Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại Hội thảo “Việt Nam-châu Phi: Cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI”, tháng 5/2003. (Ảnh: NVCC) |
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm dấu mốc đặc biệt này và Ngày châu Phi (25/5), Đại sứ Hà Huy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Á-châu Phi (nay là Vụ Trung Đông-châu Phi) Bộ Ngoại giao, giai đoạn 2002-2006 đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam và ý nghĩa sự kiện và những kỷ niệm sâu sắc của cá nhân ông.
Việt Nam và châu Phi có quan hệ truyền thống tốt đẹp, được thử thách qua thời gian dài, tại sao phải đến tháng 5/2003 mới diễn ra hội thảo quốc tế lần đầu tiên về Việt Nam-châu Phi?
Quan hệ với châu Phi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta và được thể hiện, thử thách trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, quan hệ này gặp nhiều thách thức và hạn chế, do ta và các nước châu Phi đều là nước đang phát triển, xa cách về địa lý, khu vực có nhiều xung đột, bất ổn, khủng hoảng và có sự cạnh tranh của nhiều nước lớn.
Sau Đổi mới, Việt Nam tiếp tục củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế, góp phần phục vụ phát triển đất nước. Các nước châu Phi cũng bước vào thời kỳ mới - ổn định, tái thiết và phát triển. Bối cảnh đó tạo điều kiện cho Việt Nam phát huy tinh thần chủ động, tích cực đề xuất đăng cai sự kiện mời các nước châu Phi và các đối tác quốc tế tham dự và tuyên bố định hướng ưu tiên chính sách với khu vực khi bước vào đầu thiên niên kỷ mới.
Ý tưởng này sớm được sự ủng hộ của nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước cũng như các đối tác, tổ chức quốc tế…
Những khó khăn khi tổ chức hội thảo này là gì?
Trước hết, nội dung hội thảo cần đưa ra thông điệp gì cho trong nước và quốc tế. Thứ hai, thời điểm đó bệnh SARS lần đầu tiên bùng phát, đến cuối tháng 2/2003 đã lan sang 27 nước, trong đó châu Phi… gây lo ngại nếu tổ chức có thể lan rộng sang Việt Nam. Thứ ba, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq nổ ra từ 20/3/2003 khiến tình hình quốc tế căng thẳng, thu hút quan tâm và nguồn lực của nhiều nước.
Trong khi đó, nhiều cán bộ trực tiếp liên quan của ta phải đảm đương các việc trên dẫn đến lo ngại thiếu nhân lực. Việc chuẩn bị và tổ chức hội thảo đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu về khu vực, phối hợp liên ngành, và nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong khi điều kiện, phương tiện làm việc của ta còn thiếu thốn, lạc hậu…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) tiếp các Trưởng đoàn châu Phi tại Hội thảo tháng 5/2003. (Ảnh tư liệu) |
Hội thảo cách đây 20 năm đề ra bốn phương hướng thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi. Những phương hướng này trở thành kim chỉ nam cho quan hệ hai bên như thế nào?
Hội thảo quốc tế “Việt Nam-châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI” được tổ chức ở Hà Nội ngày 28-30/5/2003. Tham gia hội thảo có 84 đại biểu từ 23 nước và 10 tổ chức quốc tế, trong đó có bốn bộ trưởng, tám thứ trưởng các nước, cùng hơn 80 đại diện các bộ, ngành, địa phương và hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế.
Hội thảo đã đề ra bốn hướng ưu tiên mở rộng hợp tác với châu Phi. Một là, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống. Hai là, thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế, trước hết là thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động, chuyên gia, thông tin…; tăng hiệu quả cạnh tranh kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Ba là, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đất nước, xoá đói, giảm nghèo, y tế và chống dịch bệnh, giáo dục, giảm nhẹ thiên tai, khai thác hiệu quả tài nguyên. Bốn là, kết hợp quan hệ song phương và đa phương, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, giữa các tổ chức tương ứng giữa hai châu lục.
