📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây:

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 12)

HỮU NGỌC 09:00 | 23/05/2021
Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng thế giới như: Pavese Cesare, Pellico Silvio, Petrarca Francesco, Ppicco Della Mirandolla Giovanni...

Pavese Cesare (1908-1950) là nhà văn chống Phát xít, theo khuynh hướng “hiện thực mới”, thể hiện sự khắc khoải của con người. Tác phẩm chính: Trước khi gà gáy (1949).

Trước khi gà gáy là tác phẩm gồm hai truyện, chủ đề chung là sự cô đơn cay đắng của con người, cái khó khăn trong quan hệ xã hội. Truyện đầu là Nhà tù: Stefano là một tù nhân chính trị bị đưa đi an trí ở một làng miền Nam nước Italy. Anh ít gặp được sự thông cảm, làng này đối với anh lại thành một nhà tù thứ hai, đời sống vẫn nặng nề như trước.

Truyện sau là Ngôi nhà trên đồi, kể về thành phố Torine ở miền Bắc nước Italy, vào những năm cuối Thế chiến II (1943 -1945), nhiều lần bị oanh tạc. Nhân dân trú ẩn trên khu đồi ngoại thành: đời sống gay go vì ngoài bom đạn còn thêm nhiều xáo trộn khác như hoạt động du kích, sự đàn áp của chính quyền. Corrado, giáo viên trung học nhút nhát, bỏ về quê chờ đợi trong lo sợ.

Tác giả Pavese là người chuyên dịch và phổ biến văn học hiện thực Mỹ đóng góp vào khuynh hướng “hiện thực mới” của Italy. Nhưng bản thân Pavese chỉ chú ý về ngoại cảnh để tìm hiểu phản ứng nội tâm nhân vật. Hiện thực chỉ phản ánh một xã hội không lý tưởng, buông trôi theo thời gian. Pavese luôn bị ám ảnh bởi cái chết và cuối cùng đã tự sát.

***

Pellico Silvio (1789-1854) là nhà văn yêu nước. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Đời tù ngục của tôi (1832), hồi ký.

Đời tù ngục của tôi là tác phẩm tự truyện. Nhà văn và là nhà hoạt động ái quốc Italy Pellico bị nhà cầm quyền Áo kết án tử hình. Về sau, án được giảm (trong chín năm ở nhiều nhà tù, ông bị ốm nặng nên được thả). Ở tù ra, Pellico đã viết tác phẩm này. Hồi ký kể lại quá trình Pellico chịu đựng số phận và thấm nhuần tinh thần đạo Thiên Chúa.

Tác giả chỉ muốn nói lên tình cảm tôn giáo, không muốn viết về chính trị. Một số nhà yêu nước Italy đương thời thất vọng vì thái độ thỏa hiệp của Pellico, nhưng ông vẫn được dư luận coi là hình tượng một người yêu nước bị ngoại bang hành hạ (số sách được phát hành rất nhiều). Trước khi bị bắt, Pellico theo tư tưởng vô thần, duy lý. Ở tù, Pellico bị khủng hoảng tinh thần và hướng về Chúa để tìm sự bình an.

***

Petrarca Francesco (1304-1374) là nhà thơ trữ tình lớn nhất của Italy, nhà nhân văn xuất sắc đầu tiên ở châu Âu. Ông để lại nhiều tác phẩm nhưng nổi bật nhất là Những bài ca.

Petrarca đặt hy vọng bất tử vào những tác phẩm viết bằng tiếng Latinh, nhưng đối với hậu thế, tập Những bài ca (chỉ chiếm một phần 20 khối lượng sáng tác trong suốt cuộc đời của Petrarca) lại mang lại cho ông vinh quang. Tập này gồm 367 bài thơ (đa số là thể thơ sonnet), trừ 35 bài, tất cả số còn lại đều nói về mối tình của Petrarca đối với Laura.

Theo Petrarca, lần đầu tiên ông nhìn thấy Laura là khi ông 23 tuổi, ở một nhà thờ tại Avignon, Pháp. Nàng mất 21 năm sau, khiến cho nhà thơ lâm vào một cuộc khủng hoảng tinh thần kéo dài cho đến khi ông mất. Laura có thật hay chỉ là hình tượng nàng thơ của Petrarca, hình bóng nàng chỉ là hình bóng của một người phụ nữ lý tưởng? Đó là một điểm vẫn còn được tranh luận.

Trong tác phẩm, Petrarca miêu tả lại tâm trạng của mình qua các giai đoạn: tình yêu mới đầu bồng bột, sau dịu dần, và vươn lên cho hợp với đạo đức người yêu, vươn lên Chúa như tình yêu lý tưởng của Dante; dẫu vậy, Laura gần con người hơn, và “xương thịt” hơn nàng Beatrice của Dante.

Những bài ca có giá trị nghệ thuật cao, được coi là mẫu mực, được rất nhiều nhà thơ đi theo trong các thế kỷ XIV, XV và XVI ở châu Âu. Trong tập, có bài Italy của tôi nói lên tình yêu nước thiết tha. Cuối tập có một chùm thơ tên là Những trận thắng (I Trionfi): Ái tình thắng Petrarca, tiết hạnh của nàng Laura thắng Ái tình, Danh tiếng thắng Cái chết, Thời gian thắng Danh tiếng, Vĩnh cửu thắng Thời gian.

***

Ppicco Della Mirandolla Giovanni (1463-1494) là nhà triết học, nhà văn uyên bác thời Phục Hưng. Ông đề ra 900 luận điểm và muốn hệ thống hóa các tri thức nhân loại. Tác phẩm chính: Về nhân phẩm (1496).

Về nhân phẩm là luận văn triết học được Pico della Mirandolla viết năm 24 tuổi. Ông định dùng tác phẩm này làm nhập đề cho 900 luận điểm do ông đề ra để thảo luận với các nhà thông thái đương thời (nhiều luận điểm trong đó bị Giáo hoàng lên án). Ông muốn chứng minh là có thể thống nhất và hệ thống hóa tất cả các tri thức của con người, kể cả những tín ngưỡng ma thuật.

Xuất phát điểm của ông là: tại sao con người được coi là sinh vật hoàn hảo nhất, có khi hơn cả thiên thần? Đó là vì Thượng đế đã ban cho con người tất cả mọi đặc ân và không buộc con người phải theo một con đường nhất định, người có thể trở thành thiên thần hoặc quỷ dữ, còn thiên thần thì từ khi sinh ra đã đi theo hẳn một hướng.

Nhờ triết học, con người có thể vươn lên hoàn thiện, vươn tới Chúa. Ông dựa vào Platon và Aristote, thần học Thiên Chúa giáo,… để xây dựng “nghệ thuật con số”, một phương pháp triết học, giải đáp tất cả các vấn đề tự nhiên và thần linh, tư duy gắn với triết gia cổ Hy Lạp Pythagoras.