Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người đoạt Giải Nobel hòa bình năm nay, phát biểu sau khi ký thỏa thuận hòa bình mới. |
Thỏa thuận này thay thế cho thỏa thuận trước đó ký vào ngày 26/9, nhưng đã bị các cử tri Colombia từ chối trong một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 2/10. "Thỏa thuận mới đã được sửa đổi, điều chỉnh, làm sáng tỏ và làm rõ thêm để chúng ta đoàn kết lại, không còn bị chia rẽ", Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos phát biểu trước dân chúng ngay sau khi đại diện của Chính phủ và lực lượng du kích FARC ký thỏa thuận hòa bình mới tại Havana (Cuba). Ông cho biết, phía Chính phủ Colombia đã nhận được hơn 500 đề xuất sửa đổi thỏa thuận đã ký kết trong tháng 9 và “hy vọng thỏa thuận mới sẽ làm hài lòng cho đất nước và cho các cử tri không nhất trí với thỏa thuận cũ".
Được biết, cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và FARC bắt đầu gần 4 năm với mục đích kết thúc một cuộc xung đột nội bộ trong hơn nửa thế kỷ, khiến hơn 220.000 người chết và gần 7 triệu người phải di dời chỗ ở.
Hoạt động của lực lượng du kích FARC trong những năm qua. |
Thỏa thuận hòa bình mới có gì thay đổi?
"Nó vẫn giữ cấu trúc và tinh thần của thỏa thuận đầu tiên", Trưởng đoàn đàm phán của FARC, ông Ivan Marquez cho biết. Tuy nhiên, ông giải thích, trong thỏa thuận này được xây dựng với không dưới 65% đề nghị của các cử tri không nhất trí với thỏa thuận trước và gần 90% các sáng kiến liên quan đến việc thỏa thuận cần đề cập như thế nào về chủ đề bình đẳng giới, vốn đã dấy lên nhiều kháng nghị, đặc biệt là của các nhóm tôn giáo. Nhưng theo ông Marquez, thỏa thuận mới không có thay đổi về khả năng tham gia chính trị của các nhà lãnh đạo du kích, một trong những điểm mà các cử tri phản đối thỏa thuận trước quan tâm nhiều nhất.
Về phía Chính phủ Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos và Trưởng đoàn đàm phán Humberto De la Calle, đã cho biết một số ý tưởng thay đổi trong thỏa thuận mới. Đầu tiên, thỏa thuận hiện tại không trở thành một phần của Hiến pháp, mà chỉ vấn đề nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế mới được đề cập trong Hiến pháp.
Đại diện lực lượng du kích FARC (trái) và của Chính phủ Colombia (phải) trong lễ ký thỏa thuận hòa bình mới trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Cuba (giữa). |
Quyền tài phán đặc biệt cho hòa bình (JEP) giờ đây có giới hạn trong 10 năm và chỉ nhận yêu cầu điều tra trong hai năm đầu tiên. Luật sư nước ngoài không được tham gia JEP nhưng có thể cho ý kiến tư vấn. Sau đó, quyết định của JEP có thể đưa lên Tòa án Hiến pháp để xem xét.
Bên cạnh đó, thỏa thuận mới xác định rõ hơn “những hạn chế đi lại tự do" đối với tội phạm. Thỏa thuận này quy định cụ thể về các hình phạt và những gì cần được tôn trọng. Nó cũng bao gồm các chi tiết về thời gian thực hiện trừng phạt, thời gian thực hiện các hành động khắc phục hậu quả, cơ chế giám sát và hệ thống điều tiết cho phép phạm nhân di chuyển ra bên ngoài khu vực.
Dân chúng Colombia vui mừng trước thỏa thuận hòa bình mới được ký kết. |
Thỏa thuận mới đòi hỏi tất cả những người trình diện trước JEP phải cung cấp mọi thông tin liên quan đến buôn bán ma túy một cách toàn diện và chi tiết để quy định trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình từ bỏ vũ khí, lực lượng du kích FARC phải kê khai tài sản và nộp lại để bồi thường cho các nạn nhân. So với thỏa thuận cũ, thỏa thuận mới sẽ giảm 30% số tiền tài trợ cho lực lượng du kích FARC để họ lập ra một chính đảng "có sự bình đẳng với các đảng phái khác".
Hơn thế nữa, thỏa thuận mới đã sửa đổi để đảm bảo không có sự phân biệt giới tính. "Những gì chúng tôi làm là đảm bảo cho phụ nữ, những nạn nhân đặc biệt đã phải chịu đựng cuộc xung đột khủng khiếp này, được đối xử ưu tiên và phải được bảo vệ đầy đủ", Tổng thống Juan Manuel Santos nhấn mạnh.
Thỏa thuận mới công nhận các nhà lãnh đạo tôn giáo và gia đình của họ là nạn nhân của cuộc xung đột. Các nhóm tôn giáo được trao địa điểm nhằm phòng ngừa và điều trị cho những người nghiện ma túy.
Không có sự thay đổi lớn nào so với thỏa thuận cũ về khả năng các nhà lãnh đạo du kích FARC tham gia vào các chức vụ dân cử. Họ vẫn được bảo đảm có 5 ghế tại Thượng viện và 5 ghế ở Hạ viện trong hai nhiệm kỳ liên tiếp bắt đầu từ năm 2018. Đó cũng là lý do để nhiều cử tri nói "Không" đối với thỏa thuận đầu tiên vì không muốn Colombia lặp lại hành trình giống như Venezuela.
Tuy nhiên, Tổng thống Juan Manuel Santos, người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình giải thích thêm: "Tất cả các tiến trình hòa bình trên thế giới đều xác định một khi lực lượng du kích đã hạ vũ khí thì họ được hoạt động chính trị trong phạm vi luật pháp cho phép".