Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cũng là cách phòng tránh bệnh đau bụng, rối loạn tiêu hóa. (Nguồn: Shutterstock) |
Đau bụng rối loạn tiêu hóa dễ xảy ra khi đi du lịch
Đau bụng, rối loạn tiêu hóa gặp ở mọi lứa tuổi, do hoạt động bất thường của cơ quan tiêu hóa dẫn đến bị tổn thương ở thành dạ dày. Hiện tượng này khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa nhất là vào mùa nóng do thời tiết nóng nực, nhiệt độ nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi, nảy nở, thức ăn dễ bị ôi thiu, hỏng, nấm mốc…
Việc thức ăn để lâu ngày, không được bảo quản tốt, hoặc ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến nhiễm các vi khuẩn đường tiêu hóa có trong thức ăn, nước đá.
Như vậy, không chỉ có thức ăn mà ngay cả nước uống cũng có thể là nguyên nhân gây tình trạng rối loạn tiêu hóa thậm chí cả ngộ độc thực phẩm.
Vào các kỳ nghỉ lễ dài ngày số người đi du lịch và nhu cầu ăn uống ở nơi đông đúc như nhà hàng, khu du lịch sẽ tăng cao.
Vì vậy, để phục vụ nhu cầu các nơi cung cấp hàng quán sẽ phải dự trữ thực phẩm nhiều… nếu không đảm bảo vệ sinh cũng như bảo quản đúng, thực phẩm không an toàn sẽ gây cho người ăn rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, nếu nghỉ lễ tiệc tùng mọi người sẽ uống rượu bia, nếu uống nhiều sẽ làm mất một lượng lớn men tiêu hóa, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đế hội chứng ruột kích thích.
Người bệnh thường gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng…
Một vấn đề nữa ít người chú ý là tâm lý căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu thay đổi chỗ ở, di chuyển nhiều, lo lắng có thể có nguy cơ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, căng thẳng nhiều còn làm cho máu lưu thông kém dẫn đến việc co bóp dạ dày sẽ giảm dần khiến thức ăn bị ứ đọng, khó tiêu gây đầy bụng.
Biểu hiện của chứng đau bụng rối loạn tiêu hóa
Khi bị rối loạn tiêu hóa sẽ có các biểu hiện sau:
Biểu hiện đau bụng:
Đây là biểu hiện đầu tiên của chứng rối loạn tiêu hóa mà bất cứ ai cũng đều gặp phải. Các cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới hoặc trên tùy vào vị trí bị tổn thương.
Đặc biệt đau âm ỉ hơn sau khi ăn no hoặc ăn đồ cay nóng.
Xuất hiện buồn đại tiện:
Khi bị rối loạn tiêu hóa làm chức năng đào thải của hệ tiêu hóa bị thay đổi bất thường dẫn đến thận hoạt động không xuyên suốt, người bệnh sẽ thấy buồn đại tiện.
Cũng có trường hợp sẽ bị tiêu chảy hoặc táo bón và sau khi ăn no thì dấu hiệu này thể hiện rõ.
Biểu hiện khó tiêu, chướng bụng:
Khi bị rối loạn tiêu hóa đa số người bệnh có biểu hiện bụng đầy hơi, khó tiêu, cảm giác không thấy đói vì thức ăn không được tiêu hóa vẫn còn bị ứ đọng ở trong ruột.
Trường hợp nặng hơn nếu ăn phải những thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, hệ tiêu hóa của người bệnh bị tấn công gây nên các bệnh lý rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn…
Trong đó, tiêu chảy do nhiễm khuẩn e.coli, lỵ trực khuẩn (Shigella) hoặc lỵ amip thường gặp với các triệu chứng điển hình như đau quặn bụng, tiêu chảy cấp, thậm chí nhiều trường hợp bị sốt, nôn, mất nước, điện giải, phân có máu…
Nếu các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hoặc kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như trụy tim mạch, suy thận, rối loạn điện giải, viêm đại tràng, viêm ruột, ung thư đại trực tràng, hội chứng ruột kích thích…
Cần làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?
Khi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa cần xem xét nguyên nhân do đâu để loại trừ và có phương pháp khắc phục. Điều trị rối loạn tiêu hóa bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
Cụ thể, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu và có lợi cho hệ tiêu hóa. Tránh các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, gia vị cay nóng, nhiều axit, đồ tái sống…
Nếu lo lắng cần đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ lựa chọn cho dùng các loại thuốc để làm giảm triệu chứng.
Riêng trẻ nhỏ cha mẹ cần chú ý đến tình trạng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, môi khô, mất nước... cần cho trẻ uống bù nước và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa do có các bệnh lý nền gây ra, tùy theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc phù hợp.
Để phòng đau bụng, rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch cần chú ý đến chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh. Lựa chọn nơi ăn uống đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cần ăn chín, uống sôi, thức ăn được đậy kín, tránh bụi bẩn, hạn chế dùng các thực phẩm bán ở lề đường... sẽ giúp phòng tránh tình trạng này.
Không nên uống rượu bia quá nhiều, hạn chế các thực phẩm chua, cay... Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cũng là thói quen tốt để dự phòng rối loạn tiêu hóa thậm chí cả ngộ độc thực phẩm.