Tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ bé cạnh Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cùng những người bạn, người em trong nhà, nhạc sỹ Đinh Quang Hợp vừa đàn vừa kể chuyện. Ít ai biết ông có tới 16 bài hát được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012, trong đó 14 bài nằm trọn trong vở thanh xướng kịch “Lửa và hoa” và hai ca khúc “Tiếng hát sông Lam”, “Nhịp cầu sông Mã”. Đây là những mốc son sáng tác của ông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Nhạc sỹ Đinh Quang Hợp (giữa) cùng những người em ôn lại kỷ niệm về thời chống Mỹ hào hùng. (Ảnh: MH) |
Những bản hùng ca không bao giờ quên
Ông kể, sau giải phóng Sài Gòn năm 1975, trong chuyến đi Tây Nguyên, ông tình cờ nghe ông Y Ngông Nhéc-gơ, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội kể câu chuyện có thực về một đại tá quân đội. Câu chuyện xúc động đầy máu và nước mắt ấy đã thôi thúc ông viết vở thanh xướng kịch “Lửa và hoa”.
Tiếng ông lồng trong tiếng đàn khi chơi bài đầu “Cao Nguyên”. Bài có nội dung tiễn đưa ông Y Xơ Nia tập kết ra Bắc, khi ấy con trai ông là Y Kai mới một tuổi. Lớn lên 18 tuổi, Y Kai lấy vợ là Hơ Ngơi và sinh cháu nhỏ tên là Y Tơ Lam. Khi chưa giải phóng, đồng bào Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc biểu tình phản đối Ngụy quyền, mẹ Hơ Ngơi bế cháu Y Tơ Lam đi biểu tình, khi đó cháu bé mới sáu tháng tuổi. Quân Ngụy biết gia đình chị Hơ Ngơi có người tập kết ra Bắc nên đã bắn chết cháu bé trên tay mẹ. Người mẹ đặt con dưới gốc cây cao su rồi tiếp tục biểu tình. Thế rồi đến ngày ông nội Y Xơ Nia về giải phóng cao nguyên... Tiếng đàn mạnh mẽ hào hùng của bài hát “Ngày về chiến thắng”, bản nhạc thứ 14, kết thúc vở thanh xướng kịch “Lửa và Hoa” khiến chúng tôi như lặng đi.
Đầu tư nhiều tâm sức vào các tác phẩm lớn như thanh xướng kịch và giao hưởng, nhạc sĩ Đinh Quang Hợp chia sẻ: “Tôi là người giảng dạy về âm nhạc bác học nên luôn muốn viết những tác phẩm lớn, mang dấu ấn lịch sử”.
Ông nói, mỗi bài hát là một câu chuyện, ấn tượng, kỷ niệm đáng nhớ từ thực tế của thời kỳ Hoa - Lửa. Ngay như ca khúc “Tiếng hát sông Lam” viết năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn khốc liệt, đoàn của ông đi bộ từ Hà Nội vào đến Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi vào thành Vinh (Nghệ An). Hôm đó, bên dòng sông Lam, ông bỗng bắt gặp một điệu hò. Hai thái cực cảm xúc diễn ra đồng thời trong tâm trí ông, mới hôm qua lửa đạn, hôm nay được nghe một điệu hò tuyệt đẹp. Và cứ thế, bài “Tiếng hát sông Lam” êm ả đi vào nốt nhạc của ông. “Ơơ... hò… Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục. Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh... Nghệ An đứng dậy trong bom rơi lửa đạn. Đốt cháy quân thù giữ lấy biển trời, trăng đẹp quê ta”.
Ông Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã nhận xét: phong cách sáng tác âm nhạc của Đinh Quang Hợp có chất thép, nhưng giai điệu lại mượt mà, thơ mộng, đậm màu sắc dân gian, dân tộc chính là vậy.
Suối nguồn âm nhạc
Nhạc sỹ Đinh Quang Hợp sinh ra ở đất Gia Khánh (Ninh Bình), nơi có truyền thống hát chèo và dân ca. Ông gắn bó với âm nhạc khi còn nhỏ tuổi và những hình ảnh đồng lúa, ánh trăng quê, tiếng gió thổi, sóng hồ... thường xuất hiện trong những ca khúc, hay những khuông nhạc êm ả trong tác phẩm khí nhạc của ông.
Đặc biệt, người ta thấy một Đinh Quang Hợp, tràn đầy sức trẻ của những năm 1950 -1960 khi ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu trong Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Giai đoạn này, ông biết thêm dân ca của nước bạn. Với những tác phẩm đầu tay đậm chất hữu nghị Việt - Lào như ca khúc “Việt Lào xamakhi điêu căn”, vở nhạc kịch “Tình Việt Lào”, ông đã được nhận giải thưởng tại Đại hội Liên hoan Văn công toàn quốc.
Năm 1960, Đinh Quang Hợp học sáng tác hệ trung cấp và đại học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Với vốn dân ca được tiếp thu từ nhỏ, cộng thêm kiến thức được học ở trường lớp và thực tế nơi chiến trường khói lửa của những ngày chống Mỹ, ông đã viết ra các ca khúc được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Trong khoảng thời gian 1969-1972, ông thực tập cấp trên đại học tại Sofia (Bulgaria) và tốt nghiệp với bản giao hưởng “Cuộc chiến đấu vĩ đại”. Trở về nước, ông giảng dạy, quản lý tại Nhạc viện Hà Nội, rồi làm Giám đốc Công ty biểu diễn nghệ thuật Việt Nam (VINACONCERT) cho đến ngày nghỉ hưu.
Hiện nay, sáng tác của ông ít dần những bài khí nhạc mà nghiêng về các ca khúc, phổ nhạc cho thơ. Ông cũng viết sách, viết bài phân tích âm nhạc trên các báo, đài, tạp chí…
Trong suốt sáu thập kỷ, suối nguồn âm nhạc trong nghệ sĩ Đinh Quang Hợp chưa một ngày ngừng chảy, bởi quan niệm của ông là luôn sống và cống hiến hết mình cho âm nhạc.