Trong báo cáo trình Quốc hội ngày 14/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách này không thay đổi so với danh sách dưới thời cựu Tổng thổng Barack Obama. Bộ trên kết luận không đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ để hưởng lợi bất hợp pháp từ hoạt động thương mại song phương. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ lành mạnh, tránh hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ dẫn đến bất bình đẳng trong phương mại đa phương cũng như đẩy mạnh các biện pháp thu hẹp thăng dư thương mại với Mỹ.
Đồng Nhân dân tệ. (Nguồn: Reuters) |
Với Nhật Bản, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã không can thiệp vào thị trường tiền tệ trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Washington cho rằng Tokyo cũng có thể linh hoạt can thiệp với một số trường hợp ngoại lệ, nhưng phải có sự tham vấn trước, phù hợp với cam kết trong nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi Bắc Kinh "nỗ lực hơn nữa trong việc minh bạch tỷ giá hối đoái, duy trì quản lý và mục tiêu đã đề ra". Washington thúc giục Bắc Kinh cam kết sẽ không hạ giá đồng nội tệ như giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa.
Bộ Tài chính Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về mức độ thặng dư thương mại giữa Mỹ với Đức và Hàn Quốc. Washington thúc giục Berlin, quốc gia sử dụng đồng Euro song không có quyền điều chỉnh giá trị, nâng giá đồng nội tệ mà theo Mỹ đánh giá có tỷ giá thấp hơn thực tế. Bộ trên lấy dẫn chứng về đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng đồng Won của Hàn Quốc đang ở giá trị thấp, yêu cầu Seoul áp dụng tỷ giá linh hoạt.
Đề cập đến đồng USD, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết giá trị đồng tiền này đều cao hơn so với các đơn vị tiền tệ của nhiều nước lớn và mới nổi trong 6 tháng cuối năm 2016. Điều này cũng đã được Tổng thống Donald Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn hôm 12/4 khi ông cho rằng đồng USD hiện ở mức quá cao so với giá trị thực và điều này có thể đe dọa nền kinh tế số một thế giới.
Đạo luật cạnh tranh và thương mại 1988 của Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính xác định xem những đối tác có thặng dư thương mại lớn có thao túng nội tệ nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước hay không. Nếu câu trả lời là có, Quốc hội Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, kể từ đó, thay vì cáo buộc Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi nước này thay đổi chính sách tiền tệ, một động thái được cho là mang tính ngoại giao hơn nhằm tránh gây ra các cuộc chiến thương mại không cần thiết với chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống Trump mới đây thừa nhận Trung Quốc không thao túng tiền tệ, trái ngược hoàn toàn với các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái. Ông Trump từng cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền.