📞

Những cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh

11:26 | 16/11/2013
Sau thời gian dài gần như bị lãng quên, học giả Nguyễn Văn vĩnh (1882-1936) được nhắc lại như là một người có công lớn trong phổ cập chữ quốc ngữ, khai sinh văn học dịch và báo chí Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.

Mới đây, trong buổi tọa đàm giới thiệu sách về học giả Nguyễn Văn Vĩnh tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, diễn giả Nguyễn Lân Bình đã rất xúc động khi nhìn thấy cuốn sách đầu tiên do ông chủ biên được Nhà Xuất bản Trí thức phát hành về ông nội mình. Với nhiều người từng biết đến Nguyễn Văn Vĩnh, cuốn sách chính là chìa khóa để tìm về một di sản quý giá...

Lời của "người Man di hiện đại"

Phong tục và thiết chế của người An Nam chỉ là tập đầu tiên trong bộ sách dài 14 tập Lời người Man di hiện đại bao gồm những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ báo tiếng Pháp Nước Nam mới (L'Annam Nouveau) do ông làm chủ bút ra ngày 21/1/1931. Lý giải về tên gọi chung của bộ sách, ông Nguyễn Lân Bình cho biết, trong một bức thư trao đổi với Huỳnh Thúc Kháng năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là "người man di hiện đại". "Man di" vì ông xuất thân nghèo khổ và không được đào tạo chính thống, còn "hiện đại" là bởi ông đã trở thành người hiểu biết nhờ tự học.

Trong tất cả bài báo dưới tiêu đề Làng với người An Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đều tự xưng là "người nhà quê chúng tôi", bởi ông đã có thời gian dài làm chánh hương hội của một ngôi làng, và đã tường tận đời sống, thiết chế, bản chất làm nên một ngôi làng Việt. Với tư cách là "người nhà quê", ông đã truyền tải sâu sắc những hiểu biết, gợi ý và cả cảnh báo của ông đến độc giả, đặc biệt là những người Pháp thực dân đang nóng vội áp đặt chính sách cai trị cùng những cải cách theo công thức Âu châu vào những vùng nông thôn của Việt Nam.

Với cái nhìn đa chiều và khách quan có kèm dẫn chứng sinh động, Nguyễn Văn Vĩnh đã phân tích chi tiết thế nào là một cái làng, từ tín ngưỡng cho đến cơ cấu hành chính với những biện pháp chế tài linh hoạt. Ông nhấn mạnh đến truyền thống trọng học sĩ và tình yêu sâu nặng của người Việt với đất đai. Tuy nhiên, ở những trang viết khác, ông lại chỉ ra điểm yếu từ thói mê tín dị đoan, tính sĩ diện, tình trạng loạn mua bán chức danh, loạn sưu thuế, loạn đặc quyền... với gánh chịu hậu quả là những nông dân nghèo phải vay nặng lãi để có thóc giống canh tác và phải dành cả đời trả nợ.

Đặc biệt, người đọc sẽ rất ngạc nhiên bởi những quan điểm về lúa gạo của ông trong các bài viết từ năm 1931 vẫn còn nguyên tính thời sự. Nguyễn Văn Vĩnh cũng đề ra một loạt phương án cải cách về ruộng đất, tiền tệ, hệ thống lưu trữ và thu mua thóc lúa có lợi cho nông dân. Bất ngờ hơn cả là ở thời điểm đó, đã có một "người nhà quê" nuôi mộng quảng bá ẩm thực Việt và mang hạt gạo nước Nam ra thế giới.

Được biết, 13 tập sách còn lại của Lời người Man di hiện đại với các chủ đề khác nhau sẽ lần lượt ra mắt từ nay đến năm 2015. Ông Nguyễn Lân Bình cho rằng, đây chỉ là bước đi thứ nhất trên con đường dài nhiều cây số của việc tìm kiếm di sản của Nguyễn Văn Vĩnh.

“Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”

Là người ngoại đạo không có chuyên môn về làm sách, nhưng ông Nguyễn Lân Bình lại được gia đình và dòng họ tin cậy, giao cho công việc sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật về Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình từng thú nhận là mình "lớn" rất muộn bởi gần 40 tuổi mới biết mộ ông nội ở đâu và ngoài 50 tuổi mới có ý thức đi làm sáng tỏ cho câu hỏi "ông nội là ai?". Nắm giữ cả một kho tư liệu do gia đình và dòng họ cung cấp nhưng không phải bản gốc, ông Bình đã phải mất 10 năm ròng rã nghiên cứu, sưu tập cũng như nhờ đến sự giúp đỡ của rất nhiều người. Đây cũng là lý do mà bên cạnh bộ sách Lời người Mandi hiện đại, ông quyết định cho ra một cuốn sách nhan đề Nguyễn Văn Vĩnh là ai với khá nhiều tư liệu quý lần đầu tiên công bố.

Không chỉ mang lại cho độc giả cái nhìn đầy đủ hơn về tiểu sử cùng những câu chuyện xúc động về gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, cuốn sách này còn nói rõ về sự ra đời của chữ Quốc ngữ, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ và tờ báo Quốc ngữ sớm nhất ở Hà Nội... Cũng qua đây, người đọc cũng nhận ra rằng, những năm qua có không ít nhà nghiên cứu đã âm thầm tìm hiểu, sưu tầm tư liệu và có những đúc kết, phát hiện riêng khá lý thú về con người và tư tưởng Nguyễn Văn Vĩnh.

"Cần nhìn nhận bao quát hơn về toàn bộ con người và sự nghiệp của ông. Chúng ta cần đặt ông trong hoàn cảnh lịch sử khi ông tồn tại… Nguyễn Văn Vĩnh cần phải được tôn vinh ở vị trí xứng đáng hơn nhiều". Giáo sư Phan Huy Lê

"Thuộc thế hệ sống vào nửa đầu thế kỷ trước, tự coi mình là "kẻ man di hiện đại" (Le Barbare Moderne) hẳn là để đối lại với bọn người hủ lậu vẫn tự coi mình là giới thượng lưu của xã hội đường đời, Nguyễn Văn Vĩnh đã để lại một di sản chữ nghĩa to lớn mà cho đến hôm nay nhiều người chưa được tiếp cận". Nhà sử học Dương Trung Quốc

“Nguyễn Văn Vĩnh muốn chỉ ra cho người Pháp thấy rằng, người Việt Nam cũng có thể văn minh". Ts. Christopher E. Goscha, Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, giảng viên khoa Đông Phương, Đại học Montréal-Canada.

AN BÌNH