📞

Nhật Bản “đau đầu” vì... du lịch phát triển mạnh

Kha Ninh 08:31 | 26/06/2019
TGVN. Tình trạng quá tải do lượng khách du lịch tăng mạnh đặt Nhật Bản đứng trước thách thức "không dễ dàng" trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục.    
Nhật Bản đã trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu châu Á. (Nguồn: The Times)

Những năm gần đây, chính sách chấn hưng kinh tế do Thủ tướng Abe Shinzo khởi xướng (Abenomics) đã giúp Nhật Bản chuyển mình trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu châu Á.

Theo Sách trắng Du lịch Nhật Bản, năm 2018, quốc gia này đã đón hơn 31,19 triệu lượt khách quốc tế (tăng 8,7% so với năm 2017), đạt doanh thu gần 42,2 tỷ USD. Trong đó, hơn 50% du khách đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... Phần lớn, họ tập trung tham quan tại Tokyo, Osaka và Kyoto.

Ngoài những cảnh quan hấp dẫn, các du khách rất ấn tượng bởi tinh thần “Omotenashi”, một trong những lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản so với các thị trường du lịch khác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, đôi khi “omotenashi” lại không mang đến trải nghiệm tốt đẹp. Bởi du lịch phát triển mạnh sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khiến các nhà chức trách “đau đầu”.

Những vấn đề “nhức nhối”

Trong một chương trình của mình, MC nổi tiếng Takeshi Kitano chia sẻ, lượng khách du lịch tăng đột biến gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là về văn hóa. Điều này khiến chính quyền và người dân địa phương đứng giữa hai lựa chọn là giữ gìn nét văn hóa truyền thống hoặc tiếp tục phát triển du lịch?

Du lịch phát triển quá nhanh đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng, dịch vụ bị quá tải. Khách sạn, nhà hàng, phương tiện công cộng không đáp ứng được nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Từ đó, kéo theo tình hình trật tự an ninh xã hội tại Nhật Bản bị ảnh hưởng.

Chợ Nishiki được mệnh danh là “ bếp ăn” của cố đô Kyoto – nơi có bề dày lịch sử 400 năm gần như hoàn toàn vắng bóng người dân địa phương bởi có quá nhiều du khách.

Chủ của hàng hải sản 60 năm tuổi Nishiki Daimaru tại chợ Nishiki cho biết, 80% khách hàng là du khách nước ngoài. Những người này chỉ đến tham quan và mua một lượng nhỏ sashimi để ăn tại cửa hàng, kéo theo doanh thu của cửa hàng liên tục giảm trong mấy năm gần đây.

Những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, truyền thống hiếu khách của Nhật Bản đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến đây. (Nguồn: AFP)

Người dân địa phương chia sẻ, khách du lịch quá đông khiến họ luôn phải chen chúc trên các phương tiện giao thông, không gian sống trở nên chật chội hơn. Đồng thời, nhu cầu chỗ ở tăng cao, nhiều nhà nghỉ, khách sạn bất hợp pháp mọc lên, gây ra nhiều mối đe dọa cho sự an toàn của cư dân nơi đây.

Mặt khác, khách nước ngoài cũng không hiểu rõ về phong tục địa phương. Cụ thể, việc phân loại rác kỹ càng theo tiêu chuẩn ở Nhật, hành động hút thuốc nơi công cộng hay trang phục không chỉnh tề đã gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tại các địa điểm du lịch cũng là vấn đề gây nhức nhối với chính quyền địa phương. Tờ Asahi Shimbun cho biết, nhiều cảnh quan tại Kyoto đã bị khách du lịch làm hư hại. Đáng chú ý nhất là khu rừng tre ở Arashiyama, các du khách thiếu ý thức đã làm gãy hay khắc tên mình lên thân những cây tre tại đây.

Hiển nhiên, đây không phải nơi duy nhất chịu thiệt hại do sự vô ý thức này. Theo Mainichi, chính quyền tỉnh Tottori phải thường xuyên dọn dẹp để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của đồi cát Tottori khi nó bị các du khách viết hoặc vẽ lên.

Những lý do trên đã góp phần khiến người dân Nhật Bản có ấn tượng không tốt với người nước ngoài.

Các biện pháp khắc phục

Theo Asahi Shimbun, để khắc phục sự bất cập do du khách nước ngoài gây ra, một số địa phương đã tự thành lập các đội tình nguyện viên dọn dẹp vệ sinh công cộng, phân loại rác. Họ nhắc nhở du khách khi có những hành vi không phù hợp tại nơi công cộng như hút thuốc, gây mất trật tự...

Chính phủ Nhật Bản cũng có những động thái để hạn chế những vấn đề tiêu cực này. Bắt đầu từ đầu năm 2019, khách du lịch quốc tế đến tham quan sẽ phải nộp thuế du lịch 1.000 yen (hơn 9 USD)/người. Số tiền thu được sẽ dùng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng.

Khách nước ngoài trượt tuyết ở Niseko, Hokkaido. (Nguồn: Planetype)

Tổng cục Du lịch Nhật Bản Nhật Bản cũng đã nỗ lực khuyến khích du khách khám phá các vùng nông thôn tại xứ sở mặt trời mọc thay vì đi theo tuyến du lịch "vàng" Tokyo, Kyoto và Osaka.

Chính quyền một số thành phố còn hợp tác với trang web du lịch nổi tiếng TripAdvisor để giới thiệu cho du khách nước ngoài biết về các quy tắc ứng xử khi đến Nhật Bản.

Trong bối cảnh du lịch phát triển mạnh sẽ đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản cần phải đưa ra chính sách phát triển du lịch bền vững cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng để có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, cũng như phát huy và khai thác hết tiềm năng của ngành công nghiệp “không khói” này.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cơ quan của Liên Hợp Quốc, có 1,4 tỷ lượt khách du lịch quốc tế trên khắp thế giới vào năm 2018. Lượng khách dự kiến tăng thêm 3-4% trong năm 2019.

Trang South China Morning Post cho biết, một báo cáo của Liên minh châu Âu đã xác định 105 điểm đến gặp phải tình trạng quá tải khách du lịch. Responsible Travel, một công ty du lịch có trụ sở tại Anh, đã đưa ra bản đồ vượt mức bao gồm 98 điểm đến trên 63 quốc gia.

Mới đây, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã công bố báo cáo của một cuộc khảo sát có tên “Điểm đến 2030”. Trong 50 thành phố trên thế giới được khảo sát, có 20 thành phố sắp phải đối diện với vấn đề bùng nổ khách du lịch.

Đáng chú ý có Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Dubai (UAE), Osaka, Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Tp. Hồ Chí Minh, Bangkok (Thái Lan), Cape Town (Nam Phi), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Jakarta (Indonesia), Seou (Hàn Quốc), Mexico (Mexico), New Delhi (Ấn Độ)...

(theo Kotaku, SCMP)