📞

Nhân lực & giáo dục

10:25 | 28/08/2009
Phát triển nhân lực là yêu cầu nội tại tất yếu của bất cứ quốc gia nào, trong đó, giáo dục - đào tạo là khâu then chốt, là công cụ chủ yếu để phát triển nhân lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Vì vậy, nhân lực và giáo dục có mối quan hệ tương hỗ, đào tạo con người như thế nào thì kết quả nguồn nhân lực tương ứng. Thực tế hiện nay giáo dục cao đẳng, đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Mới đây nhất, ngày 25/8, Bộ GD&ĐT đã phải thừa nhận, sau 22 năm, hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học đã thay đổi lớn về quy mô nhưng phương pháp và cơ chế quản lý vẫn chưa theo kịp, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Những con số thống kê đã chỉ rõ điều này. Năm 2009 cả nước có 376 trường với hơn 1,7 triệu sinh viên (tăng 3,7 lần số trường và gấp 13 lần số sinh viên so với năm 1989). Trong khi đó, số giảng viên chỉ tăng 3 lần lên 61.000 người, trong đó có 2.320 giáo sư, phó giáo sư, hơn 6.200 tiến sĩ và gần 23.000 thạc sĩ... Tức là có tới 48% cử nhân đang đứng trên bục giảng đại học và cao đẳng. Như vậy, chất lượng giảng dậy vẫn còn là câu hỏi lớn.

Đấy là chưa kể đến sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đào tạo đại học và dậy nghề. Hiện tỷ lệ đại học và trên đại học - trung học chuyên nghiệp - công nhân kỹ thuật ở nước ta là: 1 - 1,13 - 0,92 (tỷ lệ này của thế giới là 1 - 3 - 5). Đó là lý do mà rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “than vãn” rằng họ chỉ có thể tuyển được 50-60% lượng công nhân có tay nghề. Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận nội dung giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học đang lạc hậu so với thực tiễn và tụt hậu so với các nước trong khu vực, phương pháp giáo dục đào tạo cũ kỹ, những tiêu cực trong giáo dục vẫn hiện hữu.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, Nhà nước đã giành một tỷ trọng đáng kể trong ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Giai đoạn 2000-2005 chi cho giáo dục-đào tạo đã tăng từ 15% lên 18% trong tổng chi ngân sách Nhà nước (bằng 5,6% GDP, cao hơn tỉ lệ bình quân 3,8% của các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á). Trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, Nhà nước nâng tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục-đào tạo lên 20% (ngay từ năm 2007-2008). Ngoài ra, kinh phí cho giáo dục - đào tạo còn được bổ sung bằng nguồn vốn huy động trong dân cư, nguồn vốn từ phát hành công trái giáo dục… Như vậy, nước ta đầu tư cho giáo dục khá nhiều, nhưng hiệu quả giáo dục - đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thời hội nhập.

Để giải quyết thực trạng trên, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là Nhà nước phải tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học và cao đẳng. Lúc đó các trường sẽ chủ động sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình và thích ứng nhanh hơn và tốt hơn với thị trường, với yêu cầu của xã hội. Nhà nước chỉ quản lý, giám sát về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục - đào tạo.

Thứ nữa, Bộ GD&ĐT cần tổ chức lại hệ thống các trường học từ cấp mẫu giáo đến đại học theo hướng giữ một số trường công trọng điểm quốc gia, còn lại là xã hội hóa giáo dục, kể cả thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt là Bộ cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục - đào tạo cho thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ.

Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy một quốc gia muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá phải có tỉ lệ lao động đã qua đào tạo tối thiểu ở mức 70%. Trong khi bắt đầu sự nghiệp này, Việt Nam mới chỉ có trong tay không quá 25% lao động có tay nghề. Chính vì vậy, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực đã trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với sự phát triển của đất nước.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu trong lần thăm Việt Nam gần đây đã để lại thông điệp: Việt Nam cần tiến hành cuộc “cách mạng” về tư duy quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, Việt Nam sẽ thắng trong cuộc đua kinh tế.

Văn Khê