“Miền đất hứa”
Watcharainthorn Khamkherd (23 tuổi), một quay phim tự do người Thái đã quyết định rời quê hương để lập nghiệp tại thành phố Beppu, phía Nam Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Đại học châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU), tháng 4/2018, Khamkherd đã cùng một người bạn cùng lớp người Việt thành lập một công ty chuyên sản xuất video quảng cáo cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn mở rộng thị trường tại các quốc gia châu Á.
“Hiện có rất nhiều công ty Nhật Bản muốn quảng bá sản phẩm của họ sang thị trường quốc tế. Công ty chúng tôi sẽ tạo ra những video quảng cáo bằng nhiều ngôn ngữ và thể hiện ý tưởng theo nhiều quan điểm khác nhau”, Watcharainthorn Khamkherd cho biết.
Khi châu Á trỗi dậy như một trung tâm tăng trưởng toàn cầu, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị thế cường quốc kinh tế bằng cách thu hút nguồn nhân lực trẻ từ khắp nơi châu Á đến lập nghiệp. (Nguồn: Nikkei) |
Không chỉ Khamkherd, rất nhiều lao động trẻ nước ngoài đã lựa chọn thành phố Beppu như một “bến đỗ mới” để gây dựng sự nghiệp thay vì trở về nước. Sự “thay da đổi thịt” của Beppu từ một đô thị nhỏ của Nhật Bản để trở thành một thành phố trẻ năng động là minh chứng rõ nét cho thấy sự thay đổi của đất nước Hoa anh đào.
Khi châu Á trỗi dậy như một trung tâm tăng trưởng toàn cầu, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị thế cường quốc kinh tế bằng cách thu hút nguồn nhân lực trẻ từ khắp nơi châu Á đến lập nghiệp.
Lao động nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trẻ đang thực sự góp phần giúp “đảo ngược” đà suy giảm kinh tế của Nhật Bản. Người dân đất nước này không còn lạ lẫm với sự xuất hiện của các lao động nước ngoài. Họ chào đón các sinh viên châu Á đến sinh sống như những người hàng xóm, đến nhà hàng, khách sạn và siêu thị như những người làm việc bán thời gian…Khi các sinh viên này tốt nghiệp, họ có thể đến các doanh nghiệp địa phương để làm việc, thậm chí có thể được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo nếu thực sự có tài năng.
Sự thay đổi này được cho là đến từ các chính sách mở cửa lao động nước ngoài do chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng. Từ năm 2012, khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức, đến năm 2017, số lượng lao động nước ngoài đã tăng vọt từ 0,7 triệu lên tới 1,3 triệu, chủ yếu thông qua các chương trình thực tập sinh.
Năm 2017, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chương trình “thẻ xanh Nhật Bản”, cấp quyền định cư lâu dài cho người lao động nước ngoài có tay nghề cao trong vòng 1 năm. Chương trình đã thu hút nhiều kỹ sư công nghệ thông tin, nhà đầu tư và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới, góp phần giúp Nhật Bản giữ vững ngôi vị là một trung tâm toàn cầu về tài chính và công nghệ.
Tháng 12/2018, Nhật Bản đã thông qua dự thảo luật về mở cửa đón thêm lao động phổ thông nước ngoài trong những ngành đang thiếu nhân công nghiêm trọng ở Nhật Bản. Theo đó, những lao động này sẽ được cấp thị thực để làm việc trong 14 ngành được chọn lựa trong thời gian tối đa 5 năm, miễn là họ có thể chứng minh mình đủ năng lực làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, họ sẽ không được phép đưa gia đình đến định cư tại Nhật Bản.
Các công nhân từ Myanmar đang làm việc tại một nhà máy tại Osaka (Nhật Bản). (Nguồn: Nikkei) |
Theo các chuyên gia kinh tế, những lao động trẻ có khát vọng và chăm chỉ từ khắp châu Á đến Nhật Bản sẽ tạo nên “nguồn sống mới” cho rất nhiều ngành đang lâm vào tình cảnh khát nhân lực tại Nhật Bản, điển hình là nông nghiệp và xây dựng.
Không chỉ góp phần duy trì và phát triển các ngành công nghiệp của Nhật Bản mà nó còn khuyến khích nhiều doanh nghiệp nước này nhìn xa hơn, trong khi thị trường nội địa đang dần bị thu hẹp.
“Sự xuất hiện ngày càng nhiều lao động nước ngoài trẻ tuổi, có mục tiêu rõ ràng và lòng can đảm đã tạo nên một môi trường làm việc tích cực và truyền cảm hứng tại nhiều công ty”, Susumu Nagahashi, Giám đốc Hiệp hội Hợp tác xã kinh doanh MEC, một tổ chức chuyên tuyển dụng các lao động nước ngoài cho các doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo và những khu vực lân cận nhận định.
Gây nhiều tranh cãi
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia rất chặt chẽ trong vấn đề nhập cư. Từ lâu, nhập cư bị xem như một vấn đề “cấm kỵ” ở Nhật Bản, bởi nhiều người nước này đề cao tính thuần nhất dân tộc. Những chính sách mở cửa cho lao động nước ngoài mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra vì thế không tránh khỏi nhiều tranh cãi.
Các đảng đối lập cho rằng, việc cho phép ồ ạt lao động nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động, gây sức ép lên các dịch vụ phúc lợi và dẫn tới tỷ lệ tội phạm cao hơn. Theo thống kê, đã có hơn 100 lao động nước ngoài tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến công việc trong vòng10 năm qua tại Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, lao động nước ngoài sẽ giúp đưa Nhật Bản trở lại đường đua tăng trưởng ổn định. (Nguồn: Japan Times) |
Trước sức ép của phe đối lập Thủ tướng Shinzo Abe vẫn kiên định với những chính sách của mình vì cho rằng lao động nước ngoài sẽ giúp đưa Nhật Bản trở lại đường đua tăng trưởng ổn định. Nền kinh tế nước này đã giảm 2,5% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2018 do mất đà và lạm phát. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 của Chính quyền ông Abe là đạt tăng trưởng GDP 600 nghìn tỷ Yên (hơn 5.000 tỷ USD) từ 500 nghìn tỷ Yên hiện nay dường như vẫn nằm ngoài tầm với.
Frederic Neumann, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hong Kong bình luận: “Tăng lực lượng lao động nước ngoài ngay cả khi đó là lao động bán thời gian cũng rất quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và giải quyết một số thách thức cơ cấu đối với nền kinh tế, bao gồm nợ công cao và lạm phát thấp liên tục”.
Bất chấp những nỗ lực từ phía chính quyền, tình trạng thiếu lao động trầm trọng vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Theo cơ quan thống kê Nhật Bản, tháng 9/2018, tỷ lệ người tìm việc làm tại Nhật Bản chỉ đạt 1,64, nghĩa là trong 164 công việc thì chỉ có 100 ứng viên. Đây được xem là tỷ lệ thấp nhất trong 44 năm qua.