Màn pháo hoa chào mừng tại Lễ khai mạc Festival Huế. (Nguồn: BTC) |
Sau 6 ngày đêm cả thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế náo nức trong bầu không khí lễ hội, Tuần lễ Festival Huế 2022 (25/6–30/6) với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, đa sắc màu văn hóa đã tạo nên diện mạo, sức sống mới cho vùng đất Cố đô.
Người dân và du khách đã có dịp thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của Huế, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đắm mình trong không gian cổ kính của một cố đô giàu bản sắc truyền thống, nhưng vẫn sáng bừng sức sống của một đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ đã phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về loại hình nghệ thuật, cháy hết mình trên sân khấu để đem đến cho khán giả bữa tiệc nghệ thuật đầy bản sắc, thể hiện ước vọng về một thế giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc.
Lễ khai mạc tuần lễ Festival Huế 2022 tại sân khấu trước lầu Ngũ Phụng (Đại Nội). (Nguồn: BTC) |
Tuần lễ Festival Huế 2022 với chuỗi 8 chương trình chính, 34 buổi biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu đầy màu sắc và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành, trưng bày, triển lãm đã diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm tại 11 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhiều chương trình, lễ hội chính đã thu hút hàng chục ngàn khán giả như chương trình nghệ thuật Khai màn (khoảng 10.000 khán giả), Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” (khoảng 12.000 khán giả), Lễ hội Bia (khoảng 9.000 khán giả), chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế (khoảng 25.000 khán giả), chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn (khoảng 6.000 lượt người), chương trình “Hoàng Cung giao hòa” (khoảng 3.000 lượt người), Đêm Gala Chào Huế (gần 8.000 lượt người).
Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế đã thu hút số lượng lớn khán giả tham gia: Ngày hội Áo dài cộng đồng Huế 2022 khoảng 8.000 lượt; Lễ hội Ẩm thực “Kinh đô Ẩm thực Huế với bốn phương” 45.000 lượt; Lễ hội “100 món ăn đường phố” khoảng 30.000 lượt; Lễ hội Khinh khí cầu “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời”, với hàng ngàn khán giả đến xem trong đó có 1600 lượt khách bay treo, 75 lượt khách bay tự do; Lễ hội “Chợ quê ngày hội” có khoảng 170.000 lượt; Hội chợ Thương mại Festival Huế 2022 với trên 70.000 lượt; Đêm nhạc EDM có 1.500 lượt tham gia.
Chương trình “Hoàng cung giao hoà” kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong không gian Hoàng cung. (Nguồn: BTC) |
Tuần lễ Festival Huế 2022, Quần thể Di tích Cố đô Huế đón khách tham quan với số lượng được ghi nhận như sau: khách Quốc tế: 1.464; khách Việt Nam: 38.840. Doanh thu đạt: 5.767.370.000 đồng.
Số liệu thống kê từ Sở Du lịch trong thời gian từ 23/6 đến 30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ. Khách lưu trú ước đạt 72.000 lượt (trong đó có gần 2.200 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn bình quân đạt 85% (riêng ngày 24 và 25/6 công suất phòng của các khách sạn trên 93%).
Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch trong thời gian qua, nhưng với sự cam kết nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước, việc huy động nguồn lực trong xã hội có kết quả tương đối khả quan và đã ký kết hợp đồng tài trợ với hơn 30 đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để Ban tổ chức triển khai các hoạt động theo chương trình kế hoạch đề ra.
Đây là hoạt động hết sức quan trọng tạo nên thành công của Festival Huế, phù hợp với chủ trương, đường lối xã hội hóa các hoạt động văn hoá, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước hiện nay. Tuần lễ Festival Huế 2022 cũng đã có 23 đơn vị truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục đồng hành, bảo trợ thông tin.
