Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh nêu quan điểm, nhiều đứa trẻ vẫn như cái cây "cớm nắng" dù đi học kỹ năng sống rất nhiều. (Ảnh: NVCC) |
Là một chuyên gia tâm lý, ông nghĩ gì về thực tế giáo dục trẻ hiện nay ở nước ta, đã cân bằng giữa giáo dục kỹ năng, đạo đức và kiến thức hay chưa?
Hiện nay, việc cân bằng giữa giáo dục kỹ năng, đạo đức và kiến thức cho trẻ ở môi trường giáo dục nước ta vẫn còn hạn chế.
Thực tế, thống kê cho thấy, nhiều trường vẫn chưa triển khai giảng dạy kỹ năng, thậm chí, nếu có thì chỉ ở mức độ thấp, chỉ nghe báo cáo chuyên đề kỹ năng cho toàn trường mà chưa thể triển khai học kỹ năng theo tiết.
Để đảm bảo giáo dục kỹ năng, cần có nguồn lực chuyên môn trong lĩnh vực, nhưng thực tế nguồn lực cho giáo dục kỹ năng ở các tỉnh còn rất hạn chế, nguồn lực này mạnh mẽ hơn ở các thành phố lớn.
Xét về phương diện giáo dục, nếu muốn cân bằng giữa việc học kiến thức, đạo đức và kỹ năng, cần có một chương trình đào tạo phù hợp và lộ trình rõ ràng ngay từ đầu năm học, quan trọng hơn nữa chính là nguồn lực để triển khai và thực hiện.
Nhiều phụ huynh băn khoăn, trăn trở với một “rừng” lý thuyết hay “ma trận” phương pháp giáo dục. Ông đánh giá thế nào về hệ lụy của việc “đánh đồng” học sinh?
Trong giáo dục, không nên đánh đồng học sinh với nhau, mỗi đứa trẻ đều có một quá trình lớn lên và hình thành phát triển nhân cách khác nhau, năng lực và trí tuệ khác nhau.
"Chúng ta biết mỗi đứa trẻ sinh ra không ai giống ai. Các em là duy nhất, việc người lớn bắt ép trẻ phải giống các bạn của mình là không thể, điều này khiến trẻ vô cùng áp lực và dễ đánh mất mình". |
Vì vậy, cần hướng dẫn và giúp các em khám phá bản thân, phát triển thế mạnh, động viên khích lệ các em sáng tạo trong học tập thay vì xem các em như nhau.
Không ít đứa trẻ đang đánh mất đi niềm vui học tập ngay từ nhỏ vì chạy theo thành tích, điểm số và những kỳ vọng của người lớn. Vậy trách nhiệm của gia đình đến đâu trong việc đánh thức và “khai quật” tiềm năng của một đứa trẻ?
Nhiều đứa trẻ bị áp lực trong học tập vì thành tích, điểm số và sự kỳ vọng từ người lớn. Đặc biệt, người lớn hay so sánh con mình với con nhà người ta. Do đó, hiệu ứng "con nhà người ta" khiến không ít đứa trẻ mặc cảm, tự ti.
Chúng ta biết, mỗi đứa trẻ sinh ra không ai giống ai. Các em là duy nhất, việc người lớn bắt trẻ phải giống các bạn của mình là không thể, điều này khiến trẻ vô cùng áp lực và dễ đánh mất mình.
Gia đình cần khuyến khích và chỉ cho con mình biết lợi ích, tầm quan trọng của việc học để con cố gắng, tập cho con tự đặt mục tiêu để phấn đấu, có lộ trình rõ ràng để con dễ thực hiện.
Đồng thời, giúp con nhận diện thế mạnh và đam mê của mình, bằng cách cho con trải nghiệm với cuộc sống, tập cho con tính tự lập, cho con cơ hội, không gian để con có thể tìm tòi, sáng tạo và học tập.
Cần cân bằng giữa giáo dục đạo đức - kiến thức và kỹ năng cho trẻ. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Hiện nay, không ít đứa trẻ ngồi hết lớp kỹ năng này đến lớp kỹ năng khác nhưng vẫn thiếu tự tin. Ông có thể “bắt bệnh” thực trạng này và lời khuyên dành cho phụ huynh?
Thực tế, nhiều đứa trẻ học rất nhiều lớp kỹ năng sống nhưng vẫn không biết gì và thiếu tự tin. Thứ nhất, bắt nguồn từ việc chưa truyền tải cho các em hiểu về lợi ích và tầm quan trọng của việc học kỹ năng sống. Chính vì thế, các em không nhận thức rõ mình đang học để làm gì.
"Muốn có kỹ năng sống, người học cần phải đầu tư thời gian và công sức để rèn luyện, mỗi ngày một ít mới có được chứ không phải ngày một ngày hai". |
Thứ hai, đến từ việc kỹ năng sư phạm của người giảng dạy kỹ năng sống chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút người học và tạo động lực để các em rèn luyện.
Thứ ba, cơ sở vật chất để giảng dạy và môi trường rèn luyện kỹ năng cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy người học đam mê luyện tập.
Muốn có kỹ năng sống, người học cần phải đầu tư thời gian và công sức để rèn luyện, mỗi ngày một ít thì mới có được chứ không phải ngày một ngày hai.
Ngoài giờ học kỹ năng trên lớp được thầy cô hướng dẫn, phụ huynh cần quan tâm tạo điều kiện cho con mình có cơ hội thực hành các kỹ năng.
Ví dụ, với kỹ năng giao tiếp, phụ huynh cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho con tiếp cận với bạn bè, những người chung quanh, để con có cơ hội giao lưu và trò chuyện.
Ngoài ra, các kỹ năng sống khác như đi chợ, tự lập… cũng cần được hướng dẫn các em trong cuộc sống hằng ngày.
Để việc học của trẻ không quá áp lực, ông gợi ý giải pháp nào cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn học sinh đang phải học trực tuyến?
Để học sinh không quá áp lực trong giai đoạn học tập trực tuyến, chúng ta cần phối hợp đồng bộ từ phía nhà trường, gia đình và truyền thông xã hội.
Nhà trường cần có kế hoạch, lộ trình đào tạo rõ ràng, thời khóa biểu tránh quá dày đặc, hình thức kiểm tra đánh giá đảm bảo tính công bằng. Nhà trường cần thông cảm về các vấn đề thiết bị học tập và đường truyền internet.
Ngoài ra, còn có các yếu tố về gia đình ảnh hưởng tới việc học của các em. Khi học online, các em dễ bị chi phối bởi các hoạt động tại nhà.
Gia đình cần trang bị phương tiện học online, không gian học và đường truyền internet ổn định, hướng dẫn con trong quá trình học tập nếu khó khăn về việc sử dụng các thiết bị, tránh sai vặt con trong quá trình học tập tại nhà, vì như thế con sẽ khó nắm bắt bài học và ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Cần tích cực trong việc tuyên truyền về các chương trình hướng dẫn học tập online hiệu quả, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng mạng xã hội… từ đó giúp thêm cho các em những kiến thức để hỗ trợ học tập hiệu quả và tích cực hơn.
Xin cảm ơn ông!