Một khách đang xem hàng tại siêu thị Aeon ở Chiba, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nomura cho biết, ảnh hưởng từ việc kéo dài lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp hiện hành tại sáu tỉnh, thành là Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Osaka và Okinawa sẽ làm tổn thất khoảng 670 tỷ Yen (tương đương khoảng 6,09 tỷ USD).
Bên cạnh đó, tổn thất từ việc bổ sung thêm bảy tỉnh, thành phố khác vào diện ban bố tình trạng khẩn cấp là khoảng 560 tỷ Yen.
Như vậy, tổng thiệt hại từ các biện pháp tăng cường phòng dịch của Chính phủ Nhật Bản lần này vào khoảng 3.420 tỷ Yen, tăng hơn 60% so với thiệt hại ở thời điểm đầu ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư (2.190 tỷ Yen).
Một trung tâm nghiên cứu khác là Dai-ichi Life cũng ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản sẽ chịu tổn thất từ 750 tỷ Yen đến 1.200 tỷ Yen, trong khi Trung tâm chứng khoán Mizuho dự báo, mức thiệt hại trong khoảng từ 600 tỷ Yen đến 1.000 tỷ Yen.
Với việc bổ sung các địa phương, kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp và biện pháp phòng dịch tăng cường, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hạn chế lượng người đến các trung tâm thương mại, giảm một nửa lượng người mua sắm, đi lại tại các địa điểm đông đúc và đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến lĩnh vực tiêu dùng.
Ông Taro Saito, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Trung tâm nghiên cứu NLI cho rằng, khác với thời điểm mùa Xuân năm ngoái, các lĩnh vực khác ngoài tiêu dùng ít chịu ảnh hưởng từ việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Do đó, trong quý III/2021, lĩnh vực tiêu dùng của Nhật Bản được đự doán sẽ tiếp tục trì trệ.
Theo cuộc khảo sát Tankan hàng tháng do hãng tin Reuters tiến hành trong tháng này, niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong hơn ba năm rưỡi và niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ cũng chuyển sang vùng dương.
Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật Bản đang thoát khỏi “đám mây đen” từ đại dịch Covid-19.
Cụ thể, chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất đã tăng từ 25 điểm trong tháng Bảy lên 33 điểm trong tháng Tám, mức cao nhất kể từ tháng 1/2018. Còn chỉ số niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ -3 điểm lên 5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Khảo sát của Reuters đối với 503 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cho thấy các nhà quản lý đều lạc quan về triển vọng nhu cầu phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, do lượng đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm như hàng công nghệ cao từ nước ngoài.
Một nhà quản lý nhận định, sự bùng nổ của thị trường chất bán dẫn đang thúc đẩy nhu cầu đối với các vật liệu liên quan. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng xe hơi và các sản phẩm công nghiệp đang được hưởng lợi.