Khi Hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam họp tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 78, 79 tuổi. Người vẫn minh mẫn, sáng suốt chỉ đạo công tác ngoại giao của Việt Nam bên bàn đàm phán. Những chỉ đạo của Người với quá trình đàm phán Paris hết sức phong phú và sâu sắc, để lại cho nền ngoại giao nước ta những bài học quý báu.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo: Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình đàm phán Paris hết sức phong phú và sâu sắc, để lại cho nền ngoại giao nước ta những bài học quý báu. (Nguồn: VOV) |
Để thấy rõ điều đó, cần nhìn lại bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế từ khi nhà cầm quyền Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta, có tính hủy diệt hòng ngăn chặn sự chi viện của quân dân ta cho phong trào cách mạng giải phóng ở miền Nam và giành ưu thế khi đi vào đàm phán, nhất là dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá dữ dội Hà Nội và Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972. Chúng lầm tưởng rằng sẽ đẹp được ý chí chiến đấu của quân dân ta, buộc chúng ta phải khuất phục. Khi hiệp định Paris được ký kết tháng 1/1973, Hồ Chí Minh đã qua đời được 4 năm. Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, Người đã đi xa được 6 năm. Song những chỉ dẫn của Người trong những năm cuối đời (1964-1969), cũng là những năm chiến tranh ác liệt nhất ở cả hai miền Nam - Bắc đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của chúng ta chiến đấu trên chiến trường và tấn công trên mặt trận ngoại giao để giành thắng lợi trọn vẹn.
Chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đàm phán Paris không chỉ thể hiện trực tiếp qua những lời căn dặn của Người đối với phái đoàn bên bàn hội nghị mà còn gián tiếp nhưng có giá trị và ý nghĩa to lớn thông qua những lời kêu gọi, những trả lời phỏng vấn của Người với các nhà báo, những thư từ của Người gửi tới các Hội nghị quốc tế, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước, thư gửi tới các người bạn Mỹ và chúc mừng năm mới gửi nhân dân Mỹ. Các nhà ngoại giao Việt Nam thấy ở đó cẩm nang để hành động. Các tài liệu, văn kiện đó thể hiện nhất quán quan điểm và phương pháp, bản lĩnh và văn hóa ứng xử của Người, trở thành di sản ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ có giá trị đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn.
Trong khi gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta, Tổng thống Mỹ đã dùng thủ đoạn “hòa bình giả dối” bằng cách tung ra bài diễn văn ngày 7/4/1965 tại Baltimore, đề nghị ngừng bắn và thương lượng không điều kiện, xúc tiến những vận động lặng lẽ qua các con đường ngoại giao. Tháng 7/1965, Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ niềm tin về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam.
Nhà báo người Australia Wilfred Burchett và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Trả lời thư của Tổng thống Ghana giữa lúc Mỹ đang tăng cường ném bom miền Bắc, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Tổng thống Mỹ Johnson và những người ủng hộ ông ta như Thủ tướng Anh Wilson ráo riết đẩy mạnh cái gọi là vận động hòa bình của họ để che đậy việc tăng cường xâm lược Việt Nam và đánh lừa dư luận”. Người nói rõ: “phái đoàn hòa bình của Liên hiệp Anh tổ chức là không thể tin tưởng được”. Tuy nhiên, Người vẫn ngỏ lời mời Tổng thống Nkrumah sang thăm Việt Nam và vui lòng thảo luận với Tổng thống về các vấn đề mà Tổng thống đề cập tới.
Ngày 27/7/1965, tiếp Bộ trưởng, Cao ủy Ghana ở London sang Hà Nội tìm hiểu tình hình và chuẩn bị cho chuyến đi Việt Nam của Tổng thống, Người nói rõ: “Đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Chúng lại nói: miền Bắc xâm lược miền Nam. Điều đó cũng không khác gì nói miền Bắc Ghana xâm lược miền Nam Ghana”. Không ai có thể tin được luận điệu xảo trá đó. Về giải pháp cho việc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Người nêu rõ: “Chúng tôi nghĩ Mỹ đến như thế nào thì cứ việc rút ra như thế ấy. Chúng tôi sẵn sàng hoan tống họ…”. Người còn khẳng định: “Mỹ nói hòa bình chỉ là điều dối trá. Phải nói rằng, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình hơn bất kỳ nước nào khác… chúng tôi muốn hòa bình nhưng hòa bình theo giá nào, cách nào. Chúng tôi muốn có hòa bình nhưng đồng thời phải có độc lập. Chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ nếu Mỹ cũng tôn trọng danh dự chính đáng của họ”applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn1.
