Bãi biển cát hồng (Pink Beach) hiếm có tại Labuan Bajo. (Nguồn: indonesia.travel) |
Tại sao là Labuan Bajo?
Labuan Bajo là thị trấn xinh đẹp nằm ở phía Tây của đảo Flores, hòn đảo lớn nhất (13,79 km2) trong ba đảo chính của tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Phải khẳng định rằng, thị trấn du lịch nhỏ này luôn lung linh bên bờ biển, trong ánh nắng nhiệt đới, với cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp, tiếng chim hót líu lo, tiếng khỉ kêu cả ngày. Đây cũng là nơi có những bãi biển cát trắng nằm rải rác và một bãi biển cát hồng (Pink Beach) hiếm có, có hang Rangko với hệ thống thạch nhũ vô cùng đẹp mắt. Nếu ngắm bình minh trên các đỉnh đồi ở Padar, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ đảo…
Vị trí ngồi tác nghiệp tuyệt đẹp của phóng viên tại ASEAN 42 ở khách sạn Meruorah, Labuan Bajo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Theo dữ liệu năm 2021, từ Tổng cục dân số và đăng ký hộ tịch của Bộ Nội vụ Indonesia, Labuan Bajo có 6.973 người sinh sống.
Kể từ năm 2019, khi Tổng thống Joko Widodo chỉ định Labuan Bajo là một trong năm điểm du lịch ưu tiên của nước này, việc phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã được thực hiện, trong đó có việc mở rộng sân bay Komodo để đón các máy bay thân lớn hơn.
Giờ đây, Labuan Bajo chuyển mình với nhiều cơ sở lưu trú sang trọng tầm cỡ năm sao như resort Ayana, khách sạn Meruorah, cùng nhiều khách sạn nhỏ ba sao hoặc tại các homestay xen lẫn khu dân cư… Các dịch vụ trải nghiệm được mở ra như đi bộ trên địa hình đa dạng, vui chơi trên bãi biển cát trắng và lặn trong làn nước có nhiều rạn san hô đầy màu sắc và sinh vật thủy sinh kỳ lạ…
Khi chúng tôi đến vào thời điểm diễn ra Hội nghị, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng như mở rộng đường sá vẫn thi công nhộn nhịp, và khu nghỉ dưỡng Marriot đang được xây dựng… cho thấy hòn đảo này vẫn đang tiếp tục chuyển mình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, Labuan Bajo chỉ đón khoảng 60.770 khách du lịch quốc tế, thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 khi có 256.609 lượt khách du lịch quốc tế đến đây. Vì vậy, việc Indonesia chọn địa điểm này là nơi tổ chức ASEAN 42 cho thấy rõ mục đích quảng bá Labuan Bajo như một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới và mong muốn được nhiều người biết đến.
Rồng Komodo - biểu tượng khi nhắc đến Indonesia. (Nguồn: indonesia.travel) |
Quê hương của rồng Komodo
Rồng Komodo, được coi là hậu duệ của khủng long thời tiền sử còn hiện diện, chính là biểu tượng khi nhắc đến Indonesia.
Labuan Bajo là cửa ngõ đến khu bảo tồn nổi tiếng thế giới là Công viên quốc gia Komodo với các hòn đảo chính: Komodo, Rinca, Padar, Gili Motang, Nusa Kode và một số đảo nhỏ khác. Trung tâm bảo tồn nằm ở tiểu khu Komodo.
Loài rồng Komodo (tên khoa học là varanus komodoensis) là một loài thằn lằn khổng lồ tồn tại từ khoảng 40 triệu năm trước. Chúng là thành viên của chi kỳ đà thuộc họ varanidae với chiều dài cơ thể có thể đạt tối đa 3m, nặng khoảng 70kg, là loài ăn thịt bằng những vết cắn khiến con mồi bị chết do nhiễm chất độc và vi khuẩn.
Loài này nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) do có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hiện chỉ còn khoảng 2.793 con rồng Komodo trong tự nhiên (so với khoảng 4.000 - 5.000 con vào năm 1980) và chúng được tìm thấy trên đảo Rinca (1.336 cá thể), Komodo (1.288), Nusa Kode (86) và Gili Motang (83).
Tại các địa điểm công cộng như sân bay, bến cảng, khu nghỉ dưỡng, lưu trú của Labuan Bajo đều có sự hiện diện của những bức tượng rồng Komodo. Để có thể chiêm ngưỡng loài này, bạn sẽ mất hai giờ đi tàu từ Labuan Bajo đến khu bảo tồn. Tuy nhiên, do đây là khu vực bảo tồn loài quý hiếm, chính quyền địa phương đang hạn chế số du khách tham quan không vượt quá 50.000 người mỗi năm.
Những khách sạn nổi, tàu bệnh viện dã chiến
Như đã nói ở trên, Labuan Bajo-nơi tổ chức Cấp cao ASEAN 42 nằm một hòn đảo nhỏ (13,7km2), nhỏ đến mức bạn có thể đạp xe tham quan vòng quanh đảo trong hai giờ, với số dân và cơ sở lưu trú hạn chế. Theo ước tính của nước chủ nhà, các cơ sở lưu trú chỉ có thể cung cấp chỗ cho khoảng 2.500 khách.
