📞

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng

15:51 | 09/10/2024
Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) một lần nữa nhấn mạnh việc nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.
Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Thu hút FDI tích cực, khả quan

Xu hướng tích cực hơn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng rõ nét, khi số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 9 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, riêng tháng 9/2024, con số là hơn 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 9 tháng. Đây con số khá ấn tượng trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu đang chậm lại do ảnh hưởng của biến động địa chính trị toàn cầu và sự thiếu vắng của các dự án quy mô lớn.

Dễ hiểu vì sao con số của tháng 9 tích cực như vậy. Đây chính là thời điểm, nhiều địa phương, như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… chính thức công bố Quy hoạch tỉnh, kết hợp với hoạt động xúc tiến đầu tư. Tại các sự kiện này, nhiều dự án đã được trao chứng nhận đầu tư mới và mở rộng. Do vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký, hay tính riêng vốn đầu tư tăng thêm đều đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 9/2024, có 3 dự án điều chỉnh vốn lớn, góp phần đưa tổng vốn đầu tư tăng thêm trong 9 tháng lên hơn 7,64 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ.

Lớn nhất trong 3 dự án này là dự án tăng vốn thêm 998 triệu USD, để nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 1,066 tỷ USD tại Bắc Ninh. Đây là dự án trong lĩnh vực bất động sản và là dự án tỷ USD thứ hai trong năm nay “cập bến” Việt Nam, bên cạnh dự án tăng vốn 1,07 tỷ USD của nhà sản xuất bán dẫn Amkor.

Ngoài dự án trên, trong tháng 9/2024, Công ty Công nghệ chính xác Luxcase cũng được tỉnh Nghệ An chấp thuận tăng vốn thêm 299 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 473 triệu USD. Trong khi đó, Công ty Lốp Advance Việt Nam ở Tiền Giang cũng tăng vốn thêm hơn 227 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 615 triệu USD. Đặc biệt, Dự án của Luxcase mới được cấp chứng nhận đầu tư vào đầu năm nay, với vốn đầu tư ban đầu 24 triệu USD, nhưng đã 2 lần tăng vốn để đạt con số gần nửa tỷ USD.

“Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây.

Trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều này cũng một lần nữa được khẳng định. Không chỉ vốn đăng ký tăng khá tích cực, mà vốn giải ngân cũng vậy. Trong 9 tháng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Hướng đến mục tiêu 39-40 tỷ USD

Không chỉ là con số, “điểm sáng” thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn nằm ở các dự án trong những lĩnh vực công nghiệp tiên phong. Tức là, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày một cải thiện.

Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài một lần nữa nhấn mạnh việc nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.

Ngoài dự án tăng vốn của Amkor, còn có thể “điểm danh” hàng loạt dự án trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Tập đoàn Foxconn, vốn đầu tư 383,3 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh, vốn đầu tư 280 triệu USD; Dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam, vốn đầu tư 260 triệu USD…

Các động thái gần đây cũng cho thấy, nhiều tập đoàn công nghệ đang tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Một trong những thông tin đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như NVIDIA, Qualcomm, Intel, AMD, Samsung, Meta… tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.

Tại sự kiện này, lãnh đạo các tập đoàn cam kết đầu tư và hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo. Theo Phó chủ tịch cấp cao toàn cầu Tập đoàn NVIDIA Raymond Teh, NVIDIA sẽ giúp tăng tốc đổi mới trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta Nick Clegg cho biết, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất tại Việt Nam vào năm 2025. Việc này được kỳ vọng tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Samsung cũng lên kế hoạch đầu tư tiếp 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình LED ở Bắc Ninh.

Khi các kế hoạch này được hiện thực hóa, một dòng vốn lớn sẽ đổ vào Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam sẽ đạt mức tương đương năm ngoái, khoảng 39-40 tỷ USD. Không chỉ là về số lượng, mà chất lượng dòng vốn cũng sẽ được nâng cao, góp phần “nâng chất” nền kinh tế.

Thông tin cho biết, sau một thời gian đi vào hoạt động, mới đây, Amkor đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Trong khi đó, Foxconn cũng đang xúc tiến việc sản xuất iPad và Macbook tại nhà máy ở Bắc Giang.

Trong một báo cáo gần đây gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Foxconn cho biết, một số dây chuyền lắp ráp hai sản phẩm này của Apple đã hoàn thành. Như vậy, nhiều khả năng, khi các thủ tục về môi trường hoàn tất, các nhà máy sẽ bắt tay vào sản xuất.

Hiện nay, mục tiêu của Việt Nam vẫn là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực mới của nền kinh tế.

(theo Báo Đầu tư)