Họp báo thông tin về Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) và Golden Dragon Awards lần thứ 23. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chiều 28/3 đã diễn ra buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) và Golden Dragon Awards lần thứ 23. Chủ trì họp báo có ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Tại họp báo, Ban tổ chức cho biết, sự kiện này sẽ diễn ra tại Hải Phòng vào ngày 10/4 với các chuỗi hoạt động kết nối gặp gỡ trao đổi thông tin và xúc tiến đầu tư giữa các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024.
Đặc biệt, cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ công bố TOP 10 và TOP 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận vinh danh giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23.
Chủ đề lần này của Diễn đàn là "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp".
Qua 3 lần tổ chức thành công tại thủ đô Hà Nội, năm 2021, TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, TP. Đà Nẵng, năm 2023, Diễn đàn Vietnam Connect 2024 lần thứ tư sẽ được tổ chức tại TP. Hải Phòng, một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ dự và phát biểu tại diễn đàn, cùng tham dự còn có đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự và chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.
Diễn đàn Nhịp cầu phát triển là sáng kiến kết hợp sứ mệnh và nhiệm vụ giữa ngoại giao kinh tế và báo chí truyền thông kinh tế nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối, mở rộng hợp tác, cập nhật trao đổi các xu hướng mới của thế giới, giúp các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói về điểm mới của Diễn đàn lần này, ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, điểm mới thứ là chủ đề.
Nhìn lại các chủ đề được lựa chọn ở những năm trước như “Nhận diện và thu hút thành công các dòng đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới” (năm 2021), “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững” (năm 2022) tới “Đột phá mới cho miền Trung Việt Nam - Thúc đẩy chuyển đổi kép: Xanh và công nghệ số” (năm 2023) có thể thấy, chủ đề năm nay là sự tiếp nối và làm sâu sắc thêm những nhận định, những đề xuất và giải pháp được đưa ra để địa phương/doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung vững bước trong tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon… nhằm hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050.
Điểm mới thứ hai là về thành phần tham dự, sau lần đầu tiên tổ chức toàn thể tại Hà Nội, Ban tổ chức đã triển khai theo cụm địa phương nhằm phát huy vai trò, tiềm năng thế mạnh theo Vùng kinh tế, cụ thể tại khu vực miền Nam và miền Trung. Và lần này là với các địa phương khu vực phía Bắc.
Điểm mới tiếp theo là về chương trình kết nối làm việc riêng, và đây là điểm nhấn quan trọng và ý nghĩa của toàn bộ sự kiện. Ban tổ chức sẽ dành nhiều thời gian để kết nối các cuộc gặp, làm việc riêng giữa các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài với đại diện 25 tỉnh/thành phố và doanh nghiệp Việt Nam.
Tại họp báo, đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, Diễn đàn sẽ tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Các Phiên tham luận, thảo luận của Diễn đàn cũng sẽ trao đổi về kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh. Những câu chuyện thành công, chưa thành công, thậm chí thất bại...sẽ là thông tin tham khảo quan trọng cho quá trình thực hiện chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Qua đó, giúp các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hoạch định các chiến lược phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời từ thực tiễn khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi và động lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
| Người kết nối và tinh thần phụng sự Trao đổi với đoàn viên, thanh niên Bộ Ngoại giao đầu năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tinh thần “phụng sự”. ... |
| Công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024: Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới “Hết sức chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm” là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò tiên phong trong công tác ngoại giao kinh tế Trong khuôn khổ chuyến tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thăm chính ... |
| Để nền kinh tế ‘xanh hơn’ Chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong ... |
| Ngày Việt Nam tại Triển lãm quốc tế Expo Doha 2023 Tại Triển lãm quốc tế Expo Doha 2023, các doanh nghiệp đã giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. |