Nhỏ Bình thường Lớn

Những điểm nhấn trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ngày 16/4, trang The Interpreter đã điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
5 sự kiện nổi bật trong 100 ngày đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden
Những sự kiện đáng chú ý trong 100 ngày đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đem lại cả sự lạc quan và thận trọng đối với thế giới. (Nguồn: FP)

Trong bài viết, chuyên gia Dick Grant nhận định rằng những sự kiện đáng chú ý trong 100 ngày đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đem lại cả sự lạc quan và thận trọng đối với thế giới.

Sự thay đổi tư duy trong chính sách của Mỹ

Sự kiện thứ nhất liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chính quyền Joe Biden đã ủng hộ việc cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala làm tân Tổng giám đốc WTO. Trước đó, chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã ngăn chặn việc này.

Tiếp theo là việc chính quyền ông Biden bổ nhiệm bà Katherine Tai làm Đại diện Thương mại mới của Mỹ, người đã xác nhận trước phiên điều trần tại Thượng viện rằng Mỹ muốn tham gia vào quá trình cải cách tại WTO.

Sự kiện thứ hai là Tổng thống Mỹ Biden ký sắc lệnh đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời bổ nhiệm ông John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu.

Tin liên quan
Chính sách kinh tế, đối ngoại của ông Joe Biden có gì? Chính sách kinh tế, đối ngoại của ông Joe Biden có gì?

Với những gì ông Biden đang hy vọng đạt được ở Mỹ về biến đổi khí hậu, các động thái này không chỉ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán mà còn đến cả chính sách về môi trường của các quốc gia khác.

Sự kiện thứ ba liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran, một vấn đề địa chính trị và an ninh quan trọng đối với Mỹ.

Mặc dù chưa rõ quá trình tái đàm phán này sẽ đem lại kết quả như thế nào, song điều việc thiện chí trở lại bàn đàm phán đã cho thấy một nỗ lực sâu rộng nhất để củng cố thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018.

Sự kiện thứ tư là khẳng định "Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại" với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Điều V của Hiệp ước NATO, đồng thời ca ngợi sức mạnh của NATO và vai trò của Mỹ, vốn bị lu mờ đáng kể trong 4 năm nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

Sự kiện thứ năm là chính sách thuế quốc tế. Do chính sách thuế quốc tế này liên quan chặt chẽ với nhu cầu tăng doanh thu thuế trong nước của chính quyền ông Biden để tài trợ cho sáng kiến “Xây dựng lại tốt hơn”, tân Tổng thống đã đưa ra những đề xuất mới và nghiêm túc nhằm cải cách một phần chế độ thuế quốc tế.

Được thực hiện trong bối cảnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang tiến hành hoàn thiện hệ thống thuế quốc tế, các đề xuất này chưa được công bố rộng rãi nhưng thể hiện sự thay đổi sâu rộng trong cách tiếp cận của Mỹ đối với một trong những vấn đề hóc búa trong chương trình nghị sự kinh tế đa phương.

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ bình luận rằng một cuộc cải cách như vậy sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ mà còn có những tác động toàn cầu.

Năm sự kiện trên phản ánh những thay đổi không chỉ trong phong cách mà trong một số trường hợp còn thể hiện sự thay đổi tư duy trong chính sách của Mỹ.

Ngoài những mục tiêu khác, 5 sự kiện trên đều phục vụ các mục tiêu của Mỹ. Minh chứng rõ ràng hơn cả là các sự kiện này không chỉ đơn thuần thể hiện những cam kết quốc tế của Mỹ mà còn phục vụ cho quyết tâm khôi phục nước Mỹ.

Việc chính quyền ông Biden công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng có giá trị "khủng" cho thấy một mục tiêu hướng đến cộng đồng quốc tế trong quan điểm của vị Tổng thống Mỹ.

Theo đó, ông Biden cho rằng một nước Mỹ hùng mạnh hơn, chứ không phải là một nước Mỹ yếu kém, mới có thể đối phó với những thách thức quốc tế.

