TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân bình tĩnh, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 | |
Phòng, chống dịch Covid-19 và những quà tặng ấm tình |
Bệnh viện Bạch Mai được coi là ổ dịch lớn tại Hà Nội. (Nguồn: Dân trí) |
Chiều 28/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, UBND TP Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về các biện pháp dập ổ dịch ở cơ sở y tế này.
Đến tối 28/3 đã có 12 ca mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Theo nhận định của các chuyên gia, con số này sẽ tăng trong những ngày tới. Bệnh viện Bạch Mai được xác định là một trong những ổ dịch có nguy cơ cao nhất nước trong thời điểm này.
“Chúng ta phải tập trung lực lượng của Bộ Y tế, của TP Hà Nội, của Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan liên quan để dập được ổ dịch này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Có thể có nhiều nguồn lây nhiễm
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết các chuyên gia dịch tễ học đã theo dõi rất sát và phân tích ngày đêm để tìm ra đường lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai.
“Ban đầu chúng tôi tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế, nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm thì thấy chưa thuyết phục. Đã có dấu hiệu của đường lây nhiễm thứ hai từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp, chúng tôi thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần vào bệnh viện. Cụ thể một công ty cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 5 người nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.
Bên cạnh đó, còn có nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, những người này di chuyển qua các bệnh viện. Theo chuyên gia, nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong bệnh viện và những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất lớn. Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà các bệnh viện khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại. Vì thế, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh.
Vì thế, Thứ trưởng đề nghị người dân cung cấp thông tin về tất cả những người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12/3 để tiến hành khai báo và kiểm soát.
Một công việc vô cùng quan trọng để khoanh vùng và ngăn chặn dịch lây lan là phải lập được danh sách những người đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 đến nay. Trong đó gồm: danh sách bệnh nhân, nhân viên y tế, sinh viên y thực tập, các cán bộ y tế học tập trao đổi kinh nghiệm… Nguồn cung cấp thông tin là từ Bệnh viện Bạch Mai, từ hệ thống y tế cơ sở của Hà Nội và các tỉnh, thành; những đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ vào bệnh viện.
Từ đó, kết hợp với điều tra dịch tễ học để phân loại các nhóm cần cách ly tập trung và xét nghiệm ngay, nhóm cách ly tại gia đình và được theo dõi y tế…
Đầu số riêng cho những ai từng đến Bệnh viện Bạch Mai
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ cung cấp một số điện thoại 8889 để những ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc bất kể ai biết thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian nêu trên có thể nhắn tin phản ánh. Số 8889 đi vào hoạt động từ 7h sáng 29/3.
Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang hoạt động trong trạng thái cách ly. (Nguồn: Dân trí) |
Bệnh viện vẫn hoạt động trong trạng thái cách ly
Từ sáng 28/3, Bệnh viện Bạch Mai không tiếp nhận bệnh nhân mới, các cán bộ, nhân viên y tế đang ở trong bệnh viện được cách ly tập trung tại bệnh viện. Các bệnh nhân đang nằm trong bệnh viện sẽ tiếp tục được điều trị. Trường hợp được điều trị khỏi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về dịch tễ mới được xuất viện.
Các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo cũng được tiếp tục điều trị. Bệnh viện Bạch Mai sẽ hướng dẫn và có quy chế đối với các bệnh nhân này để họ tự cách ly tại nơi cư trú trong thời gian có dịch, thực hiện khai báo y tế bắt buộc theo quy định của TP Hà Nội để giám sát việc di chuyển, đảm bảo tránh mọi nguy cơ bị lây nhiễm hoặc để lây nhiễm trong cộng đồng.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị tạm dừng các dịch vụ hiện có tại Bệnh viện Bạch Mai, trừ dịch vụ tang lễ. Nếu có bệnh nhân tử vong tại bệnh viện thì thực hiện tang lễ theo đúng quy định trong thời điểm có dịch, mỗi đám tang không nên có quá 20 người tham dự.
Các y bác sỹ đang làm việc tại Bạch Mai cũng đồng thời thực hiện chế độ cách ly tập trung trong bệnh viện. Trong trường hợp cần thiết phải thay, thì những cán bộ, nhân viên y tế vào thay cũng thực hiện cách ly tập trung như vậy. Nếu có cán bộ, nhân viên y tế cần nghỉ ngơi thì họ có thể được ra ngoài, nhưng phải nghỉ ngơi trong cơ sở cách ly tập trung.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam việc dập được các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lan vào cộng đồng. Việt Nam đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054.
“Hiện chúng ta có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddah ở TP HCM và Bệnh viện Bạch Mai. Trong những ngày qua UBND TP Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận 174 ca mắc Covid-19. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, thêm 3 ca mắc mới, số bệnh nhân Covid-19 liên quan đến ổ dịch này được xác nhận là 12 trường hợp. Trong đó 2 điều dưỡng y tế, con gái một điều dưỡng, 2 bệnh nhân, 3 người làm công khu dịch vụ, 4 người vào chăm bệnh nhân mắc Covid-19.
Trước những diễn biến mới ở ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký công điện khẩn yêu cầu UBND các quận huyện, Giám đốc Công an Hà Nội và các sở ngành liên quan thực hiện các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cụ thể, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên thành lập tổ công tác để tiến hành rà soát tất cả các trường hợp nội trú của Bệnh viện Bạch Mai đã ra viện, bệnh nhân ngoại trú đến khám điều trị, người đến thăm, chăm sóc bệnh nhân, sinh viên, học sinh thực tập tại bệnh viện từ ngày 10/3 đến nay. Ngoài ra, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên rà soát cả các y bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai cư trú hoặc tạm trú tại các xóm trọ trên địa bàn và các đối tượng khác liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi rà soát các đối tượng trên, UBND các quận huyện, thị xã phải lập tức ra quyết định cách ly y tế theo quy định. Đồng thời phối hợp với Trung tâm y tế địa bàn lấy mẫu bệnh phẩm với trường hợp cần thiết để xét nghiệm. |
| Cập nhật 19h ngày 28/3: Thế giới vượt 600.000 ca nhiễm Covid-19, nhiều nước tiếp tục siết chặt biện pháp phòng dịch TGVN. Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam, số trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn ... |
| Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 174 TGVN. Tối 28/3, Bộ Y tế thông báo có thêm 5 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 174 ... |
| Dịch Covid-19: Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam TGVN. Thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam trong tình hình dịch ... |