Nhỏ Bình thường Lớn

Nhiều nhân tài thì sẽ có thiên hạ

Hơn 16000 công chức xin thôi việc nên được hiểu là quá trình trao đổi tuần hoàn máu bình thường. Nhưng nếu chiều hướng gia tăng và tập trung vào nhân sự giỏi, các cấp lãnh đạo cần đặt câu hỏi tại sao.

Làm quan cũng chỉ là một nghề

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: ”Một người làm quan, cả họ được nhờ” thể hiện rõ nét tính ưu việt  của việc tham gia vào công việc triều chính hay bộ máy quản lý, điều hành công quyền thở trước. Chữ “nhờ” ở đây có thể mang ý nghĩa vật chất rất cụ thể mà đôi khi chỉ là  sự “thơm lây”  về  tinh thần.

Cũng giống Việt Nam, trong tâm tư của người dân Châu Á truyền thống việc được tiếp nhận vào hàng ngũ phục vụ cho bộ máy cai trị là một vinh dự to lớn và một sự bảo đảm tốt về địa vị kinh tế- chính trị- xã hội. Người ta đua nhau thi cử để ra làm quan và nghề làm quan đã trở thành mục tiêu tối thượng của cả xã hội vì nó có thể hứa hẹn nhiều thứ, từ quyền lực, danh giá cho tới tiền tài và sự kính trọng.

Tuy nhiên lịch sử cũng chứng kiến nhiều trường hợp dám hy sinh quyền lợi cá nhân, dũng cảm “ trao ấn, từ quan” để lui về ở ẩn. Thông thường đó là thái độ phản kháng một cách bất lực của những vị quan thanh liêm trước thế  sự triều đình  suy vong, thối nát, tham nhũng tràn lan, bọn gian thần lộng hành vơ vét, muôn dân cực khổ còn vua chúa thì nhu nhược hoặc rất bạo tàn. Chu Văn An là một trong nhiều trường hợp tương tự  trong lịch sử nước nhà.

Đối với xã hội phương Tây từ thời Đế chế La mã Roma và sau này là thời kỳ Phục hưng do những điều kiện lịch sử đặc thù đã hình thành sớm hơn Châu Á rất nhiều một hình thái phát triển kinh tế- xã hội khác, mà trong đó, con người với tư cách là các cá nhân được hưởng những quyền công dân, bao gồm quyền tư hữu tài sản và một số quyền tự do khác được pháp luật bảo vệ.

Kinh tế thị trường và xã hội dân sự bởi vậy đã có đất để bén rễ và phát triển mạnh mẽ. Thương mại và sản xuất công nghiệp dần dần trở thành động lực chính của tiến bộ xã hội. Người dân ngoài cơ hội lấy bằng cấp để ra phục vụ chính quyền còn có nhiều lựa chọn khác nữa trong kinh doanh, thương mại và công nghiệp  tư nhân, do vậy mà khái niệm làm quan chỉ mang một ý nghĩa bình đẳng như mọi ngành nghề khác trong sự phân công lao động xã hội, không hơn không kém.

Sau những năm xóa bỏ bao cấp để tiến hành công cuộc Đổi mới, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường và đặc biệt với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO vào năm 2006 cục diện kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những chuyển biến tích cực về cơ cấu và định hướng phát triển.

Nền kinh tế ngày càng mang đậm dấu ấn của những nhân tố mới phát triển rất năng động đó là kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Người lao động lần đầu tiên có nhiều cơ hội để lựa chọn giữa “làm quan” trong khu vực nhà nước hay “làm giàu” và thử tài kinh doanh trong  hai khu vực mới mẻ này.

Ngoài ra, do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào quá trình phân công lao động quốc tế và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu nên lao động của chúng ta còn có nhiều cơ hội làm ăn ở hầu như khắp nơi trên thế giới. Số lượng kiều hối có chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước được gửi về nước góp phần xây dựng quê hương và giúp đỡ gia đình là một minh chứng thuyết phục cho nhận định này.

Nhận dạng các nhu cầu tự nhiên

Giờ đây các nhà hoạch định chính sách lao động và giáo dục ở nước ta (cả khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh) đã phải tính đến việc đáp ứng các nhu cầu phát triển toàn diện của nguồn nhân lực một cách khoa học và hiệu quả nhất. Theo xu hướng này người ta thường tham khảo thang bậc nhu cầu của A. Maslow – một  học thuyết đỉnh cao trong việc nhận dạng các nhu cầu tự nhiên của con người.

Theo thuyết của A. Maslow, nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc khác nhau từ “đáy” lên tới ”đỉnh”, phản ánh mức độ “thiết yếu” của nó đối với sự tồn tại và phát triển của con người vừa là một sinh vật tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội. Cấp độ thấp nhất và thiết yếu nhất là nhu cầu thể chất hay thể xác của con người như nhu cầu ăn, mặc, ở, sinh lý…

Cấp độ tiếp theo là nhu cầu an toàn hay nhu cầu được bảo vệ. An toàn về tính mạng và an toàn về tài sản. Cao hơn nhu cầu an toàn là nhu cầu quan hệ như quan hệ giữa người với người, quan hệ con người với tổ chức hay quan hệ giữa con người với tự nhiên. Con người luôn có nhu cầu yêu thương gắn bó và cấp độ nhu cầu này cho thấy con người có nhu cầu giao tiếp để phát triển.

