Phương (cầm máy hàn) đang chỉ đạo đội thợ. |
Đánh hơi xác thối!
“Chúng mày nhà quê bỏ mẹ!” phán xong câu ấy, ông chủ của một toán kền kền tên là Nguyễn Văn Phương, từ vùng quê Vũ Thư, Thái Bình làm một hơi thuốc lào. Hết làn khói, ông chủ nhấm nhẳng giọng bề trên: “Nghe báo đăng là mấy cái nhà dưới Nhân Chính bị cưỡng chế hôm nay nhưng còn lâu. Tao biết “bọn” Thanh Xuân lù khù lắm. Còn cái vụ ở Tây Hồ thì phải làm ngay, mấy cái “anh” Tây Hồ làm nhanh như tên lửa, qua mấy vụ giải tỏa đường quanh Hồ Tây tao biết rồi”.
Hóa ra mớ chuyện lằng nhằng ấy chỉ với mục đích là đưa “quân” đi phục ở những chỗ có khả năng giải tỏa cao nhất. Tại Hà Nội thì “Nhất Hồ, nhì Bà, tam Thanh, tứ Kiếm…”. Trong những chỗ ấy thì quận Tây Hồ là dễ ăn nhất. Lượng nhà giải tỏa luôn luôn lớn nhất, nhà cũng kiên cố nhất vì những sai phạm liên tiếp trong quản lý đất đai trước nay. Ban lãnh đạo mới của quận cũng muốn lấy lại hình ảnh trong sáng nên ra tay rất quyết liệt. Không có tình trạng đến ngày thông báo giải tỏa, đưa hơn chục anh em đến chầu chực từ sớm đến tối, ngồi vêu mồm mà chả thấy máy xúc, máy ủi đâu. Tiếp đến là quận Hai Bà Trưng, tuy diện tích giải tỏa ít, nhưng lượng nhà kiên cố lại dày đặc, cũng có thể kiếm chác tí chút… Có được lượng kiến thức này, ngoài kinh nghiệm ra, Phương còn phải tham khảo trên báo chí rất nhiều. Căn nhà trọ tại Định Công tràn ngập một đống báo mà tất cả đều liên quan đến đô thị. Cầm một tờ báo trên tay, Phương tần ngần: “Chú cho thì anh xin, nhưng cũng chỉ đọc cho đỡ nhớ quê, mất gốc thôi, còn làm ăn như nghề của anh, đọc loại này là hỏng”.
Những điểm nóng về các khu vực cần giải tỏa mà báo chí đăng, luôn được đội này túc trực thường xuyên rồi còn thương thuyết với những đội khác. Nguyên tắc làm việc của các đội kền kền là bao giờ cũng chỉ có một đội được phép vào làm ở một khu vực nhất định (tránh việc tranh nhau rồi gây tai nạn). Chính vì thế, việc phân chia khu vực dựa vào “tuổi” của từng đội. Chuyện đánh nhau ít xảy ra vì cùng cảnh khổ với nhau cả, nhưng nhiều lúc, như Phương nói: “Cần thì cũng phải chiến đấu”.
Nhảy vào mà cướp!
Quân của Phương gồm hơn chục anh em cùng quê, to khỏe, thành thạo công việc theo kiểu dân kền kền nói là “Nhặt sắt trong bê tông như vặt bún”. Hôm công viên Lý Tự Trọng bên bờ Hồ Tây bị giải tỏa, cơ quan tôi chỉ cách đấy chưa đầy trăm mét mà tuyệt nhiên chẳng thấy động tĩnh gì. Lúc ra đến nơi đã thấy cả đội thợ lỉnh kỉnh sắt búa. Ông chủ ra cuối cùng, cưỡi chiếc xe ôtô tải nom oai ra phết, trên đấy là hai bình khí ôxy to đùng. Chỉ vào hai bình khí cùng hai chiếc mỏ hàn trên xe, Phương bảo: “Phải về quê cắm sổ đỏ mua bọn này đấy! Bây giờ giải tỏa chỉ trong một buổi phải xong, dùng búa, dùng đột thì hết hơi, có bọn này cứ gọi là chém sắt như chém bùn. 9 giờ là bắt đầu chiến đấu”. Hôm nay may mắn chỉ có một đội thợ “bảo kê” khu vực này nên cũng nhàn. Thấy mấy chị đồng nát ngồi chầu rìa, Phương thương tình: “Toàn nhà cũ, làm trong buổi sáng là xong, quận này người ta làm nhanh như ăn cắp, chúng mày la liếm cũng không có gì đâu, thôi vào luôn đội tao mà làm, chủ yếu chạy nước nôi điếu đóm, xong việc mỗi đứa 5 ‘xịch’ (50.000 đ - PV). Xong chưa?”.