Trên cơ sở những định hướng này, Việt Nam đã thông qua và triển khai Chương trình hành động thúc đẩy quan hệ với khu vực giai đoạn 2004-2010. Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm Algeria, Morocco và Nam Phi, qua đó, triển khai trao đổi nhiều đoàn giữa ta và các nước khu vực và thành lập Viện Trung Đông-châu Phi thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) để tăng cường nghiên cứu về khu vực này.
Cùng với đó, quan hệ về chính trị-ngoại giao ngày càng được củng cố và đi vào chiều sâu. Từ chỗ có quan hệ ngoại giao với 48/54 nước châu Phi, đến nay Việt Nam nâng con số này lên 54/55 nước.
Giai đoạn 2004-2010 chứng kiến 70 văn kiện được ký giữa Việt Nam với các nước châu Phi và giai đoạn 2016-2022, con số này là 72.
Trao đổi thương mại giữa ta với châu Phi tăng từ 360 triệu USD năm 2003 lên 5,5 tỷ USD năm 2022, nghĩa là gấp khoảng 15 lần trong gần 20 năm. Đầu tư từ 2 tỷ USD năm 2010 lên 2,7 tỷ USD năm 2022.
Sự kết hợp giữa ngoại giao song phương và đa phương trong quan hệ Việt Nam với châu Phi ngày càng mở rộng. Năm 2003, Nhật Bản lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ ba. Năm 2005, Việt Nam được mời dự tham dự Hội nghị Bandung (hay còn gọi là Hội nghị Á - Phi) ở Indonesia. Năm 2010, ta tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ hai với chủ đề “Việt Nam-châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững” tại Hà Nội.
Sự ủng hộ của các nước châu Phi càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam vận động và đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 hay khi lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 năm 2015 với Tổng thư ký IPU Martin Chungong đến từ Cameroon – quốc gia Trung Phi, góp phần định hình Chương trình các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2015-2030 của LHQ, làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021…
Đại sứ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tổ chức hội nghị và triển khai Chương trình hành động quan hệ Việt Nam-châu Phi giai đoạn 2004-2010?
Dịp này nhắc tôi nhớ tới hai kỷ niệm.
Kỷ niệm thứ nhất là khi bàn về nội dung hội thảo, mặc dù đã thống nhất cụ thể các phương hướng ưu tiên chính sách của ta với châu Phi khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nhưng các cơ quan liên quan còn lăn tăn về tên gọi nên là chính sách, phương hướng, ưu tiên, hay trọng tâm… Cuối cùng, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị dùng “Bốn phương hướng ưu tiên” trong quan hệ Việt Nam-châu Phi và đến nay “Bốn phương hướng ưu tiên” này vẫn còn giá trị, mang nhiều ý nghĩa thời sự. Đây cũng là tiền đề để Chính phủ thông qua Chương trình hành động thúc đẩy quan hệ về chính trị, trao đổi đoàn cấp cao, các biện pháp hợp tác trên nhiều lĩnh vực với châu Phi.
Kỷ niệm khó quên thứ hai là tôi may mắn được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Algeria, Morocco và Nam Phi (11/2004). Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên sau 30 năm chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới khu vực này năm 1974. Chuyến thăm diễn ra ngay sau Chương trình hành động được triển khai nên mang ý nghĩa rất lớn. Nhân dịp này, Việt Nam và Nam Phi đã thiết lập quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển”. Đây là một trong những quan hệ đối tác đầu tiên của ta về một lĩnh vực, cũng là quan hệ đối tác đầu tiên và duy nhất đến nay của ta với một nước châu Phi. Năm 2005, tôi được cử tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm châu Phi, thúc đẩy quan hệ nghị viện với một số nước trong khu vực.
Mỗi chuyến đi tới các nước châu Phi đều đọng lại trong tôi những cảm xúc, kỷ niệm khác nhau nhưng tựu trung đều là may mắn vì đã đóng góp một phần nhỏ bé xây nên những “viên gạch hữu nghị” cho quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi.
Đại sứ Hà Huy Thông (ngồi ghế bên trái) tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trên chuyên cơ trở về sau chuyến thăm Algeria, Morocco và Nam Phi, tháng 11/2004. (Ảnh: NVCC) |