📞

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ngành cao su Việt Nam

15:15 | 23/02/2016
Sự ra đời của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su nhằm góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cao su Việt Nam.

Tiếp nối thành công của Dự án “Tạo lập hệ thống vòng khí thải cácbon với cao su thiên nhiên” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại, ngày 22/1, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố Quyết định số 3156/QĐ-ĐHBK-TCCB của Trường về việc thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su, nhằm góp phần vào sự phát triển hơn nữa của ngành công nghiệp cao su Việt Nam.

Ban giám đốc của Trung tâm gồm TS. Phan Trung Nghĩa và PGS. TS. Seiichi Kawahara, Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản.

Dự án “Tạo lập hệ thống vòng khí thải cácbon với cao su thiên nhiên” do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Bộ chủ quản và Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ dự án, với thời gian thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2016, và tổng vốn là 6,9 triệu USD.

Trong khuôn khổ Dự án, một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển thành công công nghệ loại bỏ protein là nguyên nhân gây dị ứng trong cao su tự nhiên, để sản xuất nguyên liệu chất lượng cao và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường do quá trình sản xuất cao su tự nhiên.

Mục tiêu tổng thể của Dự án là giảm thiểu lượng khí thải CO2 bằng việc thay thế cao su tổng hợp có nguồn gốc nguyên liệu hóa thạch bằng cao su tự nhiên và tạo ra một ngành công nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô, máy móc hoặc nhiên liệu thông qua ứng dụng của cao su chất lượng cao và polyme tính năng cao từ cao su tự nhiên.

Tham quan thực tế và trao đổi kinh nghiệm về mô hình bể chứa nước thải cao su áp dụng tại Trung tâm Công nghệ Cao su thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Bình Dương), tháng 1/2015.

Công nghệ mới do các chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản phát triển trong khuôn khổ Dự án sẽ làm tăng độ an toàn cho các sản phẩm cao su và đẩy mạnh việc sử dụng cao su tự nhiên thay thế cho cao su tổng hợp.

Dự án cũng thành công trong việc phát triển công nghệ xử lý nước thải từ các nhà máy sản xuất cao su, góp phần tích cực giảm thiểu khí nhà kính và thu hồi lại khí metan như một nguồn nhiên liệu. Đồng thời, enzim phân hủy sinh khối xenlulo với cao su để sản xuất đường và rượu cũng được các cán bộ nghiên cứu của dự án phân tách thành công.

Giờ đây, khi Dự án bước vào giai đoạn kết thúc, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su được thành lập để tiếp tục phát triển các công nghệ và thiết bị của Dự án. Ban giám đốc của Trung tâm gồm TS. Phan Trung Nghĩa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS. TS. Seiichi Kawahara, trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản.

Tất cả thiết bị được Nhật Bản viện trợ cho Dự án như máy cộng hưởng từ hạt nhân NMA, máy quang phổ hồng ngoại FT-IR, máy đo DMA, máy sắc ký gel GPC, các máy đo cơ tính cơ lý của cao su... đã được chuyển giao toàn bộ cho Trung tâm.