Đúng vào ngày này, năm 2023, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ra đi mãi mãi. (Ảnh: DT) |
Bởi khi đó nhiều người, trong đó có tôi vẫn muốn tin rằng, như bao lần khác, Chú sẽ lại vượt qua bạo bệnh, lại quay lại làm việc, gặp gỡ, trao đổi với nguồn năng lượng dường như không bao giờ cạn. Ngày Báo chí Cách mạng năm nay, kỷ niệm về Chú Vũ Khoan lại ùa về.
Khi còn tại chức, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan được biết đến nhiều như một nhà kỹ trị, một nhà ngoại giao kiệt xuất. Khi đã “hưu nhưng không nghỉ”, người ta lại nhận thấy ở Chú một “diện mạo” khác: một cây bút sắc, một nhà báo lớn.
Có thể nói, Chú Vũ Khoan là người học trò xuất sắc của Bác. Chú thường kể chuyện Bác, qua đó rút ra những bài học cho các thế hệ trẻ. Với người làm công tác ngoại giao, báo chí, tuyên truyền đối ngoại, Chú hay nhắc 6 điều Bác dạy năm 1926 đối với những người làm công tác tuyên truyền, diễn thuyết, như phải biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng, phải chọn cách thu hút, hấp dẫn người nghe; nội dung diễn thuyết dễ hiểu…
Không chỉ kể chuyện Bác, Chú còn là người hơn ai hết làm theo những lời Bác dạy. Ai đã từng có dịp gặp Chú sẽ thấy đọc văn mà như đang được nghe Chú nói. Giản dị, không thích dùng mỹ từ, đao to búa lớn, nhưng hóm hỉnh, ý tứ rõ ràng, khúc triết. Chú Vũ Khoan có biệt tài biến những câu chuyện phức tạp trở nên đơn giản, dễ hiểu.
Nhưng điều khiến người ta luôn bị cuốn hút bởi những bài báo, buổi nói chuyện của Chú Vũ Khoan, không chỉ là tính đơn giản, dễ hiểu. Tôi đã hơn một lần chứng kiến những người dự Hội thảo, cả ta lẫn Tây, khi đến phần Chú Vũ Khoan nói, là ngồi lại ngay ngắn, lật sổ, lấy bút sẵn sàng. Đó là tính “mới”, là khả năng khái quát cao trong mỗi câu chuyện.
Chú Vũ Khoan luôn biết cách dẫn dắt nhẹ nhàng, đơn giản, đưa ta đến với bức tranh lớn, giúp ta có cái nhìn tổng thể hơn, luôn làm ta ngạc nhiên, thích thú với những phân tích sâu sắc, riêng có, thể hiện rõ cái tầm của người viết, người nói. Ngay cả những câu chuyện tưởng như đã được trao đổi nhiều lần, Chú Vũ Khoan vẫn giúp ta khám phá ra những điểm mới.
Để có thể làm được điều đó, có lẽ có một lý do quan trọng là tinh thần say mê làm việc, nghiên cứu, không ngừng tự học, tự cập nhật thông tin, tự làm mới mình. Khi gặp Chú Vũ Khoan, chúng ta có thể cảm nhận được nguồn năng lượng như vô tận, sự đam mê, đau đáu với công việc, với đất nước.
Tổng biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn chia sẻ câu chuyện về sự nghiệp báo chí của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại lễ ra mắt cuốn sách 'Vũ Khoan tâm tình gửi lại'. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tôi nhớ có lần cùng các bạn trong Báo gọi điện xin phép đến thăm, Chú nói đang mệt, chỉ tiếp được các cháu được 15 phút thôi nhé. Nhưng khi đến nơi, bắt vào câu chuyện đánh giá tình hình, cục diện xu hướng thế giới, Chú như quên hết những mỏi mệt trong người, mấy chú cháu ngồi cả tiếng đồng hồ, rồi chính chúng tôi phải nhẹ nhàng xin rút, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của Chú, dù vẫn thòm thèm muốn nấn ná thêm chút nữa.
Báo Thế giới và Việt Nam có vinh dự luôn được Chú gọi là Báo nhà đầy yêu thương, tự nhận là bạn đọc gần gũi của Báo. Cách đây tròn 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo đầu tiên của Báo, Chú gửi bài viết với tiêu đề "25 năm ấy...", gửi gắm thật nhiều tình yêu thương, và căn dặn “muốn đổi mới thì điều quyết định nhất vẫn là con người..., muốn cho Báo không chỉ trụ vững mà còn tỏa sáng trên báo trường thì không có con đường nào khác là chúng ta phải tự đổi mới mình.
Những dặn dò ngày đó của Chú, chúng tôi vẫn tâm niệm, nỗ lực hàng ngày, làm sao để tờ báo vững vàng trước những thách thức khắc nghiệt của môi trường báo chí hiện đại trong thời đại số, với sự cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội, mà vẫn giữ được "chất" của một tờ báo chuyên về đối ngoại.
Hoạ sĩ nổi tiếng người Mỹ Andy Warhol từng nói: “Người ta không thể sống mãi, nhưng có thể tạo nên cái gì đó sống mãi”. Chú Vũ Khoan là như thế! Chú đã đi xa, nhưng tôi tin rằng di sản về trí tuệ và nhân cách Chú Vũ Khoan để lại sẽ tiếp tục “sống” và được các thế hệ sau này, đặc biệt là những người làm công tác ngoại giao, báo chí trân trọng và phát huy.