Đạo diễn Christophe Thiry. (Ảnh: Hà Anh) |
Cách đây hai năm, vào tháng 6/2017, lần đầu tiên tuyệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du được đưa lên sân khấu nhạc kịch và công diễn tại Pháp. Để có được buổi ra mắt khi ấy, đạo diễn Christophe Thiry và sáu nghệ sĩ Nhà hát L’Attrape cùng hai nghệ sĩ Việt Nam đã dành cả tâm huyết thực hiện dự án Kim Vân Kiều trong suốt một năm ròng.
Một quyết định táo bạo
Christophe Thiry biết đến Truyện Kiều từ một người bạn Việt Nam đang sống ở Pháp, cũng là khán giả trung thành của sân khấu kịch ở Paris. Trong một lần tình cờ đi xem kịch tại Nhà hát của ông, cuối buổi diễn, người bạn ấy cho đưa cho ông tác phẩm của Nguyễn Du và nhắn nhủ rằng: “Hãy đọc thử xem sao”.
Khi vừa đọc, Thiry đã kịp nhận ra đây là tác phẩm sâu sắc và vô cùng sống động về mặt văn hóa và nghệ thuật. Càng đọc, câu chuyện về thân phận nàng Kiều càng mang lại cho ông những ấn tượng vô cùng dữ dội.
Và rồi, ông nói với người bạn Việt Nam về ý định sẽ chuyển soạn tác phẩm này thành vở nhạc kịch. Ông có niềm tin mãnh liệt rằng tác phẩm sẽ thành công dù đây là một quyết định táo bạo khi mà ông chưa hiểu biết gì về văn hóa Việt Nam và chưa từng đến Việt Nam.
Vừa bắt tay làm, khó khăn đầu tiên mà đạo diễn Pháp gặp phải là việc phối hợp rất nhiều mảng nghệ thuật khác nhau từ sân khấu, âm nhạc, khiêu vũ, lời thoại đến thanh nhạc... Khó khăn tiếp theo là việc chuyển soạn một tác phẩm thi ca vốn không đi theo kết cấu của vở kịch đơn thuần sang nhạc kịch. Công việc này không hề dễ dàng, đặc biệt với đối tượng khán giả Paris vốn có đòi hỏi khá khắt khe...
Một phân cảnh trong vở nhạc kịch. (Ảnh: L’Attrape Théâtre) |
Với các diễn viên, họ cũng phải cần có khả năng đa dạng như diễn xuất, tung hứng, ca hát... để có thể kết hợp hài hòa trong tác phẩm, cũng như tạo được cầu nối nhịp nhàng giữa hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa Việt – Pháp.
Chia sẻ về khó khăn này, nam nghệ sĩ Guillaume François nói: “Khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi đã bắt gặp những “cú sốc” về khác biệt văn hóa và lối ứng xử. Là nghệ sĩ chuyên nghiệp, chúng tôi phải cố gắng vượt qua để có thể cảm nhận sâu hơn tính nhân văn và giá trị triết học về tinh thần ẩn sâu trong tác phẩm. Chỉ bằng cách đó, chúng tôi mới có thể chạm tới trái tim người xem”.
Sarah Bloch – người đảm nhận vai Kiều xuyên suốt vở diễn cũng cho biết, vai Kiều có nhiều thách thức với cô khi kể về thân phận một người phụ nữ châu Á.
“Điểm chạm đến cảm xúc của các diễn viên là tình người trong tác phẩm với những trải nghiệm về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và những khắc nghiệt của cuộc đời. Vở diễn giống như một kho báu nghệ thuật - nơi mỗi nghệ sĩ chúng tôi có thể tìm thấy một ý nghĩa riêng và truyền tải đến người xem”, cô nói.
Nhạc kịch Kim Vân Kiều: Tấm lòng của những nghệ sĩ Pháp |
Và hiệu ứng “lây lan”
Có thể thấy, Kim Vân Kiều đã không phụ tấm lòng của những nghệ sĩ Pháp. Tác phẩm đã ra mắt thành công tại Paris với năm đêm diễn và được các nhà phê bình, giới nghệ sĩ và khán thính giả hai nước tại Paris khen ngợi và đánh giá cao.
Đạo diễn Thiry vẫn nhớ hình ảnh một nữ ca sĩ gốc Việt đã khóc khi xem vở diễn, một nhà văn hóa tên tuổi người Việt đã xem vở diễn đến hai lần và một khán giả Pháp sẵn sàng mua vé xem lại ngay suất diễn tiếp theo...
Guillaume François cũng kể rằng: “Ở Paris, tôi học cùng một người bạn có bố mẹ người Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại Pháp nên gần như không có kết nối gì với quê hương. Sau khi xem vở nhạc kịch, cậu ấy đã rất xúc động và quyết định sẽ trở lại quê hương. Có thể nói, vở diễn đã tạo nên một hiệu ứng “lây lan” xúc cảm rất giá trị”.
Điều thú vị nhất là đến với nhạc kịch Kim Vân Kiều, khán giả đã bắt gặp một nàng Kiều đa quốc tịch từ cổ điển đến hiện đại. Phần âm nhạc cũng là một thể nghiệm có một không hai khi các nghệ sĩ Pháp vừa hát opera, pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu violon, piano, guitar, thậm chí hát cả điệu Dạ cổ hoài lang của Việt Nam. Đối lập nhưng hòa quyện với màu sắc Tây phương là những sắc màu rất Việt Nam từ nhạc khí dân tộc như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu qua phần trình diễn của hai nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam.
Mang vở diễn về chính quê hương Việt Nam, đạo diễn Christophe Thiry cùng các nghệ sĩ rất vui vì cảm nhận được quan tâm của truyền thông, sự yêu mến và sự xúc động của những khán giả tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Không quá chú trọng vào kỹ xảo và hiệu ứng sân khấu, các nghệ sĩ tái hiện không gian chân thật nhất, đặt trung tâm vào các nhân vật.
“Với vở diễn này, tôi nhận thức được trách nhiệm lớn khi truyền tải trung thành một kiệt tác văn học của Việt Nam. Chúng tôi phải khiến khán giả Việt Nam yêu thích nó và cảm nhận được sự gần gũi nhất”, ông chia sẻ.
Nhạc kịch Kim Vân Kiều được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Khắc Viện. Dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Christophe Thiry, đoàn nghệ sĩ - diễn viên - ca sĩ opera chuyên nghiệp của Nhà hát L’Attrape được tái hiện với một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo với góc nhìn mới, hiện đại nhưng vẫn rất trung thành với số phận nàng Kiều... |