📞

Nhìn từ dịch Covid-19 ở Ấn Độ, nghĩ về trách nhiệm xã hội trong kỳ nghỉ lễ

Lưu Đức Bình Minh 13:50 | 29/04/2021
Trước thềm kỳ nghỉ lễ dài năm nay, dịch bệnh ở ta vẫn còn kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tin buồn từ dịch Covid-19 ở Ấn Độ lan ra toàn cầu khiến không khí ảm đạm, cảnh báo chúng ta nên cân nhắc để bảo vệ mình cũng như có trách nhiệm với cộng đồng...
Dịch Covid-19 ở Ấn Độ cảnh báo chúng ta nên cân nhắc để bảo vệ mình cũng như có trách nhiệm với cộng đồng...

Thực sự, với bất kỳ người lao động nào cũng đều háo hức khi đến các kỳ nghỉ lễ dài trong năm, như Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Quốc khánh, 30/4 và 1/5… Đó là khoảng thời gian để họ trở về quê thăm người thân, dành cho chính mình thời gian làm mới, nạp năng lượng sau những tháng ngày bận rộn vì công việc.

Nghỉ lễ cũng là dịp để ngành du lịch và các dịch vụ khác khai thác, tăng cường nguồn thu - nuôi sống công ty, doanh nghiệp cho những tháng vắng khách. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, những kỳ nghỉ lễ luôn là thời điểm hồi hộp của mỗi người, nơm nớp lo dịch bùng lên.

Thời điểm này của năm ngoái, người người còn đang trải qua những ngày cuối của kỳ giãn cách xã hội. Tất cả hãy còn hoang mang, lo lắng vì đó là biện pháp chống dịch cao nhất được Chính phủ áp dụng lúc bấy giờ.

May mắn, dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2020, dịch tạm lắng, lệnh giãn cách xã hội được tháo bỏ ở nhiều địa phương khiến kỳ nghỉ như được nhẹ nhàng hơn. Mặc dù vậy, tinh thần chống dịch như chống giặc thời điểm ấy vẫn được nâng cao trong cả hệ thống chính trị lẫn người dân.

Trước thềm kỳ nghỉ lễ dài năm nay, dịch bệnh ở ta vẫn còn kiểm soát tốt, tuy nhiên tin buồn từ Ấn Độ lan ra toàn cầu khiến không khí ảm đạm. Mỗi ngày ở đất nước nổi tiếng với du lịch tâm linh này có đến 350.000 người nhiễm mới nCoV và trên 2.000 bệnh nhân qua đời vì Covid-19. Con số thực có thể cao hơn gấp mấy lần, các chuyên gia còn dự đoán số người chết trong những ngày tới ở Ấn Độ đạt kỷ lục đau đớn: 13.000 người/ngày.

Bài học về phòng dịch từ Ấn Độ đã được phân tích trong tinh thần cảnh báo cho tất cả các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Theo đó, nguyên nhân của sự bùng phát dịch thiếu kiểm soát và hậu quả kinh hoàng ở Ấn được giới chuyên môn tóm lại, gồm: sự chủ quan của cả chính phủ và cộng đồng, biến thể nCoV có đột biến kép và chương trình vaccine không hiệu quả.

Các chuyên gia y tế cho rằng, trước khi vaccine phát huy tác dụng và được kiểm chứng trên toàn cầu thì phương án phòng dịch theo nguyên tắc 5K bao gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế - vẫn là hữu hiệu nhất trong cuộc chiến với nCoV.

Đối với Việt Nam, nhìn quanh có thể thấy, những nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào... vẫn đang căng thẳng chống dịch. Đặc biệt, tình trạng nhập cảnh trái phép ở biên giới Tây Nam vẫn phức tạp, đáng quan ngại. Chữ K thứ 6 trong nguyên tắc chống dịch đã được góc suy ngẫm - Báo TG&VN đề cập trước đó là KHÔNG CHỦ QUAN.

Trước đó, ngày 11/3, truyền thông đã cảnh báo việc chủ quan ở Ấn Độ khi thấy hàng trăm nghìn người nước này hành hương về sông Hằng, phớt lờ mọi mối nguy hiểm từ đại dịch. Chỉ một tháng sau, người Ấn đã hứng chịu hậu quả nặng nề, được Thủ tướng nước này nhận định là chấn động quốc gia.

Kèm theo đó là hình ảnh hậu sự của những người bị chết do Covid-19 ở xứ Ấn được đăng tải với những bãi hỏa thiêu tập thể, theo truyền thống hỏa táng đơn sơ của đất nước này. Thật kinh khủng và cũng thật đau xót. Rõ ràng, chủ quan đã tạo nên thảm cảnh của người Ấn hôm nay.

Bài học từ Ấn Độ đã được lãnh đạo các địa phương ở nước ta lắng nghe trong tinh thần cảnh giác cao độ để tránh “ân hận không kịp”. Như ở TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã dứt khoát chỉ đạo “không bắn pháo hoa”. Đó là cách để giãn cách xã hội một cách tự nhiên, bởi pháo hoa luôn thu hút mọi người, dù chen lấn mỏi mệt vẫn không ngại, từ đó tạo nguy cơ cao để dịch bệnh lây nhiễm.

Nhiều địa phương khác cũng bằng cách không bắn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước, để niềm vui nghỉ lễ được trọn vẹn nhất, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Có thể thấy, Ấn Độ đã trả một bài học đắt giá khi niềm tin, niềm vui hành hương đặt trên nguyên tắc phòng chống đại dịch. Ai cũng muốn được có kỳ nghỉ lễ hân hoan nhưng không thể bất chấp thực tế dịch bệnh.

Vui lễ trong tinh thần chống dịch, đó chính là trách nhiệm và cũng là cách kiến tạo bình an cho bản thân, gia đình, rộng hơn là góp phần cùng địa phương, đất nước chống dịch. Cái vui một vài ngày mà ảnh hưởng lớn cho đời sống, kinh tế, phá vỡ những nỗ lực trước đó của cả đất nước thì hoàn toàn không nên, không thể đánh đổi.

Nghỉ lễ không nghỉ chống dịch. Đây có thể xem là khẩu hiệu cần được chuyển tải đến mỗi người dân. Đồng thời, nhìn về Ấn Độ để có thể nghiêm cẩn trong thực hiện các biện pháp phòng chống Covid, theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Sự bình an, sức khỏe, hạnh phúc phải được xây dựng từ gốc, từ nỗ lực không ngừng của mỗi người. Trong đó, tăng cường chống nhập cảnh trái phép, mang mầm bệnh từ ngoài vào cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Nghĩ về Ấn Độ ngoài lòng thương xót, ta còn tự cảnh tỉnh bản thân, vui thôi đừng vui quá. Những hội hè đình đám, những tụ tập vui chơi không cần thiết phải giảm thiểu. Chúng ta không thể chủ quan, quên mất việc phòng chống dịch trong những ngày nghỉ dài sắp tới. Đó là mệnh lệnh từ trái tim!