Chưa vội hân hoan

Theo chuyên gia Dick Grant, kế hoạch của Tổng thống Biden đầu tư một số tiền khổng lồ vào việc tái thiết nước Mỹ, ngay cả khi ông không đạt được tất cả những gì mình muốn vì áp lực của Quốc hội Mỹ, sẽ có tác động quốc tế đáng kể.

Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ sẽ là 6,4% trong năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào sau khi sụt giảm 3,5% vào năm 2020. Tác động lan tỏa của sự hồi phục trở lại của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới được IMF mô tả là "to lớn" và "tích cực".

Tuy nhiên, chuyên gia Dick Grant cũng cho rằng không nên vội hân hoan trước những tín hiệu lạc quan này. Đúng là có những "ánh sáng le lói ở đầu đường hầm" chứ không phải là ở "cuối đường hầm".

Tin liên quan
Mỹ sẽ quay lại CPTPP vì Trung Quốc? Mỹ sẽ quay lại CPTPP vì Trung Quốc?

Đơn cử như vấn đề tự do hóa thương mại, chính quyền ông Biden chưa "lấp đầy" những gì mà chính quyền tiền nhiệm cuối cùng do đảng Dân chủ lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama còn bỏ lại. Đồng thời, Mỹ vẫn tỏ thái độ thờ ơ với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, Mỹ vẫn duy trì thuế quan đánh vào mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và New Zealand. Vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo về bảo vệ công nghiệp Mỹ và công nhân Mỹ, chưa kể việc bảo vệ ngành nông nghiệp Mỹ.

Cam kết cải tổ WTO của Mỹ nói chung có thể không đem lại những kết quả có lợi cho tất cả các nước thành viên. Sự phức tạp của nền chính trị Mỹ sẽ gây khó dễ cho chính quyền ông Biden.

Cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn vào đầu tháng 6 này sẽ cho thấy một bức tranh cụ thể hơn về đường hướng thương mại của Mỹ trong tương lai.

Ngoài ra, còn 2 yếu tố khác, theo ông Dick Grant có thể khiến nước Mỹ chưa thể lạc quan hoàn toàn.

Thứ nhất, quan hệ Mỹ với Trung Quốc hiện đang phức tạp và sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều, nhất là khi chính quyền ông Biden xác nhận Trung Quốc là vấn đề quốc tế lớn mà họ đối mặt.

Bất kỳ chiều hướng tiêu cực nào xuất phát từ mối quan hệ song phương này sẽ tác động đến các quan hệ đa phương. Do đó, ông Biden đã khôn khéo khi tìm cách tiến hành các cuộc đối thoại với đồng minh và bạn bè trước tiên.

Thứ hai, liên quan chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã triển khai trong vòng 4 năm qua.

Giờ đây, ông Biden cần nỗ lực gây dựng lại hình ảnh của Mỹ, một nỗ lực khó có thể cân đong đo đếm được, song lại rất quan trọng. Các bạn bè và đồng minh của Mỹ hiện ngày càng có ấn tượng mạnh mẽ về một "Nước Mỹ trước tiên".

Điều này đã hằn sâu trong con mắt của cộng đồng quốc tế về cách hành xử của Mỹ nên chính quyền ông Biden sẽ cần cả một chặng đường dài để đảo ngược ấn tượng này.

TIN LIÊN QUAN
Mỹ, NATO rút quân khỏi Afghanistan: Nhúng chân vào dễ dàng hơn rời bỏ
Nga buộc tội Mỹ, NATO 'gây sóng gió' ở Donbass của Ukraine
Mỹ, NATO 'nóng như lửa đốt', lo giữ chốt an toàn cho 'quả lựu đạn' Nga-Ukraine
Malaysia và tranh cãi về ngoại giao 'anh cả' với Trung Quốc
5 quy tắc xếp chỗ ngồi cơ bản trong hoạt động đối ngoại

(theo The Interpreter)