Ở trên cấp độ này là nhu cầu được đánh giá, nhận biết và tôn trọng. Đây là mong muốn của con người nhận được sự chú ý, quan tâm và tôn trọng từ những người xung quanh và mong muốn bản thân là một “mắt xích” không thể thiếu trong hệ thống phân công lao động xã hội. Việc họ được tôn trọng cho thấy bản thân từng cá nhân đều mong muốn trở thành người hữu dụng theo một điều giản đơn là “xã hội chuộng của chuộng công “.

Vì thế, con người thường mong muốn có địa vị cao để được nhiều người tôn trọng và kính nể. Vượt lên trên tất cả các nhu cầu đó là nhu cầu về sự thể hiện. Đây là khát vọng và nỗ lực để đạt được mong muốn. Con người tự nhận thấy bản thân cần thực hiện một công việc nào đó theo sở thích và chỉ khi công việc đó được thực hiện thì họ mới  cảm thấy hài lòng. Thuyết này sắp xếp nhu cầu con người từ thấp lên cao, những nhu cầu ở cấp cao hơn sẽ được thỏa mãn chỉ khi nhu cầu cấp thấp hơn được đáp ứng. (1)

Quy tụ người tài

Như vậy hiện tượng trong 5 năm gần đây có tới hơn 16000 công chức nhà nước xin thôi việc để chuyển sang khu vực ngoài quốc doanh nên được hiểu là một quá trình trao đổi tuần hoàn máu bình thường giữa các bộ phận của một cơ thể đang phát triển (2).

Người lao động bây giờ dựa trên năng lực bản thân có thể lựa chọn môi trường làm việc để  được thỏa mãn ở mức phù hợp nhất đối với các thang bậc nhu cầu của họ.

Tuy nhiên nếu quá trình này có chiều hướng gia tăng và lại tập trung vào những vị trí nhân sự có trình độ chuyên môn cao, đức độ và có uy tín đối với quần chúng thì các cấp lãnh đạo phải tự đặt câu hỏi tại sao? Nguyên nhân nào và biện pháp gì để thay đổi tình thế?

Theo thang bậc nhu cầu A.Maslow thì những nhân sự có trình độ cao luôn có nhu cầu được tôn trọng và phải được đặt đúng vị trí tương xứng với khả năng và uy tín của họ.

Không thiếu những trường hợp trong các cơ quan nhà nước người ta tuyển chọn và cất nhắc, đề bạt cán bộ theo sự thân quen, bè cánh hay vì những lý do khuất tất khác. Điều này đã và sẽ làm suy yếu, tha hóa bộ máy công quyền – một công cụ quan trọng thực hiện sự nghiệp Đổi mới, biến nó thành những “căn cứ địa” và “pháo đài” của tham nhũng, mất dân chủ nội bộ và trù dập những người ngay thẳng.

Có một bài học tuy đã cũ nhưng chắc sẽ không bao giờ cổ, đó là muốn đất nước hay doanh nghiệp hưng thịnh thì phải quy tụ được nhiều người tài trong mọi lĩnh vực như kinh doanh, khoa học-kỹ thuật, công nghệ, quản lý và giáo dục. Những tấm gương sáng về phát triển kinh tế- xã hội ở các nước Châu Á quanh ta đã gợi mở nhiều điều. Trung Quốc với những chính sách khuyến khích của chính phủ đã lôi kéo một đạo quân khoa học Hoa kiều hơn 200.000 người trở về và họ hiện chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên là 81% số thành viên của Viện khoa học Trung Quốc.

Làn sóng chất xám quay về này đã thúc đẩy nền khoa học Trung Quốc chuyển động nhanh và mạnh. Đối với vấn đề nhân sự trong các tổ chức đảng và cơ quan công quyền nguyên thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã có lần nói: ”Chúng ta cần kiên quyết từ bỏ hệ thống đề bạt theo kiểu người tốt là người được cho là tốt thậm chí cho dù anh ta chẳng tốt gì; còn người xấu là người được cho là xấu trong khi anh ta không phải như vậy theo đánh giá của các tầng lớp quần chúng “.(3)

Rễ có sâu thì gốc mới vững, cây mới xanh tốt, đơm hoa  thơm và kết trái ngọt, mà nhân tài trong quần chúng chính là những nhánh rễ li ti âm thầm lan tỏa trong lòng đất. “Có nhân tâm trước sẽ thu phục được nhân tài, có  nhiều nhân tài thì sẽ được thiên hạ”… lời dạy của người xưa tưởng như ở đâu đó vẫn văng vẳng bên tai.

Theo Tuần Việt Nam