Cận cảnh món cơm gà trứng hấp Oyakodon khiến thực khách kiên nhẫn xếp hàng. |
Oyakodon là món cơm gà trứng hấp kiểu Nhật Bản. Đây là một trong những món ăn có ý nghĩa về mặt tinh thần tại "xứ sở hoa anh đào", với nguyên liệu chính từ thịt gà, trứng với cơm.
Oyakodon lấy hình tượng thịt gà là cha mẹ, quả trứng mang ý nghĩa là đứa con, gợi lên hình ảnh cha mẹ và con cái gắn kết quây quần với nhau.
Món Oyakodon được nhà hàng Tamahide ở Tokyo tạo ra từ năm 1891 và gìn giữ cho tới ngày nay. Trải qua suốt 8 thế hệ duy trì, đến nay, món ăn vẫn được nhà hàng thực hiện với hương vị không khác gì ngày đầu.
Chủ sở hữu hiện tại của nhà hàng là ông Konosuke Yamada cho biết sẽ truyền lại cho con cháu mình kế tục món ăn này. Và đây cũng là món duy nhất nhà hàng phục vụ từ trước tới nay, nhưng thu hút lượng lớn người dân và du khách tới thưởng thức mỗi ngày.
Vào thời điểm giờ ăn trưa, ở khu vực trước cửa nhà hàng luôn có hàng dài thực khách kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt vào ăn. Thông thường, khách hàng phải chờ tới hơn 2 tiếng để vào thưởng thức món cơm thịt gà hấp trứng đặc biệt này. Nếu may mắn, bạn có thể tìm được chỗ ngồi sau khoảng nửa tiếng chờ đợi.
Theo lời giới thiệu của chủ nhân hiện tại cũng là thế hệ thứ 8 tại nhà hàng, món Oyakodon đơn giản là bát lớn đựng cơm trắng có phủ trứng với thịt gà phía trên. Độ ngon của món ăn phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của nguyên liệu.
Ông Yamada tiết lộ, nhà hàng sử dụng tủ lạnh đặc biệt chuyên để trữ thịt gà và loại tủ lạnh riêng để bảo quản trứng. Các đầu bếp ở đây chỉ lọc thịt gà theo cách truyền thống từ thời Edo (thế kỷ XVIII). Bí quyết gia truyền chỉ truyền cho các thế hệ trong nhà.
"Không phải lúc nào chúng tôi cũng làm chuẩn theo công thức của tổ tiên, nhưng hương vị món ăn vẫn luôn đảm bảo như xưa. Tinh thần cốt lõi của chúng tôi nằm ở từng bát cơm phục vụ khách. Đó mới chính là thứ chúng tôi lưu giữ và truyền lại thế hệ kế cận", ông Yamada nói.
Cũng theo chủ nhà hàng, họ không mở rộng kinh doanh để kiếm thêm lợi nhuận, bởi đó không phải là ưu tiên hàng đầu. "Tôi mong nhà hàng vẫn sẽ tồn tại trong 50 năm, 100 năm hay thậm chí 200 năm nữa", ông Yamada bày tỏ nguyện vọng.