Chương trình quảng diễn Tuồng Huế “Ngàn xưa âm vọng” được tổ chức để tri ân những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế. (Nguồn: BTC) |
Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về Festival Huế từ trước ngày khai màn 25/6, các đơn vị bảo trợ liên tục đưa tin, hình ảnh của Festival Huế đến với công chúng và du khách. Hơn 500 phóng viên thuộc 94 cơ quan thông tấn báo chí, đơn vị truyền thông trong nước và 12 phóng viên cơ quan, báo chí nước ngoài từ 8 đơn vị đến dự và đưa tin về tuần lễ Festival Huế.
Trải nghiệm Tuần lễ Festival Huế 2022 cùng bản đồ thông minh, là tính năng mới trên ứng dụng di động Hue-S được xây dựng và phát triển bởi Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh, qua đó khán giả quan sát được tổng thể tất cả các chương trình lễ hội, thu hút hơn 7.770.064 lượt xem trên các nền tảng Facebook, Zalo và hơn 634.108 lượt tương tác.
Trong tháng 6 cao điểm diễn ra Tuần lễ Festival Huế 2022, Fanpage Festival Huế đã tăng 16 ngàn người theo dõi mới; lượt người tiếp cận bài viết đạt 3.900.000; lượt người tương tác đạt 2.500.000, lượt xem video đạt 3.100.000.
Trên nền tảng TikTok @huefestival có 1.500.000 lượt xem video. Kênh Youtube Festival Hue đã thu hút hơn 1.200.000 lượt xem. BTC đã kết nối các kênh mạng xã hội trên địa bàn tỉnh tuyên truyền chung cho Festival Huế như: hệ thống các kênh Visit Huế của Sở Du lịch (Fanpage, Tiktok, Zalo OA, Yotube...), hệ thống các trang mạng của Trung tâm Festival Huế, Fanpage Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, Fanpage HueCIT, Fanpage Cổng thông tin Điện tử tỉnh, Fanpage Dân trí... thu hút lượt người tiếp cận bài viết đạt 10.670.000, lượt người tương tác đạt 4.680.000.
Lễ hội đường phố chủ đề “Sắc màu văn hóa” tại khu vực ngã 6 phía trước Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh. (Nguồn: BTC) |
Loạt video ngắn đính kèm hai hashtag trên các nền tảng mạng xã hội cũng đạt lượt xem ấn tượng, trong đó #HelloHue với 250 video được đăng tải đạt xấp xỉ 11,2 triệu lượt xem, #FestivalHue2022 với 780 video đạt xấp xỉ 4,5 triệu lượt xem. Từ ngày 25/06, số lượng video được đăng tải với tổng lượt xem tăng mạnh cho cả hai hashtag nhờ vào sự thành công và sức lan tỏa của Tuần lễ Festival Huế.
Qua các hoạt động của Tuần lễ Festival Huế 2022, dù biểu diễn nghệ thuật hay trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội nghị… nhưng mục đích cuối cùng là tôn vinh các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, là nơi giao lưu của các vùng miền văn hoá đặc sắc trên thế giới.
Festival Huế đem lại cho Thừa Thiên Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước.
Festival Huế 2022 vẫn tiếp tục diễn ra các hoạt động cho đến hết tháng 12/2022 trong không khí giao lưu văn hóa và tình đoàn kết cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định, bền vững và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong Tuần lễ Festival có quy mô lớn, đối tượng tham gia rộng, thời gian dài lại diễn ra trong một không gian mở, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, khiếm khuyết, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự thông cảm và cùng chia sẻ của công chúng bạn bè quốc tế, đặc biệt là đối với các cơ quan thông tấn báo chí.
Đêm gala “Chào Huế” được tổ chức đầy cảm xúc và lưu luyến. được tổ chức thành một liên hoan âm nhạc và nghệ thuật, với sân khấu mở và tương tác. (Nguồn: BTC) |
Tin tưởng rằng, thành quả của các kỳ Festival trước và Festival Huế 2022 được tiếp tục giữ vững và phát huy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm hết sức mình để cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, bè bạn trong nước và quốc tế cùng chung sức xây dựng, tiếp tục phấn đấu nâng tầm Festival Huế, góp phần khẳng định văn hoá là yếu tố chính trong việc duy trì và phát triển bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Festival nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai, tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, để Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố Festival của châu Á.