếp thu một phần quan trọng giáo lý của đạo Do Thái, nhất là qua Cựu ước (phần đầu Kinh Thánh): tên Thượng Đế, quá trình sáng tạo thế gian, lịch sử con người, mười điều giới luật, tội tổ tông, Thiên hựu và khá nhiều tư tưởng đạo lý, chính trị khác. Dĩ nhiên, đạo Kito, do Jésus sáng lập khoảng ba chục năm đầu Công nguyên, thay đổi nội dung những yếu tố ấy cũng như tiếp thu và cải biên những yếu tố mượn của tôn giáo và triết học khác: khái niệm về thế giới bên kia và sự xung đột vĩnh cửu giữa cái thiện và cái ác của đạo Ba Tư Zoroaster, sự tin vào một khả năng siêu tri thức về khái niệm "Thượng Đế - Người" của những giáo phái ngoại đạo (gnosticisme), nghi lễ rửa tội và nghi lễ ngày chủ nhật, cùng ngày 25 tháng Chạp của giáo phái Ba Tư thờ thần Ánh sáng (Mithraisme), khái niệm về một thế giới đa dân tộc và tình anh em giữa mọi người của trường phái khắc kỷ... Đạo Kito cũng thu nạp nhiều tư tưởng triết học cổ Hy Lạp - La Mã của Platon, Aristote, Plotin.
Đạo Kito xuất phát từ hoài bão của dân Do Thái trông đợi một sứ giả của Chúa (Christos, tiếng cổ Hy Lạp) đến giải thoát khỏi ách đô hộ nước ngoài La Mã. Nó trở thành tín ngưỡng của dân nghèo và nô lệ. Nó tách dần khỏi đạo Do Thái. Do nội dung xã hội chủ nghĩa không tưởng, mới đầu nó bị đế chế La Mã đàn áp, nhưng đến thế kỷ thứ tư thì được coi là tôn giáo chính thức của đế chế La Mã. Gắn liền được với quyền lợi những giai cấp bóc lột, đạo Kito đã thống trị tư tưởng ở châu Âu suốt thời kỳ Trung cổ (thế kỷ V-XV). Trong xã hội tư bản châu Âu đã phát sinh ra xung đột giữa Nhà nước và Giáo hội, nhưng đạo Kito vẫn là một yếu tố quan trọng của kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, một nền tảng chủ yếu của văn minh và xã hội phương Tây.
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì? TGVN. Sau khi chứng kiến sự ngu xuẩn của chiến tranh, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Auguste Comte nghĩ gì? TGVN. Auguste Comte coi xã hội học là một thứ vật lý học xã hội và áp dụng những phương pháp vật lý vào việc ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về cái chết và tâm trạng chờ chết TGVN. Tâm trạng người chờ chết dưới góc độ một con người, chuyện trò với họ để thông cảm và biết chỗ mạnh chỗ yếu ... |