Các đại biểu tham dự sự kiện ‘Bữa sáng Ruy băng trắng’ nhằm nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm giới của các cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân và các bên liên quan khi thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ việc bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn: UN Vietnam) |
Ngày 2/12, ‘Bữa sáng Ruy băng trắng’ lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm giới của các cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân và các bên liên quan khi thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ việc bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Sự kiện do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giao Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), đồng tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán. luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Công an, Tòa án nhân dân, đại diện các bộ, ngành, Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội và các cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ Đại học Kiểm sát Hà Nội và các cơ quan Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tố tụng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà mỗi kiểm sát viên, mỗi người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân cần phải thực hiện trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
Thực tế hiện nay, ở Việt Nam vẫn có những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực hoặc xâm hại mà chưa thể lên tiếng hay chưa được bảo vệ một cách xứng đáng. Bởi vậy, chung tay bảo vệ những đối tượng yếu thế này trong các vụ án bạo lực là trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân, cũng như của cả cộng đồng.
Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, hơn 90% người từng bị chồng/bạn tình bạo lực về thể xác/bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước hoặc các cơ quan chức năng khác và 50% trong số họ không chia sẻ với ai về việc mình bị bạo lực.
Theo nghiên cứu Xét xử tội hiếp dâm của UN Women, UNODC và UNDP thực hiện với một số quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam năm 2017, trong số 10% các vụ việc bạo lực với phụ nữ tiếp cận với hệ thống tư pháp hình sự, chỉ có 1% là đi đến cùng trong quá trình tố tụng.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, trên thực tế, các số liệu mà chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Để tạo ra một môi trường có sự nhạy cảm, không định kiến, an toàn và khuyến khích người bị bạo lực lên tiếng và tố cáo đòi hỏi người có thẩm quyền tố tụng phải có hiểu biết, nhạy cảm giới, tạo niềm tin cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em.
Trong phần thảo luận bàn tròn với đại diện Viện kiểm sát, luật sư và các chuyên gia tại sự kiện, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: "Quá trình tố tụng, xét xử các vụ việc bạo lực cần lấy phụ nữ, trẻ em bị bạo lực là trung tâm, ưu tiên sự an toàn và nhu cầu thực tiễn của họ.
Đồng thời các dịch vụ hỗ trợ bao gồm công an, tư pháp, y tế, công tác xã hội cần có sự điều phối nhịp nhàng, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng của người bị bạo lực”.
‘Bữa sáng Ruy băng trắng’ là hoạt động lấy cảm hứng từ Chiến dịch toàn cầu Ruy băng trắng nhằm kêu gọi sự tham gia của nam giới trong việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Sự kiện được tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2015 và đến nay đã trở thành sự kiện thường niên thu hút sự tham gia đông đảo của nam giới đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi trong xã hội.
Chương trình ‘Bữa sáng Ruy băng trắng’ năm nay là một trong hàng trăm sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới (15/11-15/12).