Năm 2015, du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng 53,94% so với năm 2014. Trong đó, đáng chú ý là khách Trung Quốc tăng đột biến 107,3%, Hong Kong tăng 64,6% và Việt Nam tăng 49,2%.
Ngành công nghiệp mũi nhọn
Đối với Nhật Bản, việc gia tăng lượng du khách ngoại quốc là điều đáng mừng, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước Mặt Trời mọc.
Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu thu hút được khoảng 20 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020, thời điểm diễn ra Olympic Tokyo. Tuy nhiên, trong năm 2015, lượng khách ngoại quốc đã vượt qua kỷ lục trước đây là 19.730.000 lượt người. Việc thu hút 20 triệu lượt du khách trong năm 2020 là điều trong tầm tay nên Nhật Bản xác định cần đề ra chính sách phát triển du lịch hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 30/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, du lịch là trụ cột của chiến lược tăng trưởng, là động cơ để GDP đạt 600.000 tỷ Yên (tương đương 5.000 tỷ USD). Trên cơ sở đó, hướng tới Olympic Tokyo sẽ diễn ra sau 4 năm nữa và những năm tiếp theo, quốc gia Đông Bắc Á này đưa ra mục tiêu mới, biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng mục tiêu hiện nay lên cao hơn nữa, cụ thể là 40 triệu và 60 triệu lượt khách du lịch lần lượt vào các năm 2020 và năm 2030.
Đây có thể là con số đầy tham vọng nhưng không phải là hoàn toàn không thực hiện được. Dự tính triển vọng tiêu dùng của khách du lịch ngoại quốc năm 2020 sẽ đạt 8.000 tỷ Yên, năm 2030 là 15.000 tỷ Yên.
Sẵn sàng trước thách thức
Tuy nhiên, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tăng nhanh cũng làm nảy sinh những vấn đề mới mà đất nước Mặt Trời mọc đang lưu ý và chuẩn bị những phương án ứng phó.
Tại các địa điểm du lịch, lượng khách tăng nhanh sẽ dẫn đến tình trạng thiếu xe du lịch và khách sạn. Du lịch trong nước của người Nhật đang có xu hướng tăng cũng sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt tương tự. Hơn nữa, mùa du lịch trong nước của người dân Nhật Bản thường rơi vào tháng Tư và tháng Mười, thời điểm có những kỳ nghỉ dài ngày. Đây là khoảng thời gian hoa anh đào nở và mùa lá đỏ, biểu tượng vẻ đẹp của Nhật Bản, nên cũng trùng với mùa du lịch đến đất nước này của khách nước ngoài. Khả năng có thể xảy ra là khi khách du lịch nước ngoài đến quá nhiều sẽ phần nào ảnh hưởng đến du lịch nội địa của người dân Nhật Bản.
Giới chức Nhật đang cân nhắc phương án biến các nhà cổ thành khách sạn cho du khách nước ngoài yêu thích văn hóa truyền thống Nhật Bản. Họ cũng dự định tận dụng các phòng trống trong nhà người dân làm phòng nghỉ cho những vị khách muốn giao lưu với người dân Nhật. Chính phủ Nhật cũng xem xét ban hành các luật cần thiết nhằm thúc đẩy phương thức ở trọ nhà người dân, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà nghỉ, tăng lượng khách du lịch đến các địa phương.
Đối với các tài sản văn hóa, Nhật Bản chuyển từ ưu tiên bảo tồn sang hướng tới du lịch, thúc đẩy đào tạo hướng dẫn viên biết nhiều ngôn ngữ. Đến năm 2020, trên toàn nước Nhật sẽ có khoảng 200 địa điểm du lịch văn hóa. Chính phủ nước này dự định triển khai áp dụng hàng không giá rẻ tại các sân bay địa phương, đồng thời đơn giản hóa thủ tục thị thực đối với 5 nước có đông khách đến Nhật Bản là Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.
Mặt khác, Nhật Bản nỗ lực giải quyết một số khó khăn hiện tại như nới lỏng quy chế nghiêm ngặt về cấp bằng lái xe bus, truy cập Internet không dây…
Bên cạnh đó, số du khách nước nước ngoài gia tăng có thể làm nảy sinh xung đột văn hóa giữa du khách và người dân bản địa. Bản thân người Nhật khi đi du lịch nước ngoài cũng từng gặp phải nhiều rắc rối do khác biệt văn hóa. Chính vì vậy, việc giải thích về văn hóa ứng xử bản địa là rất quan trọng để khách du lịch hiểu rõ về những khác biệt văn hóa và cảm thấy thoải mái hơn khi tìm hiểu về quốc gia này.