Nhỏ Bình thường Lớn
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Giữ truyền thống và hiện đại

TGVN. Đến một thời điểm, có nhu cầu phải thay đổi ít nhiều truyền thống để phù hợp với tâm tư các thế hệ mới và đáp ứng đòi hỏi của du lịch và kinh tế. Làm thế nào kết hợp được truyền thống và hiện đại?
TIN LIÊN QUAN
nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Tâm trạng hai phụ nữ Việt lai Pháp
nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Từ bi cửa Phật
nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai
Hồn quê - vở rối tai tiếng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ hai, năm 2006. (Ảnh: N.Đ.T)

Năm 1993, tôi có dịp đi thăm Thái Nguyên cùng ông Condominas, nhà dân tộc học Pháp, người bạn thân thiết của Việt Nam. Ông rất phấn khởi thấy Viện Bảo tàng Dân tộc học đầu tiên của ta đi vào nền nếp. Nhưng xem ca múa nhạc dân tộc biểu diễn đón mừng ông, ông than phiền với tôi là nhiều tiết mục bị hiện đại hóa một cách lố lăng.

Nỗi băn khoăn này không phải của riêng ông mà cũng là của nhiều nhà dân tộc học và nghệ sĩ. Vấn đề đặt ra là: Trên thực tế, có thể nào giữ nguyên vẹn truyền thống trong khi các nền văn hóa dân tộc phải thay đổi do vận động nội tại trước nhu cầu người dân nâng cao đời sống và ảnh hưởng quốc tế, nhất là vào thời đại toàn cầu hóa?

Từ khi ta giành độc lập vào năm 1945, việc bảo tồn bản sắc dân tộc và phục hồi vốn cổ mới được đặt ra một cách hệ thống và cho toàn dân. Rồi đến một thời điểm, có nhu cầu phải thay đổi ít nhiều truyền thống để phù hợp với tâm tư các thế hệ mới và đáp ứng đòi hỏi của du lịch và kinh tế. Làm thế nào kết hợp được truyền thống và hiện đại. Từ nửa thế kỷ nay, tranh luận về vấn đề này không ngớt.

Gần đây, vấn đề lại sôi nổi, nhân dịp Liên hoan quốc tế Sân khấu thể nghiệm lần thứ hai vào cuối 2006. Đặc biệt, tác phẩm Hồn quê của Vương Duy Biên đã gây sóng gió trong giới phê bình nghệ thuật của ta vốn dĩ hiền lành, “dĩ hòa vi quý”. Tác giả đã gắn nghệ thuật sắp đặt hiện đại phương Tây với rối nước truyền thống của văn minh Sông Hồng. Để gợi lại hồn quê, cuộc sống xóm làng đánh dấu bản sắc một sân tộc đậm văn hóa lúa nước, tác giả đã mở rộng ao làng ra môi trường toàn xã, thể hiện các mặt sinh hoạt gia đình, đồng áng, thủ công, thờ cúng, hội hè, huy động các kỹ thuật ánh sáng âm thanh hiện đại (cảnh mưa bão rất ấn tượng). Con người tiếp xúc với con rối, nước với cạn giao thoa. Các yếu tố chèo, kịch, nhạc mới cũ đều có mặt. Qua buổi biểu diễn, sắp đặt làm cái khung và bối cảnh sinh động cho rối nước, không cần hiểu những lời nói và bài ca, cũng có thể có một ý niệm về cuộc sống nông thôn Việt Nam ngày trước.

Chính vì thế mà các tác giả nước ngoài, đặc biệt là các nghệ sĩ đạo diễn tham gia liên hoan hết sức ca ngợi “tính xa lạ” (exotism) của một tác phẩm kết hợp truyền thống – hiện đại. Đạo diễn Alain Destandau, Giám đốc Nhà hát Monte Charge (Pháp), đánh giá cao sáng tác trên cơ sở truyền thống, hấp dẫn ngay từ lối vào với các sắp đặt cối xay, chum vại. Các nghệ sĩ Na Uy, Thụy Điển cho là hiện đại đã nâng truyền thống lên. Có nghệ sĩ nước ngoài gợi ý là nếu không có một cốt truyện gắn các tích rời rạc thì khó cuốn hút người xem nhiều lần, hoặc cũng cần cho biết nông thôn mới. Phía Việt Nam, có nhiều nghệ sĩ tán thành thể nghiệm “rối nước sắp đặt”, khiến cho tiết mục phong phú, đỡ nhàm.

Phía phê phán cũng rất kịch liệt. Nguyễn Thị Minh Thái cho là Hồn quê đã phá mất tinh túy của thẩm mỹ rối nước (thí dụ cho diễn viên xuất hiện, lại vào vui đùa với con rối). Cũng có ý kiến chê là sự thể hiện “rối nước – sắp đặt” có vẻ là một cuộc hôn nhân gán ghép.

Những người tổ chức liên hoan đã khéo léo dùng cụm từ Sân khấu thử nghiệm, đã gọi là thử nghiệm thì tha hồ “thử”, các nhà phê bình tha hồ khen chê. Người phán xét cuối cùng sẽ là công chúng. Không nên tranh luận để đi đến thắng bại rõ rệt như 2+2=4.

Ta nên khuyến khích cả hai khuynh hướng đối với truyền thống: bảo tồn y nguyên truyền thống nghệ thuật cổ (thí dụ ở Nhật, kịch Nô có gánh hát và nghệ sĩ giữ nguyên từng dòng, không thay đổi một cử chỉ, một lời nói), đồng thời cho tự do canh tân (ở Nhật, Mishima viết Nô cải cách hiện đại rất hay), đừng vội chê là lố lăng, lai căng. Cứ để cho công chúng quyết định, cái gì dở sẽ bị loại, cái gì hay sẽ tồn tại và phát triển. Có như vậy mới đúng quy luật cuộc sống! Tôi nhớ có đọc một tác phẩm Thụy Điển viết về nghệ thuật hiện đại xuất phát từ thủ công, tên là All tradition is change (Tất cả mọi truyền thống đều là thay đổi).

Xin lấy một ví dụ. Vào những năm 1920, chỉ có “me Tây” và gái đĩ mới mặc áo dài Lemur và quần trắng. Các phụ huynh phê phán là lố lăng, dâm ô. Thế rồi một số phụ nữ tân tiến, cô giáo, sinh viên dần dần mặc quần dài trắng. Đến những năm 1930, kiểu ăn mặc này thành phổ biến ở thành phố. Nay thì áo dài trở thành đặc trưng của Việt Nam, tuy truyền thống này mới hơn 70 năm.

nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Mũi tên, bài ca và chữ nghiệp

TGVN. Một chữ, một câu, một hành động, một cử chỉ, có khi mình không để ý đến, bỗng vài năm sau, vài chục năm sau ...

nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai

Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về học “lễ” và học “văn”

TGVN. Cái vốn gốc của đạo làm người thì trẻ đã thừa hưởng của xã hội và nhất là gia đình trước khi đi học ...

nha van hoa huu ngoc giu truyen thong va hien dai

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Mỗi ngày 1, 2 đô-la

TGVN. Người nào mỗi ngày chỉ kiếm được từ 1 đô-la trở xuống thì coi như người nghèo. Đó là tiêu chuẩn do các cơ ...