Ngày 11/11/1965, Hồ Chí Minh tiếp Giáo sư luật học George La Prira và nhà toán học Mario Primicerio, người Italy, Hồ Chí Minh đã giúp cho họ hiểu rõ về sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. “Chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra. Mỹ đến đây giết hại nhân dân Việt Nam. Còn nhân dân Việt Nam chỉ muốn Mỹ rút. Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi. Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với kẻ xâm lược nhưng trước hết kẻ xâm lược phải ngừng xâm lược”applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn2.
Tổng thống Johnson rêu rao thủ đoạn hòa bình, cử phái viên tới hơn 40 nước, thảo luận với 113 chính phủ. Phái viên của ông ta cũng tới gặp đại diện ngoại giao Việt Nam tại Yangon (Myanmar) và Moscow (Nga). Đây là cuộc vận động ngoại giao lớn nhất, sôi động nhất trong nhiệm kỳ của Johnsonapplewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn3. Ngày 1/1/1966, Người gửi thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp Năm mới, bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ và nói rõ: "Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình. Con đường dẫn tới hòa bình là Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết quân Mỹ về nước để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình.
Ngày 24/1/1966, Người gửi thư tới nguyên thủ quốc gia và thủ tướng 60 nước. Trong thư, Người nêu rõ: “Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết hòa bình thì họ phải công nhận lập trường 4 điểm của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chứng tỏ bằng việc làm thật sự, phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Trước đó, tiếp phái đoàn Ba Lan, 6/1/1965, Hồ Chí Minh nói rõ: “Hơn ai hết, chúng tôi muốn hòa bình. Thế thì tại sao chúng tôi lại phải tiếp tục chiến đấu? Chỉ vì một lý do: chúng tôi phải tự vệ. Chúng tôi buộc phải đấu tranh vũ trang. Tại sao Mỹ lại phải đi gõ cửa khắp các nước? Mỹ phải đình chỉ xâm lược. Như vậy, vấn đề sẽ được giải quyết. Người nói kiên quyết rằng, Mỹ phải cút đi. Chúng tôi trải thảm đỏ cũng được. Nhưng Mỹ phải cút đi. Jonson miệng nói hoà bình nhưng tay lại ký lệnh điều động quânapplewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn4”.
Ngày 12/1/1967, Hồ Chí Minh tiếp hai người Mỹ: H. Ashmore - chủ bút báo Arkansas, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu thể chế dân chủ và William C.Baggs, nhà báo, chủ bút tờ Miami News. Người nêu rõ, từ trước đến nay, mỗi bước leo thang chiến tranh của ông Johnson bao giờ cũng kèm theo điều kiện hòa bình giảapplewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn5. Mỹ đưa vào miền Nam 400.000 quân. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đưa họ ra. Phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc. Nếu điều đó được đáp ứng thì sẽ không còn trở ngại nào cho cuộc thương lượng đi tới hòa bình. Chính phủ của các ông phải biết điều đó. Chúng tôi không phạm một hành động đối định nào vào lãnh thổ của các ông. Còn khi Mỹ vẫn tiến hành chiến tranh mà lại thương lượng thì đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm.
Về việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam mà Mỹ thường đặt ra như một cái cớ để lại không rút quân, Hồ Chí Minh giải thích rằng, chúng tôi đã ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam. Đó là vấn đề của người Việt Nam với nhau, không phải là tấn công vào nước Mỹ…applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn6
Trả lời thư của Tổng thống Johnson, ngày 15/2/1967, Hồ Chí Minh lên án chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hòa bình và chống lại loài người. Người viết: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”.
Trong thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, tháng 9/1968, Người nhắc lại: “Mỹ xâm lược Việt Nam thì con đường đúng đắn duy nhất để lập lại hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải lập tức chấm dứt xâm lược. Đó là một chân lý không ai có thể chối cãi”applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn7.
