Xung khắc thương mại Nhật – Hàn bắt nguồn từ những lý do lịch sử vô cùng nhạy cảm về chính trị đối nội và tâm lý xã hội ở cả hai bên. Biếm hoạ của Korea Joongang Daily (Hàn Quốc). |
Việc Hàn Quốc và Nhật Bản bất hoà về chuyện quá khứ, lịch sử không mới là gì. Nhưng mức độ bất hoà và căng thẳng hiện tại giữa hai nước láng giềng của nhau này ở khu vực Đông Bắc Á lại gây bất ngờ.
Từ nhiều thập kỷ nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ở trong mối liên minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ và đã trở thành đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau. Vậy mà bây giờ, hai láng giềng gần này lại khúc mắc nhau khá quyết liệt và khúc mắc lần này làm cho mối bất hoà liên quan đến quá khứ lịch sử chung kia thêm khó có thể được nhanh chóng khắc phục dứt điểm và ổn thoả.
Khởi nguồn từ quá khứ
Chuyện quá khứ lịch sử là những tội lỗi mà chính quyền và quân đội thực dân và phát xít Nhật Bản đã gây ra trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian xâm lược và đô hộ bán đảo này từ 1910 đến 1945, trong đó đặc biệt là việc phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục.
Phía Hàn Quốc đòi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường vật chất. Phía Nhật Bản cho rằng việc này đã được giải quyết ổn thoả và dứt điểm trong thoả thuận năm 1965 về thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước và bằng thoả thuận năm 2015 giữa thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Ông Abe hiện vẫn tại nhiệm ở Nhật Bản trong khi bà Park Geun-hye bị tù đày ở Hàn Quốc. Kế nhiệm bà Park Geun-hye, ông Moon Jae-in đặt lại vấn đề này với Nhật Bản, cho rằng thoả thuận năm 2015 kia quá vội vàng và chưa toàn diện. Ở Hàn Quốc, tâm lý và cả làn sóng biểu tình phản đối bất lợi cho Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ. Ông Abe đối phó bằng đòn đầu tiên là hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số hoá chất rất cần thiết và quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của Hàn Quốc. Sau đấy là quyết định của Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi cái gọi là "Danh sách trắng" những quốc gia được phía Nhật Bản dàng cho ưu đãi về thương mại.
Trên thế giới có không ít người coi đấy là cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên, gắn nó với cuộc xung khắc thương mại mà tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt với nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ để luận ra xu thế này từ đó.
Biện pháp chính sách của ông Abe đối với Hàn Quốc đúng là có liên quan đến thương mại, nhưng không phải là bảo hộ thương mại như cuộc thập tự chinh của ông Trump. Hạn chế xuất khẩu không phải cấm, kiểm soát xuất khẩu không phải ngừng hoàn toàn. Đại diện chính phủ Nhật Bản cho biết, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong "Danh sách trắng" kia, có nghĩa là từ ngày 28/8 này, khi quyết sách mới nói trên của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực, Hàn Quốc bình đẳng với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại khác của Nhật Bản. Ảnh hưởng duy nhất đối với giới kinh tế Hàn Quốc là cần nhiều thời gian hơn để xử lý và hoàn tất các thủ tục hành chính và pháp lý ở Nhật Bản.
Nói theo cách khác, tác động của các quyết sách mới này của Nhật Bản về kinh tế và thương mại trên thực tế đâu có đáng kể gì. Mà đáng kể ở đây đối với cả hai bên là tác động chính trị đối nội và tâm lý.
Thể diện quốc gia và chủ nghĩa dân tộc
Chuyện quá khứ lịch sử xưa nay luôn vô cùng nhạy cảm về chính trị đối nội và tâm lý xã hội ở cả hai bên với ẩn hiệm tiềm tàng phía sau là chủ nghĩa dân tộc và biểu hiện ra bên ngoài là thể diện quốc gia. Nó đồng thời luôn gây rủi ro chính trị cho bất cứ ai thuộc phe cánh chính trị nào cầm quyền ở cả hai nước.
Nhưng trong chính trị quyền lực có một nguyên lý bất thành văn là ở đâu có rủi ro chính trị thì ở đó có cơ hội tận lợi rủi ro chính trị bởi chỉ cần xử lý ổn thoả rủi ro chính trị ấy thì phía cầm quyền sẽ chinh phục được sự tin cậy và ủng hộ của người dân. Cách quyền biến chính trị này được gọi ở nơi đây là mẫn cảm chính trị, ở chỗ kia là dân tuý chính trị - tuỳ theo cách nhìn nhận và lợi ích theo đuổi.
Ông Moon Jae-in lật lại thoả thuận giữa người tiền nhiệm và ông Abe năm 2015 và những quyết sách đáp trả của ông Abe đều trước hết vì nhu cầu đối nội mà cụ thể ở đây là chơi con bài chủ nghĩa dân tộc. Họ theo đuổi hai mục đích giống nhau với con bài này là tạo dựng sự đồng thuận chứ không để phân cực trên chính trường và trong nội bộ xã hội cũng như chủ động nắm giữ và chơi con bài chủ nghĩa dân tộc chứ không để cho phe cánh chính trị khác khai thác và tận lợi nó.
Ông Moon Jae-in còn dùng chuyện này để củng cố sự hậu thuẫn về chính trị xã hội của người dân và chính trường cho việc hoà bình, hoà giải và hoà hợp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Có thể thấy ở đây là chuyện quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản hiện không được ông Moon Jae-in coi trọng và ưu tiên bằng việc bình thường hoá quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên.
Vì thế, có lợi cho ông Moon Jae-in không phải là thoả thuận bằng mọi giá và nhanh nhất với Nhật Bản về giải pháp cho chuyện quá khứ lịch sử chung mà là việc duy trì mối bất hoà và đạt thoả thuận mới với Nhật Bản đáp ứng mọi yêu cầu của Hàn Quốc.
Ông Abe còn tranh thủ các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản để có được đủ hết cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để thực hiện ước vọng lớn là sửa đổi hoặc thay đổi hiến pháp hiện hành ở Nhật Bản.
Từ đó có thể thấy một nghịch lý là mối bất hoà này giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ còn dai dẳng nữa vì hai bên vừa chưa thể khắc phục được vừa chưa có nhu cầu cấp thiết phải giải quyết nhưng nó lại không ảnh hưởng tiêu cực đáng kể gì nhiều tới quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên cho dù không phải không có ảnh hưởng nào. Quan hệ hợp tác chính trị bị tổn hại nhiều hơn cả và cũng sẽ phủ bóng xuống liên minh quân sự của họ với Mỹ.
Đương nhiên, thực trạng này trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chẳng tốt lành gì cho sự hợp tác tay ba trên nhiều lĩnh vực giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Dịch Dung