Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông. |
Công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. “Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã có nhiều đổi mới và sáng kiến trong công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua”, ông Lê Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Tích cực trên nhiều mặt
Bộ Ngoại giao có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại. Thứ nhất, là cung cấp thông tin kịp thời về các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động ngoại giao cấp Nhà nước. Bộ Ngoại giao thường xuyên có kế hoạch truyền thông chu đáo và triển khai một cách bài bản và hiệu quả.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao được giao chủ trì quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước. Các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thành công các sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch ở địa bàn sở tại…
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện cũng chủ động và tích cực cung cấp thông tin cho báo chí về những sự kiện liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Thí dụ như vụ nổ bom ở Bangkok có người Việt Nam bị thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã nhanh chóng xác minh, làm rõ và thăm hỏi nạn nhân, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí trong nước. Hay khi người Việt sang Singapore bị “ách” ở sân bay, gặp phiền toái, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã nhanh chóng liên hệ, làm việc với cơ quan chức năng Singapore yêu cầu họ giải thích làm rõ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của khách du lịch Việt Nam.
“Người dân Việt Nam có nhu cầu được biết về các sự kiện ở nước ngoài có tác động đến Việt Nam, đến người Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao đáp ứng nhu cầu thông tin này khá nhanh. Trước đây, các cơ quan đại diện cũng có làm nhưng chưa được thường xuyên, nhanh chóng và kịp thời như thế”, ông Nghiêm khẳng định.
Một phần việc nữa mà Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại khẳng định Bộ Ngoại giao phát huy rất tốt, đó là thông tin qua kênh học giả. Các nhà ngoại giao Việt Nam tích cực tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, phát biểu dõng dạc, tự tin hơn trước. Năm 2014 trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhiều hội thảo về Biển Đông diễn ra ở nhiều nước và nơi nào sứ quán Việt Nam cũng tham gia hoặc cán bộ ngoại giao trong nước (Viện Nghiên cứu chiến lược, Viện Biển Đông…) chủ động tham gia. Đặc biệt, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNN, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành viết bài đấu tranh trên báo sở tại...
Ông Nghiêm cũng đánh giá cao việc các nhà ngoại giao “đăng đàn” trên các kênh truyền hình, phát thanh trong nước như VTV, VOV, Truyền hình Quốc phòng, Truyền hình Thông tấn, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Vietnamnet… phân tích, bình luận, giải thích kịp thời về tình hình thế giới cũng như các sự kiện tác động đến Việt Nam, chẳng hạn như việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, quan hệ Mỹ - Cuba, giá dầu giảm, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các hiệp định tự do thương mại FTA…
Sự phối hợp hiệu quả của Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin Truyền thông thể hiện ở hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức về thông tin đối ngoại cho cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành và địa phương cũng như việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin Truyền thông là những đơn vị chủ lực tham gia xây dựng Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011–2020, Quy chế Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020 hay Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015–2017...
Sắp tới, Nghị định của Chính phủ về quản lý các hoạt động thông tin đối ngoại sẽ được ban hành, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại. Trong quá trình soạn thảo Nghị định này, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ và đóng vai trò rất quan trọng.
Vẫn cần sự đột phá
Hoạt động thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao ở ngoài nước có một mảng rất quan trọng là chủ động, thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin ở địa bàn ngoài nước. Bộ Ngoại giao thì đang thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020”.
Trong hoạt động thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, theo ông Nghiêm, việc cung cấp thông tin về Việt Nam cho người dân nước sở tại còn hạn chế, nhất là bằng ngôn ngữ phổ biến ở nước sở tại. Trang web của các cơ quan đại diện có cập nhật thông tin nhưng còn chậm, lượng thông tin còn nghèo, thông tin bằng ngôn ngữ của nước sở tại thì càng hiếm.
“Trang thông tin điện tử thực sự là một công cụ quan trọng trong việc đưa thông tin về Việt Nam đến với người dân nước sở tại”, ông Cục trưởng nhấn mạnh. Ông tin rằng, trong thời gian tới, mỗi cơ quan đại diện đều nên có một trang thông tin điện tử bằng ngôn ngữ của nước sở tại, hoặc một trong sáu thứ tiếng chính thức của Liên hợp quốc để cập nhật thường xuyên và phổ biến thông tin về Việt Nam.
Ông Nghiêm cũng cho rằng, cần đặc biệt coi trọng các địa bàn trọng điểm. “Nhiệm vụ của cơ quan đại diện là không chỉ cung cấp thông tin cho báo chí Việt Nam mà còn đưa được thông tin về Việt Nam lên báo đài nước ngoài. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần quan tâm xây dựng mối quan hệ tích cực, hữu nghị với các cơ quan báo đài nước ngoài, chủ động cung cấp thông tin, để họ đưa nhiều tin, bài về Việt Nam”, ông nói.
Theo ông Nghiêm, vấn đề này “chắc chắn phải có sự đột phá, bài bản hơn. Nếu không chủ động thì việc đưa thông tin về Việt Nam đến các nước rất khó khăn, kể cả những địa bàn trọng điểm, là đối tác chiến lược”.
Hoàng Hạnh (ghi)