Vì vậy, để đáp ứng số lượng lớn người phục vụ và đại biểu về dự hội nghị (khoảng 5.000 người), Indonesia đã phải huy động các loại phương tiện tàu biển vào phục vụ hậu cần. Đây là một trong những điểm khác biệt khi Cấp cao ASEAN được tổ chức ở Labuan Bajo.
Đầu tiên, tàu du lịch vận tải biển KM Sinabung được huy động làm “khách sạn nổi” để làm nơi ở cho lực lượng phục vụ, một số đại biểu nước chủ nhà và các nhà báo trong, ngoài nước.
Tàu KM Sinabung có tổng cộng 508 phòng, có thể chứa tới 1.906 hành khách. Trên tàu có nhà vệ sinh, phòng cầu nguyện, phòng khám đa khoa, nhà hàng, chợ nhỏ, khu vực có wifi đáp ứng nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, tàu không cung cấp dịch vụ ăn uống.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng huy động 26 thuyền buồm và tàu du lịch với tổng sức chứa 4.200 người để làm nơi lưu trú thay thế.
Tàu bệnh viện túc trực tại cảng Marina Komodo, Labuan Bajo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về bệnh viện, ngoài bệnh viện cấp huyện được nâng cấp tại Labuan Bajo, Indonesia cũng đã điều tàu bệnh viện của quân đội sẵn sàng trực chiến tại bến cảng Marina-nơi các nhà lãnh đạo ASEAN có một buổi chiều ngắm hoàng hôn trên biển.
Là một quốc gia quần đảo nằm trên vành đai núi lửa của thế giới, kết hợp với dân số đông, đòi hỏi Indonesia phải có các cơ sở y tế mang tính cơ động trên biển. Hiện nước này có hai tàu bệnh viện gồm: KRI Dr. Radjiman Wedyodiningrat-992 (mới hạ thủy đầu năm 2023) và KRI Dr. Wahidin Sudirohusodo (hạ thủy năm 2022).
Cả hai tàu đều có thông số kỹ thuật cơ sở y tế tương tự nhau và tương đương với Bệnh viện loại C hoặc Bệnh viện Đa khoa khu vực trên đất liền.
Các con tàu này dài 124m trang bị các cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn như: phòng cấp cứu, phòng nội trú và phòng cách ly, phòng X quang, phòng sinh và phòng trẻ em, phòng khám/đa khoa, phòng thí nghiệm, ngân hàng máu, phòng mổ, đồng thời có thể chở ba máy bay trực thăng với trọng tải 11 tấn mỗi chiếc.
Tàu bệnh viện cũng linh hoạt cứu trợ trên các đảo do sự cơ động của hai thuyền cứu thương, một xuồng bơm hơi nhỏ cùng nhân viên y tế có thể áp sát bất kỳ khu vực nào của đảo (như xe cứu thương trên đất liền).
An ninh được thắt chặt
Khi chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN 42, Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia (TNI) và Cảnh sát quốc gia (Polri) Indonesia ký kết phối hợp trong “Chiến dịch Komodo 2023” để bảo vệ an ninh, an toàn cho địa điểm diễn ra sự kiện.
An ninh được thắt chặt cả trên đảo và vùng biển. |
Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Listyo Sigit Prabowo cho biết, có tám lực lượng đặc nhiệm phục vụ tại 91 trung tâm chỉ huy hay trung tâm điều hành hoạt động của toàn bộ chuỗi an ninh phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN 42. Việc giám sát toàn bộ động thái không chỉ diễn ra tại các điểm phục vụ hội nghị trên đảo mà còn gồm tất cả các tàu đi qua vùng biển quanh Labuan Bajo. Theo truyền thông nước này, các lực lượng bao gồm cả hai tàu chiến luôn túc trực ngoài khơi.
Tám lực lượng đặc nhiệm là: Lực lượng đặc nhiệm đánh phủ đầu; Lực lượng đặc nhiệm phòng ngừa; Lực lượng đặc nhiệm Walrolakir; Lực lượng đặc nhiệm thực thi pháp luật; Lực lượng đặc nhiệm hành động; Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố; Lực lượng đặc nhiệm quan hệ công chúng và Lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ hoạt động.
Theo truyền thông Indonesia, cảnh sát quốc gia triển khai 2.627 nhân viên an ninh, cùng với khoảng 1.600 nhân viên cảnh sát, an ninh của tỉnh Đông Nusa Tenggara tham gia Chiến dịch Komodo 2023.
***
Indonesia ước tính, Hội nghị cấp cao lần này có thể mang lại 5.000 tỷ Rupiah (gần 341 triệu USD), đồng thời thúc đẩy phục hồi du lịch, gia tăng việc làm đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho nền kinh tế địa phương.
Có thể khẳng định, từ thành công trong công tác tổ chức Cấp cao ASEAN tại Labuan Bajo, Indonesia không chỉ mong muốn quảng bá du lịch của vùng đất giàu tiềm năng này mà còn cho phát đi thông điệp rằng, những địa điểm nhỏ hẹp, còn hạn chế về hạ tầng vẫn có thể tổ chức thành công các sự kiện quốc tế đa phương lớn mang tầm khu vực và quốc tế.
Hoàng hôn ở Labuan Bajo. |