Du khách Trung Quốc đang tập Gujo Hachiman, một điệu nhảy truyền thống ở Nhật Bản. |
Từ ngày 1/7, tiêu chuẩn cấp thị thực du lịch cá nhân cho người Trung Quốc từ mức thu nhập 250.000 nhân dân tệ (khoảng 37.000 USD) đã giảm còn 60.000 nhân dân tệ. Đồng thời, số lãnh sự quán Nhật ở Trung Quốc chấp nhận đơn xin cấp thị thực tăng từ ba lên bảy.
Động thái này nhằm mở rộng khả năng cấp thị thực du lịch cho du khách Trung Quốc từ tầng lớp cao cấp đến trung lưu. Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong tháng 5/2010, khoảng 110.000 người Trung Quốc đã đến Nhật Bản để kinh doanh hay du lịch, tăng 86% so với đầu năm, khi Nhật Bản bắt đầu ban hành thị thực khách du lịch cá nhân Trung Quốc.
Ông Kato Yoshikazu, nhà văn người Nhật định cư ở Bắc Kinh cho biết, Nhật Bản, vốn không nổi tiếng về sự mở cửa ra bên ngoài, đã buộc phải chào đón nhiều du khách Trung Quốc hơn bởi chi tiêu của họ sẽ có lợi cho tình trạng giảm phát trầm trọng, sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa và vấn đề nợ công ở nước này. Theo ông, chính sách trên có thể giúp Nhật đạt được mục tiêu 25 triệu lượt du khách nước ngoài đến năm 2020.
Đối với du khách Trung Quốc, mua sắm là hoạt động đầu tiên và phổ biến nhất trong kỳ nghỉ ở Nhật. Yang Man, một nhân viên ngân hàng 32 tuổi đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch lần thứ hai tới Nhật Bản. Mục tiêu mua sắm của cô là các mặt hàng điện tử với chất lượng vượt trội và sự đa dạng, hiện đại của hàng tiêu dùng.
Nhiều tờ báo đã đề cập việc du khách Trung Quốc tiêu tiền ở các quận mua sắm Nhật Bản hơn là các trung tâm du lịch. Tờ The Wall Street Journal cho biết du khách Trung Quốc tới Nhật Bản ngày nay giống như người Nhật tới Manhattan và Honolulu vào cuối thập niên 1980. Hãng tin AP trích lời Kouichi Ueno, Giám đốc bộ phận quảng bá du lịch quốc tế của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho rằng nhu cầu du lịch nước ngoài của nhà giàu Trung Quốc đang bùng nổ.
Ông Mashatoshi Nitta, giám đốc bán hàng của trung tâm thương mại Mitsukoshi tại Ginza, Tokyo nhận xét: Người Trung Quốc không ngại phô trương sự giàu có và đối với họ, mua các sản phẩm cao cấp ở Ginza là một việc làm thể hiện đẳng cấp.
Trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già đi, Tokyo nhận thức rõ nền kinh tế đang ốm yếu của mình sẽ càng phải phụ thuộc vào mức tiêu dùng của du khách “ngoại”, đặc biệt là Trung Quốc - những người sẵn sàng bỏ ra cả núi tiền để sở hữu những mặt hàng tên tuổi. Trong lúc tổng số du khách quốc tế tới Nhật Bản giảm 19% trong 2009 vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp du khách duy nhất duy trì sự tăng trưởng (tăng 0,6%, 1 triệu người). Còn trong 5 tháng qua, Trung Quốc chiếm 17% trong tổng số 3,5 triệu du khách quốc tế còn Mỹ 8% và Anh 2%. Một cuộc khảo sát do tổ chức du lịch của Nhật Bản cho thấy khả năng mua sắm của du khách Trung Quốc ở Nhật vào khoảng 1.300 USD mỗi người, vượt xa du khách đến từ Mỹ và châu Âu.
Với dự báo khoảng 1,5 triệu khách du lịch Trung Quốc sẽ đến Nhật trong năm nay, các hãng bán lẻ Nhật có cơ hội chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Tại trung tâm mua sắm Akihabara, các cửa hàng đã trưng biển hiệu bằng tiếng Trung, thậm chí còn thuê nhân viên nói tiếng Trung thành thạo.
Một số nhà phân tích cho rằng du khách Trung Quốc cũng nên cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch bằng việc quan tâm hơn đến cảnh sắc, văn hóa Nhật Bản cũng như công nghệ bảo vệ môi trường tiên tiến, chứ không đơn thuần là mua sắm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tăng cường biện pháp khuyến khích du khách Trung Quốc trở lại Nhật Bản nhiều lần vẫn là việc phải làm của Chính phủ Nhật Bản, như lời kêu gọi của ông Kouichi Ueno, “Chúng ta cần phải làm cho họ tò mò về Nhật Bản, chúng ta muốn họ đi thêm nhiều nơi khác ngoài Tokyo và tiêu nhiều tiền”.
Hồng Phúc (Theo China Daily, AP)