Việc lãnh đạo liên Triều tái xác nhận lòng tin và mối quan hệ khăng khít đã tạo ra kỳ vọng khôi phục quan hệ song phương. (Ảnh minh họa. Nguồn: Nhà Xanh) |
Động thái diễn ra một ngày sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong gửi lời phản đối và bày tỏ thất vọng sâu sắc đối với Hàn Quốc, liên quan tới vụ phóng vũ khí gần đây của Triều Tiên.
Theo Đài phát thanh KBS (Hàn Quốc), mặc dù hai động thái có phần đối nghịch, song việc lãnh đạo liên Triều trao đổi thư tay cho nhau là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang khá lạnh nhạt. Và việc lãnh đạo liên Triều tái xác nhận lòng tin và mối quan hệ khăng khít đã tạo ra kỳ vọng khôi phục quan hệ song phương.
Trong quá khứ, hai nhà lãnh đạo này từng gặp nhau theo phương thức "từ trên xuống", mở ra cánh cửa cải thiện quan hệ liên Triều. Thời gian qua, lãnh đạo hai bên đã từng trao đổi thư tay 4 lần, mỗi lần đều tạo ra thay đổi lớn cho đối thoại song phương.
Ngoài ra, việc trao đổi thư tay còn cho thấy Seoul và Bình Nhưỡng vẫn đang duy trì kênh liên lạc. Nhiều ý kiến cho rằng, kênh liên lạc nóng giữa Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Bộ Mặt trận Thống nhất Triều Tiên vẫn đang hoạt động. Kênh liên lạc này đã từng hoạt động kín trước đây, giúp Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và tổ chức thành công 3 lần Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Đặc biệt, Chủ tịch Kim Jong-un, người khiến quan hệ liên Triều xấu đi sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 năm ngoái, lại gửi thư tay trước cho Tổng thống Moon Jae-in. Động thái này được phân tích là nhằm khẳng định quyết tâm nối lại hợp tác liên Triều.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đưa ra nhận xét khá thận trọng. Các dự án hợp tác với Triều Tiên do Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến trong năm nay chủ yếu là trong lĩnh vực y tế và du lịch khách lẻ tới Triều Tiên, song khả năng Bình Nhưỡng hưởng ứng ngay các kế hoạch này là không cao.
Do đó, bức thư tay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ nhằm khẳng định vị thế bản thân, chứ không hề thể hiện quyết tâm hợp tác cụ thể nào với Hàn Quốc. Mặc dù lập trường của Seoul là sẽ đơn phương đẩy nhanh các dự án hợp tác liên Triều, song kế hoạch này chỉ có thể triển khai sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.