Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Matsuo ký công hàm trao đổi liên quan đến 4 dự án vốn vay cho hạ tầng |
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Theo thống kê của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam đã luôn đạt thặng dư thương mại hàng năm với Nhật Bản trong 5 năm qua, với thặng dư năm 2008 đạt 1,26 tỉ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều đã gia tăng nhanh chóng, từ khoảng 7 tỉ USD vào năm 2004 lên 16,8 tỉ USD năm 2008. Với việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) sắp tới, con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên.
Về đầu tư, “Sáng kiến chung Việt-Nhật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với quan điểm tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam” cùng với thỏa thuận đầu tư song phương (có hiệu lực vào tháng 12/2003), đã làm tăng mạnh mẽ dòng FDI Nhật Bản vào Việt Nam. Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cho thấy, kể từ tháng 6/2009, Nhật đứng thứ ba về các nguồn FDI, với 1.113 dự án lên tới 17,6 tỉ USD. Quan trọng hơn, do FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khu vực chế tạo, nên nó đã giúp thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới từ xe máy tới ôtô.
Trong khi Việt Nam có được những lợi ích đáng kể từ ODA, thương mại và FDI của Nhật Bản, thì Nhật Bản cũng đã tìm cách đạt được những lợi ích của mình trong mối quan hệ này.
Thứ nhất, với dân số gần 86 triệu người và một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam vừa là một thị trường sinh lợi tiềm năng vừa là một địa điểm sản xuất hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản. Theo cuộc điều tra năm 2008 do Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản tiến hành về các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các công ty chế tạo Nhật Bản, Việt Nam được xếp vào nước có triển vọng thứ ba (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và là điểm đến của nhiều khoản đầu tư mới của Nhật Bản. Việt Nam cũng được coi như một địa điểm tốt để đa dạng hóa rủi ro.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực và tài nguyên có khả năng đáp ứng được nhu cầu của Nhật Bản. Do dân số già và một tỷ lệ sinh khá thấp, Nhật Bản sẽ có khả năng phải gánh chịu một tình trạng thiếu hụt lao động đáng kể trong các lĩnh vực cần nhiều nhân công như chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Về điểm này, nhân công trẻ tuổi Việt Nam thích hợp để giúp lấp đầy khoảng trống lao động của Nhật Bản.
Thứ ba, với tư cách một thành viên ASEAN nằm ở vị trí chiến lược, Việt Nam có thể đóng vai trò như chiếc cầu nối cho Nhật Bản củng cố và nâng cao mối quan hệ của mình với khối này.
Hiện nay, Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến việc giúp đỡ phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vốn đang tụt xa so với những đối tác trong ASEAN như Thái Lan và Indonesia. Phát triển thành công các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ là chìa khóa để Việt Nam thăng tiến trên chiếc thang phát triển.
Nhật Bản cũng cố gắng giúp Việt Nam phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao như năng lượng hạt nhân và vũ trụ. Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm vũ trụ đầu tiên (Trung tâm vũ trụ Hòa Lạc) bằng khoản vay 350 triệu USD vốn ODA của Nhật Bản. Trung tâm này sẽ được hoàn thành vào năm 2017 và khi đó Việt Nam sẽ có khả năng sản xuất những vệ tinh nhỏ. Trong suốt quá trình này, Nhật Bản chuyển giao công nghệ không gian có liên quan của mình và giúp đào tạo nhân sự cho Việt Nam. Việt Nam chắc chắn sẽ được lợi từ sự hợp tác này do nhãn hiệu Nhật Bản nhìn chung là một cái tên đáng tin cậy trong lĩnh vực công nghệ trên thị trường thế giới.
Tiến Minh (Lược trích từ Asia Sentinel)