Những đội quân này lại còn là dạng “kền kền của kền kền” đi nhặt mót lại sắt vụn của những đội thợ phá bê tông chuyên nghiệp. Phong, ông thợ được ôm chiếc búa tạ to tướng bảo: “Cho chúng nó cùng làm kiếm một tí. Mấy bà này tham lắm, khối bà bị bê tông đè gẫy chân gẫy tay rồi đấy. Vừa nện búa vừa phải để ý tay mấy bà”.
Cần cẩu đã đến! Đúng 9 giờ thật. Cả đội ào vào công việc. Búa tạ nện chí chết vào các tấm bê tông vừa sập xuống, tay này vừa mỏi, tay khác tiếp ngay, sắt lộ ra đến đâu, đèn khò cắt ngay đến đấy. Máy ủi vòng lại lần hai thì vệt thứ nhất đã được dọn sạch, đâu vào đấy, để được cậu thợ ủi thông cảm như thế là do Phương thủ thỉ: “Cũng phải có một tí cho anh em thợ ủi, thợ xúc. Hoa thơm mỗi người ngửi một tí”. Nước này còn nói “hoa thơm” thì cũng chịu phép. Đang làm bỗng Phương bỏ đèn khò gào lên: “Chúng mày định giết bố mày à? Tan xác đấy các con ạ”. Thì ra có một tấm bê tông còn đang ghếch đầu lên một bức tường đổ dở mà mấy ông tướng đang ào ào quai búa. Tháng trước tay búa mạnh nhất của đội là Chính bị cả một bức tường đè lên người ở dưới Lĩnh Nam, tràn dịch màng phổi hiện vẫn đang ở quê an dưỡng, lý do cũng vì muốn đốt cháy giai đoạn. Xe ủi đi đến đâu, cả đoàn người hớn hở theo sau, người búa, kẻ đèn khò, người thúng, kẻ bao khoái trí nhặt từng đống sắt thép sinh ra từ sai phạm, lộm cộm trong chuỗi quy hoạch đô thị.
Cuối giờ trưa, điện thoại Tầu của Phương rống chuông ồ ồ như lợn chọc tiết. Quấn ào cuộn dây dẫn khí ôxy, mấy cậu thợ biết ý bảo: “Khênh luôn lên xe chứ anh!”. Phương cắt đặt: “Hai thằng ở lại kiểm kê sắt vừa thu được, hai bà này mua cơm mang xuống dưới Thanh Xuân, còn bọn mày lên xe chạy ngay xuống chỗ Nhân Chính, đang chuẩn bị giải toả chỗ ấy. Lên đường ngay! Còn thừa một ít chỗ này thì bỏ. Hôm nay làm thông trưa”. Người vừa đi khỏi, hàng rào thép chống B40 của lực lượng cưỡng chế quận Tây Hồ cũng vừa kịp quây kín khu vực vừa giải toả. Căn thời gian chuẩn đến thế là cùng.
Ăn nhờ sai phạm
“Không có sai hỏng, vi phạm, lấn chiếm thì bọn em có mà ăn cám”. Tay búa chủ lực tên Phong tồng tộc ghi nhận sự khoái trá của mình trước tình trạng hỗn loạn trong kiến thiết đô thị. Nâng quan điểm lên thì thành tư tưởng phá hoại, nhưng xét giản đơn ra thì cũng chỉ để kiếm miếng cơm manh áo. Có vi phạm thì cũng ở cấp nảo cấp nào chứ cũng có dính dáng gì đến các đội kền kền.
Xét ở tầm vĩ mô thì những nhận xét của cánh thợ này hơn cả một lời góp ý: “Nói bảo các bác thông cảm chứ, ở làng em xây một cái chuồng xí cũng cả tổng cả làng biết lại còn bàn ra tán vào. Đây họ cho xây mấy chục cái nhà to tổ bố, lấn chiếm, làm trên đất nông nghiệp như dưới Định Công mà chính quyền bảo không biết thì đúng là có họa mù. Trên phố cứ phải giải tỏa liên tục chỉ béo chúng em nhưng nhiều bọn còn ăn lắm, béo hơn”.
Phương thì ngậm ngùi: “Lũ chúng tôi đây không về quê được nữa rồi! Ruộng còn mấy mẩu nữa đâu. Kiếm ăn trên phố có khổ tí, nhục tí nhưng còn có đồng ra đồng vào. Thôi đành sống kiếp con kền kền trên phố, làm nô lệ cho mấy cái xác nhà thôi”.
Nam Hải