Gần đây, người ta thường nói đến một khái niệm, đó là “mặt bằng giá mới” khi hàng loạt các mặt hàng thiết yếu từ giá thuê nhà, điện nước, xăng dầu, thóc gạo, thịt cá... tăng cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc với mức thu nhập cũ, lương không tăng thì người lao động sẽ phải sống với mức thấp hơn.
Chị Nguyễn Hồng Hà, nhân viên văn phòng của một công ty tư nhân cho biết: Lương của tôi hiện nay là 1,2 triệu, ngoài ra không có khoản thu nhập gì khác. Cộng cả hai vợ chồng là 3,5 triệu.
Trong khi đó số tiền chúng tôi phải chi một cách tằn tiện cho thuê nhà, xăng xe, điện thoại, ăn uống, sữa cho con đã lên đến 4 triệu, đó là chưa kể đến hiếu hỷ, quần áo... Nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ lâm vào tình trạng “khủng hoảng”. Vì thế tôi đã quyết định tìm kiếm một công việc mới với mức thu nhập cao hơn. Thay đổi cũng là cách tự làm mới mình mà.
Không riêng gì chị Hồng Hà, đó là suy nghĩ và tình cảnh chung của rất nhiều người lao động, đặc biệt là những lao động trẻ khi chưa ổn định về kinh tế. Để đối phó với bài toán thu chi, họ buộc phải nghĩ đến cách “xê dịch” đến vùng đất nào màu mỡ hơn. Theo một khảo sát xã hội học, có đến 60% người lao động cho biết họ đã thay đổi từ 1-5 chỗ làm trong vòng từ 3-5 năm.
Nguyên nhân chính vẫn là tiền lương thấp, chính sách đãi ngộ ít. Trần Anh Tuấn, tốt nghiệp ĐH Bách khoa trong 5 năm anh đã đổi 6 chỗ làm và theo anh thì sau mỗi lần thay đổi công việc thường tốt hơn, thu nhập cao hơn và bản thân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực “săn việc” hơn.
Khu vực có người lao động bỏ việc nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, gần đây, khu vực được coi là ổn định nhất là khối doanh nghiệp Nhà nước cũng xảy ra tình trạng người lao động viết đơn xin nghỉ việc. Lý giải của Nguyễn Ngọc Anh, giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế sẽ phần nào cho bạn hiểu được nguyên nhân của tình trạng này: Giảng viên là công việc mơ ước của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ.
Tuy nhiên sau 4 năm làm việc, tôi chỉ thấy “có danh mà không có thực”, thu nhập thấp hơn nhiều lần bạn bè cùng lứa, sống một cuộc sống chật vật với đồng lương còm cõi. Như thế có thể gọi là “sướng” không? Vì vậy, tôi đã quyết định tìm một cơ hội khác bằng cách thi tuyển vào Ngân hàng Nhà nước. Và giờ thì tôi đang vô cùng hạnh phúc và thỏa mãn với công việc hiện tại dù mới chỉ là nhân việc thử việc. Trong tương lai, thu nhập của tôi chắc chắn cũng sẽ không thua kém bạn bè.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì hiện tượng nhảy việc lại là một biểu hiện tốt của nền kinh tế thị trường khi mà chất lượng của nguồn nhân lực đang được định giá lại. Những người thích nhảy việc rất năng động, không ngại khó khăn. Đây cũng là tuýp người sẵn sàng chấp nhận thử thách mới, dễ hòa nhập và có khả năng điều chỉnh để phù hợp với môi trường làm việc khác nhau.
Một người có tay nghề cao, một nhân viên có năng lực luôn có quyền đòi hỏi một chỗ làm tốt với mức thù lao cân xứng và với cơ hội thăng tiến. Còn một người không có khả năng thì sẽ bị đào thải ngay, chứ không giống như thời quan liêu bao cấp, đã xin vào được cơ quan Nhà nước rồi thì cứ yên vị mãi, không có chuyện ra, dù anh chỉ là người vô dụng.
Song với các những người làm công tác nhân sự tại các công ty thì lại tỏ ra thất vọng. Họ cho rằng khi nhận sinh viên mới ra trường, họ phải bỏ công đào tạo, chưa cống hiến được gì thì đã bỏ đi, không cần suy nghĩ gì cả. Như vậy, người lao động rất dễ làm mất lòng tin của các công ty cũng như những nhà tuyển dụng trong việc tuyển các sinh viên khác mới ra trường sau này.
Tuy nhiên, suy cho cùng đây cũng là cách tự quyết định lấy số phận của cá nhân mỗi người trong lao động và hưởng thụ. Cũng vì thế, việc dịch chuyển lao động tay nghề cao từ khu vực sản xuất này sang khu vực sản xuất khác là đúng quy luật và hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Câu chuyện còn lại là vấn đề giữ cán bộ của từng cơ quan, đơn vị và của Nhà nước.
Theo ANTĐ