Dọc đường gồm hai phần cơ bản, một là những bài viết liên quan đến các hoạt động văn hóa văn chương của nhà văn Nguyên Ngọc, hai là những đoạn trích từ cuốn hồi ký của đời ông.
Cuốn sách này, dẫu có sự tản mạn, vẫn làm nổi bật chân dung một con người rất động: mải miết xê dịch trong không gian địa lý và ráo riết dấn thân với những hoạt động văn hóa ở tầm nhìn xa rộng. Mỗi bài viết có thể xem là một câu chuyện độc lập với lối văn tinh tế, nhuần nhị.
Nhà văn Nguyên Ngọc. (Nguồn: Viện Pháp tại Hà Nội) |
Trong phần hồi ký, có thể đọc được các đoạn văn vô cùng đẹp, cũng có thể thấy những thao thức, băn khoăn, trăn trở của một con người “ham sống” và nhận ra trong đó chất nhà văn của Nguyên Ngọc vẫn đậm đặc. Ngôn ngữ văn xuôi của ông mang đậm hơi thở cuộc sống.
Nguyên Ngọc tự nhận là người ham sống, hơn bao giờ hết, tập sách này đã thể hiện sáng rõ một con người suy tư và luôn vận động không ngừng. Cuốn sách là sự tái hiện giữa không gian bên ngoài và những chiêm nghiệm nội tâm, đầy ắp vẻ đẹp của hoài niệm.
Dấu chân lữ hành của ông đặt lên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, Trường Sơn, về với Tây Nguyên, Hội An, rồi rừng U Minh, Cà Mau và cả những hòn đảo hoang sơ xa lắc…
Nhưng chuyện đi nhiều, sống nhiều, quan sát nhiều và suy tư nhiều hẳn đã giúp Nguyên Ngọc nhìn ra được nhiều điều trước thời đại.
Trên những trang viết này, có thể nhận ra những trằn trọc khôn nguôi của một người trí thức.
Mỗi bài đều đặt ra những vấn đề lớn: trách nhiệm của người viết, dịch thuật và sự phát triển của dân tộc, sự vượt thoát của văn chương, những giá trị quá khứ bị lãng quên, tình yêu và chiến tranh, giáo dục, con người tự chủ...
Nguyên Ngọc đã sống như chính điều ông tâm niệm và hối thúc: “Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng.
Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn.
Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử".
Bìa tập bút ký Dọc đường của Nguyên Ngọc. (Nguồn: Viện Pháp tại Hà Nội) |
Đáng chú ý, một phần nội dung quan trọng trong cuốn sách mới của ông là về sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ XX và các gương mặt trí thức nổi bật của thời kỳ đó.
Chúng ta đã có được một thế hệ những trí thức xuất chúng: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt là thế hệ đa văn hóa, từ Hán học chuyển sang Tây học.
Những con người đó gặp một chuyển đổi thời đại hết sức quan trọng, khi Việt Nam đối mặt với phương Tây, khi diễn ra sự va chạm quyết định giữa hai nền văn hóa. Trong họ là sự kết nối giữa hai nền văn hóa, và vấn đề của họ luôn là sự kết nối giữa hai nền văn hóa đó.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhã Nam sẽ tổ chức tọa đàm “Giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ XX, dưới góc nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc” với sự tham gia của các diễn giả: Nhà văn Nguyên Ngọc, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn.
Chương trình diễn ra vào sáng 13/8 tại tầng 2, LeCafe, ngõ 2 Nguyên Hồng, Hà Nội.
Nguyên Ngọc (hay Nguyễn Trung Thành) sinh năm 1932 tại Đà Nẵng, nhưng chủ yếu sống ở Hội An và chịu ảnh hưởng sâu đậm của đô thị cổ này. Ông là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Từng là Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội; Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Trong chiến tranh, chiến đấu chủ yếu ở Tây Nguyên và Quảng Nam. Với tư cách một dịch giả, ông dịch các công trình lý thuyết của Roland Barthes (Độ không của lối viết), Jean Paul Sartre (Văn chương là gì). Nhã Nam đã xuất bản một số tác phẩm do ông chuyển ngữ: Một cuộc gặp gỡ, Lễ hội của vô nghĩa (Milan Kundera); Nhẫn thạch (Atiq Rahimi, giải Goncourt 2008). Tác phẩm chính: Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Mạch nước ngầm, Rừng xà nu, Đường chúng ta đi, Đất Quảng, Có một con đường mòn trên Biển Đông, Cát cháy, Tản mạn nhớ và quên, Các bạn tôi ở trên ấy… |