Thư trả lời tổng thống Nixon của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/8/1969. (Nguồn: Vietnamnet) |
Trả lời thư của Tổng thống Nixon, ngày 25/8/1969, trước khi mất, Người lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ gây ra đã chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập tự do thực sự...applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn8. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng.
Giải pháp 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ sở hợp tình hợp lý để giải quyết vấn đề Việt Nam. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dựapplewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn9. Đây là tuyên bố rõ ràng của Việt Nam trong đàm phán 4 bên ở Paris, là điểm nhấn quan trọng những tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh được nhất quán, xuyên suốt và bao trùm.
Ngày 7/5/1968, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường sang Paris tham dự đàm phán 2 bên, phiên họp đầu tiên vào ngày 13/5/1968, sau đó Hội nghị 4 bên (Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn) họp phiên đầu tiên ngày 18/1/1969.
Trước khi đoàn lên đường, Người căn dặn: “Các chú đi Pháp, ở nhà người ta đánh cho các chú phát huy, nghĩa là phải tận dụng thắng lợi trên chiến trường để làm vốn đàm phán. Phải biết phối hợp quân sự với ngoại giao, vừa đánh vừa đàm mới có hiệu quả cao nhất”applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn10. Người còn căn dặn các cán bộ ta trong đàm phán tại Hội nghị 4 bên “Lên án mạnh mẽ bọn xâm lược Mỹ nhưng tránh xúc phạm tự ái, tự tôn dân tộc của nhân dân Mỹ. Trong đàm phán khi cần căng thì phải căng nhưng tránh làm đứt”applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn11. Vào lúc giao thừa Xuân Kỷ Dậu, Người gửi điện chúc Tết phái đoàn ta ở Paris với tình cảm chân thành và bày tỏ niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Và, tại Hà Nội, mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, Người thăm và chúc Tết Quân chủng Phòng không-Không quân, căn dặn “luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không tin được Mỹ đâu, chúng nó xảo quyệt lắm, là bọn đế quốc xâm lược. Phải luôn luôn cảnh giác để khi nó giở quẻ thì ta đạp lại được ngay”.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đem lại cho ngoại giao Việt Nam chìa khóa để giải quyết các vấn đề hệ trọng và phức tạp trong Hội nghị Paris. Thực hiện đúng đắn, sáng tạo những chỉ dẫn của Người, chúng ta đã giành được thắng lợi, dẫn tới Hiệp định Pari 27/1/1973 và đại thắng mùa xuân 30/4/1975 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành xuất sắc mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc như khát vọng của Người.
Quả thật là, có một trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftn12 “Dĩ bất biến ứng vạn biến” mà ngày nay, Đảng ta gọi là ngoại giao “cây tre Việt Nam”, “lạt mềm buộc chặt”, kiên cường bất khuất mà ngay thẳng, nhã nhặn, dịu hiền, đúng với cốt cách và tâm hồn Việt Nam, bản lĩnh, khí phách Việt Nam mà Hồ Chí Minh là biểu tượng đang tiếp tục phát huy tác dụng trong Đổi mới và Hội nhập để phát triển.
* GS. TS. Hoàng Chí Bảo là chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref1 Hồ Chí Minh, Tiểu sử. NXB LLCT. H 2006. Tr 600-601.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref2 Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, Tr 603-604.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref3 Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, Tr 602-604.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref4 Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, Tr 605-606.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref5 Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari. Viện Quan hệ quốc tế, H.1990. Tr 198.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref6 Lưu Văn Lợi, Tlđd, Tr 202-203.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 501.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref8 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 602-603.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref9 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 602-603.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref10 Nguyễn Minh Vĩ, “Bốn điều Bác dặn”, Tuần báo Quốc tế, số 20, 18-24-5-95.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref11 Nguyễn Thành Lê, ND, 23-1-1988.
applewebdata://B6C404A7-41DE-4D72-88AC-7438DC8C5694#_ftnref12 Võ Văn Sung, “Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, CTQG. H2010. Tr 11-93.